Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức trong khuôn khổ Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh do Chính phủ tài trợ qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ).

Phát huy lợi thế vùng, thúc đẩy cơ cấu lại các ngành kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng
Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức trong khuôn khổ Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh do Chính phủ tài trợ qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ).

Vẫn còn nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế vùng ĐBSH

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, ĐBSH là 1 trong 6 vùng của cả nước, được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Quy mô dân số của vùng năm 2019 đạt 17.282,5 nghìn người (chiếm 23,44% dân số cả nước). Quy mô kinh tế ĐBSH đứng thứ 2/6 vùng trong cả nước năm 2019, GDP chiếm 3,55% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm 35,3% thu ngân sách cả nước và xuất khẩu chiếm trên 34,14% tổng xuất khẩu của đất nước. Vùng ĐBSH (với nòng cốt là vùng kinh tế trọng điểm) phía Bắc hiện đang là đầu tàu tăng trưởng của cả nước.

Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển biến khá tích cực. Từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 10,92% xuống 6,4%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng từ 39,69% lên 45,12%, khu vực dịch vụ giảm từ 52,7% xuống 48,48%.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa tạo được sự gắn kết, liên kết giữa các địa phương trong vùng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng; dẫn đến chuyển dịch cơ cấu tổng thể các ngành kinh tế trong toàn vùng chưa có bước đột phá, phát triển các ngành công nghiệp chủ yếu còn rộng, tri thức, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh thấp.

Chẳng hạn, ngành dịch vụ hiện đang là ngành mũi nhọn và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của vùng, nhưng tốc độ phát triển của ngành chưa bền vững. Công nghiệp của vùng (đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) đã thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, góp phần cải thiện cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, các dự án này vẫn đang tập trung vào các ngành tận dụng nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên (dệt may, da giày, lắp ráp thiết bị và bất động sản chiếm gần 65% vốn FDI đầu tư vào khu vực), nên sự liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao, việc thu hút doanh nghiệp trong nước tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế; tuy số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn đứng thứ hai cả nước nhưng xét về quy mô vốn, các doanh nghiệp vùng ĐBSH chủ yếu là DNNVV. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh còn rất yếu; trình độ công nghệ trồng trọt, sơ chế, chế biến còn lạc hậu…

Quy hoạch tổng thể vùng chưa phát huy nhiều tác dụng

“Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSH mặc dù được đặt nhiều kỳ vọng, nhưng chưa phát huy tác dụng”, TS. Đặng Đức Anh nhận định.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSH được kỳ vọng là “đầu tàu cả nước thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới thành công mô hình tăng trưởng”, trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, thực hiện vai trò to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực quốc tế; bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và trật tự an toàn xã hội.

Phát huy lợi thế vùng, thúc đẩy cơ cấu lại các ngành kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng
TS. Đặng Đức Anh nhận định, công nghiệp của vùng (đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ) đã thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn. Tuy nhiên, các dự án này vẫn tập trung vào các ngành tận dụng nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên, nên sự liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao.

“Nhưng thời gian gần đây công cụ này chưa được sử dụng hiệu quả. Các chính sách kinh tế vĩ mô liên quan đến phát triển kinh tế vùng (như nhóm chính sách ưu đãi vốn đầu tư, tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ …) đều nằm trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, áp dụng chung như các ngành, vùng khác trên cả nước nên chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế”, TS. Đức Anh nhận định.

“Trong khuôn khổ hợp tác đã được thống nhất giữa GIZ và CIEM, GIZ hỗ trợ CIEM thực hiện nghiên cứu về “Các giải pháp chính sách nhằm phát huy lợi thế vùng và thúc đẩy tái cơ cấu các ngành kinh tế: Nghiên cứu điển hình về vùng Đồng bằng sông Hồng””, ông Đức Anh cho biết. Theo đó, mục tiêu là cung cấp bằng chứng hữu ích và đề xuất để CIEM tham vấn Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung thể chế, chính sách nhằm thực hiện các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của Việt Nam.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đinh Xuân Nghiêm, Ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM) làm rõ hơn nhận định của TS. Đức Anh.

