24.949 tổ tiết kiệm và vay vốn cho thanh niên nông thôn khởi nghiệp

Trong những năm qua, Trung ương Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ban, ngành có liên quan hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, khởi nghiệp với tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 44.440 tỷ đồng thông qua 24.949 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung ương Đoàn đã phối hợp để vận hành nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn (vốn 120) với tổng nguồn vốn là 75 tỷ đồng giải ngân cho 923 dự án, giải quyết việc làm cho 2.369 thanh niên.

Nhờ các hoạt động này, nhiều đoàn viên, thanh niên có điều kiện khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành đoàn, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre đã xây dựng được các quỹ khởi nghiệp, nguồn vốn thực hiện chương trình khởi nghiệp dành cho thanh niên có nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, lập nghiệp.

Nhiều tỉnh, thành đoàn đã thành lập quỹ để tăng nguồn vốn vay cho thanh niên, như: Quỹ đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Một số tỉnh, thành đoàn đã chủ động nghiên cứu quy định hỗ trợ vốn vay của các tổ chức chính trị xã hội khác như: Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã để tư vấn cho đoàn viên thanh niên đủ điều kiện làm hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đoàn cũng liên hệ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, để đàm phán các gói vay hỗ trợ cho thanh niên địa phương khởi nghiệp.

Nhiều tỉnh, thành đoàn đã thành lập và duy trì được các tổ nhóm trợ giúp vốn hỗ trợ nhau khởi nghiệp. Tiêu biểu như ở các tỉnh thuộc cụm thi đua Sông Hậu, các tổ nhóm vay vốn được thành lập ở tất cả các xã theo hình thức đoàn viên góp vốn, bình chọn và cho vay xoay vòng cho đoàn viên, thanh niên ở xã vay vốn sản xuất.

Phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn
Anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) chăm sóc đàn cá của gia đình (Ảnh: Báo tuyên quang điện tử)

Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk đã hình thành mô hình vườn đoàn, mượn quỹ đất dư thừa của xã, thôn, huy động đoàn viên góp công canh tác sản xuất, lấy nguồn kinh phí thu được từ các vườn đoàn để cho thanh niên địa phương vay vốn sản xuất. Kết quả, có 33/63 tỉnh, thành đoàn có nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế do các ban, ngành của tỉnh, thành phố hỗ trợ với tổng số tiền hơn 336,2 tỷ đồng.

Trong đó các tỉnh/thành đoàn có nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế từ 25-80 tỷ đồng, gồm: Bắc Ninh (80 tỷ đồng), Hà Nội (45 tỷ đồng), Thanh Hóa (50 tỷ đồng), Quảng Nam (50 tỷ đồng); nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế từ 1-5 tỷ đồng, gồm: Vĩnh Phúc (3 tỷ đồng), Hải Dương (3 tỷ đồng), Hưng Yên (3 tỷ đồng), Nghệ An (1,9 tỷ đồng), Khánh Hòa (2 tỷ đồng)…; nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế từ 5-20 tỷ đồng, gồm: Hà Nam (20 tỷ đồng), Ninh Bình (140 tỷ đồng), Đồng Tháp (9,2 tỷ đồng), An Giang (10 tỷ đồng)…

Nhiều mô hình thanh niên nông thôn khởi nghiệp thành công

Điển hình như tại tỉnh Tuyên Quang, theo Ban Thanh niên nông thôn – công nhân và đô thị Tỉnh đoàn, Chương trình vốn 120 được triển khai từ năm 2008, Tỉnh đoàn đã tích cực chỉ đạo các huyện, thành đoàn về định hướng cho vay nguồn vốn 120, mục tiêu sử dụng vốn vay, tổ chức thẩm định các dự án đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi cho các đối tượng vay vốn.

Đồng thời, phối hợp với các ngành tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Hiện nay, nguồn vốn 120 do Tỉnh đoàn quản lý là trên 2,1 tỷ đồng với 27 dự án được giải ngân.

Từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, nhiều đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điền hình như: mô hình nuôi cá lồng tại Hồ thủy điện Tuyên Quang của anh Trịnh Văn Hà, tổ 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) đã được xét duyệt vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 năm 2019. Hiện nay, anh có 34 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá lăng, rô phi, trắm, quất hoa. Anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 – 4 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Hay như Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm được hỗ trợ vay 400 triệu đồng vào năm 2019. Các thành viên trong Hợp tác xã đã sử dụng nguồn vay vào việc nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, đầu tư trồng và sản xuất trà cà gai leo… đã cho hiệu quả nhất định. Sau hơn 10 năm, nguồn vốn 120 đã hỗ trợ hàng trăm lượt thanh niên vay vốn mở rộng sản xuất, nhiều dự án do thanh niên làm chủ đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Hay tại Thái Bình, những năm qua, từ nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, nhiều thanh niên trên địa bàn Tỉnh đã có cơ hội được vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương mình. Với nguồn vốn 120, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã hỗ trợ 30 dự án phát triển của thanh niên.

Trong đó có một số dự án áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiêu biểu như: Anh Đào Nhân Nghĩa, thị trấn Diêm Điền – Thái Thụy đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thực hiện mơ ước gây dựng mô hình nuôi dê lấy sữa.

Năm 2017, Nghĩa đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng thông qua nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn cùng số vốn tích cóp của gia đình hỗ trợ để đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và mua con giống. Hiện đàn dê của gia đình anh có 60 con, trong đó có 20 con chuyên lấy sữa. Kinh doanh thuận lợi, mỗi tháng anh Nghĩa thu về 30 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, anh còn lãi 15 triệu đồng.

Một điển hình khác trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế là anh Nguyễn Xuân Tiến ở xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Được tiếp cận với nguồn vốn 120 của Trung ương Đoàn, anh Tiến mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ nguồn vốn tích góp bao năm, vay thêm từ nguồn vốn 120 cho đoàn thanh niên, anh đầu tư mua tre đã qua sơ chế và lên Hà Nội tìm mua máy vót, máy trà… về quê sửa sang 3 gian nhà ngói, khoảng sân 50 m2 để làm cơ sở sản xuất đũa. Năm 2020, anh Tiến mở rộng đầu tư mua máy lọc nước sản xuất nước uống tinh khiết. Đến nay, doanh nghiệp của anh cung cấp cho thị trường 500 bình nước/ngày (bình 19 lít), chủ yếu cho các trường học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, từng bước tạo được uy tín, thương hiệu với người tiêu dùng./.