Ông Nghiêm cho biết, nghiên cứu của nhóm cho thấy, các chính sách kinh tế vĩ mô có liên quan đến phát triển kinh tế vùng áp dụng trong khung pháp luật hiện hành chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược quốc tế.

Đặc biệt, việc lập quy hoạch vùng dường như vẫn theo quan điểm địa giới hành chính của một tỉnh nên các định hướng phát triển ngành hay cơ sở hạ tầng chưa có sự thống nhất trên toàn vùng. Việc thực hiện các quy hoạch nhìn chung có hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được liên kết giữa các địa phương trong phát triển vùng, vẫn gặp khó khăn trong huy động nguồn lực cho phát triển vùng, nhất là cho kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng.

Các hoạt động liên kết vẫn mang tính hình thức

Hiệu đầu tư của vùng ĐBSH đã từng bước được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn bình quân chung cả nước trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, năm 2016, hệ số Icor của vùng 7,26 (bình quân cả nước 5,05), đến năm 2019 giảm xuống 6,46 (bình quân cả nước 4,45). Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, hệ số Icor của vùng tăng lên 10,45 (bình quân cả nước 10,67).

Ông Nghiêm cũng chỉ rõ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc xử lý vướng mắc trong việc xử lý các vấn đề về đầu tư công chưa hiệu quả còn tình trạng “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”.

Một số quy định pháp luật về đầu tư chưa đồng bộ, thống nhất, chưa khả thi, chậm sửa đổi bổ sung dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư công, dự án đầu tư kinh doanh, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại các tỉnh vùng ĐHSB gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, như: chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, nhất là tại các dự án trọng điểm, thẩm định, phê duyệt đầu tư…

Đặc biệt, dù đã có cơ chế liên kết vùng theo quy định tại Nghị định số 144/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2005 về công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch; Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 về Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với vùng KTTĐ; Quyết định số 2360/QĐ-TTg, ngày 22/12/2015 về ban hành quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của tổ chức điều phối phát triển các vùng KTTĐ giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2059/QĐ-TTg, ngày 24/11/2015 về việc thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020, song cơ chế liên kết vẫn còn nhiều hạn chế.

Các hoạt động liên kết vẫn mang tính hình thức, trên giấy tờ, thiếu cơ sở đảm bảo tính tổ chức triển khai thực hiện bởi Quy chế phối hợp không thể hiện được khả năng tổ chức triển khai và tính pháp lý trong các hoạt động liên kết để đảm bảo các thỏa thuận liên kết/hợp tác đi vào thực tiễn.

Quy chế phối hợp còn rất chung chung, mang tính định hướng, chứ chưa có những quy chế phối hợp, liên kết cụ thể; chưa có quy định mang tính chế tài để áp dụng trong các trường hợp không liên kết hoặc liên kết.

Ông Nghiêm cho biết, dù các liên kết vùng tự nguyện đã được đẩy mạnh phát triển ở một số vùng, song chủ yếu vẫn gói gọn trong một số lĩnh vực như: khai thác du lịch, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và một số dự án hợp tác được thực hiện trong phạm vi nhỏ. Vẫn còn thiếu động cơ liên kết giữa các địa phương trong vùng trong các liên kết mang tính chiến lược.

“Các hoạt động liên kết của một số địa phương vẫn chủ yếu xuất phát dựa trên những diễn biến thực tế khi có sự va chạm với nhau hay phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động của từng địa phương”, ông Nghiêm chỉ rõ.

Giải pháp chính sách thúc đẩy kinh tế vùng ĐBSH

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, để thúc đẩy cơ cấu lại các ngành kinh tế vùng ĐBSH, theo Nhóm nghiên cứu, cần chủ động xây dựng và thống nhất nội dung hoạt động liên kết trung hạn, dài hạn và hoạt động liên kết, phối hợp thường xuyên với các cơ quan có liên quan từ Trung ương đến địa phương. Cần hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế – xã hội giữa các địa phương trong vùng.

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu được nêu tại báo cáo, TS. Vũ Quốc Huy, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, nếu mang chính sách ra, thì vùng nào cũng như nhau.

Nhấn mạnh rằng, bản chất của Vùng không phải chỉ là tập hợp cơ học, mà còn nhiều vấn đề nữa, vị chuyên gia này cho rằng, mặc dù cơ chế liên kết vùng có từ năm 2005, nhưng gần 20 năm “chưa thấy có gì cả”. Trong khi đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không có thì vùng mãi mãi là tập hợp cơ học.

“Thực tế Covid vừa qua cho thấy rất rõ vấn đề cục bộ giữa các địa phương”, ông Huy phát biểu.

Dù vấn đề không mới, nhưng vẫn chưa thấy cũ, “vì chừng nào chưa xây dựng được liên kết vùng, thì tình trạng nào cũng thế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Mặc dù cơ chế liên kết vùng có từ năm 2005, nhưng gần 20 năm chưa thấy có gì cả. Trong khi đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không có thì vùng mãi mãi là tập hợp cơ học.

Ở góc độ khác, TS. Lê Anh Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ rõ, hiện nay Vùng chưa tạo ra các sản phẩm riêng có, không tạo ra được những sản phẩm dựa trên lợi thế, cũng như chưa tạo ra sản phẩm mới mà thị trường cần.

Vì thế, ông cho rằng, vấn đề về phát huy lợi thế phải rõ nét hơn. Theo ông Vũ, vùng ĐBSH không giống các vùng khác, ngoài ĐBSH còn vùng Bắc Bộ, vùng Thủ đô, “vùng chồng vùng”. Song cần phân biệt rõ vùng địa giới hành chính, vùng chức năng. “Cần lưu ý đặt nó trong mối quan hệ với vùng kinh tế trọng điểm”, vị chuyên gia này góp ý.

Ông Vũ cũng cho rằng, thực tế, có những lợi thế của tỉnh không phải là lợi thế của vùng, nên nhiều khi đây lại là một hạn chế. “Nguyên nhân là chưa có ý tưởng liên kết vùng chưa rõ ràng, nội dung liên kết chung chung; liên kết giữa các địa phương trong vùng còn hình thức. Chưa có sự liên kết giữa các địa phương để tạo ra các vùng sản xuất, liên kết sản xuất”, ông Vũ phân tích

Vị chuyên gia này nêu, cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương có nhiều điểm giống nhau, chưa vào sự chuyên môn hóa để tạo sự liên kết. Một số địa phương liên kết mới dựa vào sự tự phát, cảm tính, chưa có cơ sở pháp lý. Vì thế, ông đề xuất, trong vùng cần lưu ý tính đến khoa học, công nghệ, tạo ra sự đậm nét hơn về khoa học, công nghệ. “Vấn đề địa phương đã có sản phẩm chủ lực, nhưng phải xem có phải là sản phẩm có đặc thù lợi thế của vùng không”.

Cần lưu ý đến lợi thế so sánh, cần phải đầu tư thêm để phân tích lợi ích so sánh của vùng là gì? ĐBSH có lợi thế về địa hình, hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, quy mô kinh tế. Những lợi thế ấy phải xác định, tác động quan trọng tới hình thành cơ cấu kinh tế trong vùng.

“Giải pháp cần xây dựng các ngành chủ đạo, đầu tư xanh, hướng vào khai thác vào lợi thế của vùng. Kết cấu hạ tầng kết nối liên thông giữa các địa phương cho vùng, gắn với các chiến lược về tái cơ cấu kinh tế, tăng cường tính chuyên môn hóa của địa phương, mới tạo ra sự hoàn chỉnh cho vùng”, ông Vũ nêu đề xuất./.