Phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng chè huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: Trường hợp nghiên cứu Khu Du lịch Sinh thái Mộc Sương
Đồi chè trái tim Mộc Sương

Tóm tắt

Du lịch sinh thái không chỉ mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho du khách mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn môi trường, phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương và giáo dục cộng đồng về việc duy trì sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Đây là một xu hướng du lịch hướng tới tương lai, xây dựng một thế giới bền vững hơn cho chúng ta và thế hệ sau này. Kết quả khảo sát 80 du khách về du lịch sinh thái tại Công ty TNHH Chè Mộc Sương cho thấy, Khu du lịch Sinh thái Mộc Sương được du khách đánh giá rất cao về tài nguyên du lịch, môi tường du lịch và văn hóa bản địa, cũng như sự hài lòng của du khách. Dựa vào kết quả nghiên cứu, một số kiến nghị đã được đề xuất.

Từ khóa: du lịch sinh thái, Mộc Châu, Công ty TNHH Chè Mộc Sương, tài nguyên du lịch

Summary

Ecotourism not only brings great experiences to visitors but also makes an importat contribution to environmental conservation, economic development for local communities and educating the community about maintaining a balance between humans and nature. This is a future travel trend, building a more sustainable world for us and furutre generation. The results of a survey of 80 visitors about ecotourusm at Moc Suong Tea Co Ltd showed that Moc Suong Ecotourism Area was highly appreciated by tourists for its tourism reseources, tourism environment and local culture as well as tourist satisfaction. Based on the research findings, some recommendation have been proposed.

Keywords: Ecotourism, Moc Chau, Moc Suong Tea Co Ltd, Tourism resources.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn môi trường và phát triển bền vững. Đây là một loại hình du lịch mang lại lợi ích không chỉ cho du khách mà còn cho cộng đồng địa phương và môi trường tự nhiên. Tầm quan trọng của du lịch sinh thái không chỉ là việc khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là cách để bảo vệ và duy trì nguyên vẹn cho các khu vực sinh thái quý báu. Bằng cách khuyến khích du khách trải nghiệm một cách bền vững và có trách nhiệm, du lịch sinh thái giúp giữ gìn các hệ sinh thái đa dạng, cũng như duy trì sự cân bằng tự nhiên. Đặc biệt, du lịch sinh thái cung cấp cơ hội phát triển kinh tế cho các cộng đồng địa phương. Việc phát triển du lịch theo hướng bền vững không chỉ tạo ra thu nhập cho cộng đồng mà còn thúc đẩy việc bảo tồn văn hóa, truyền thống địa phương và tạo ra công việc cho người dân trong khu vực. Điều này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra cơ hội phát triển cho cộng đồng. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn giáo dục du khách về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và sự cần thiết của việc duy trì sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên.

Du lịch sinh thái vùng chè đang trở thành loại hình du lịch được không chỉ những người yêu chè yêu thích mà những người trẻ cũng muốn khám phá và trải nghiệm. Dựa vào địa hình tự nhiên với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, cùng với đó là văn hóa vùng bản địa càng tạo cho khách du lịch những cái nhìn mới mẻ, thú vị. Mang đến những năng phát triển kinh tế cho bà con bản địa các vùng trà trên cả nước.

Với khí hậu ôn hòa và cảnh quan đa dạng, Mộc Châu là thiên đường của những đồi chè xanh bạt ngàn. Du khách không chỉ được thưởng thức hương vị tuyệt vời của trà Mộc Châu thơm ngon nổi tiếng, mà còn có cơ hội hòa mình vào không gian yên bình của những đồi chè. Du lịch sinh thái ở Mộc Châu còn cung cấp những trải nghiệm gần với cuộc sống của người dân địa phương. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, như: thu hoạch chè, thăm các làng chè truyền thống để hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất trà và tương tác với người dân nơi đây

Không chỉ là một điểm đến tuyệt vời cho du lịch sinh thái, Mộc Châu còn góp phần vào việc bảo tồn và phát triển bền vững của vùng đất này. Bằng cách duy trì và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, du lịch sinh thái ở Mộc Châu mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa cho cộng đồng địa phương, đồng thời giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên cho thế hệ sau đến và khám phá vẻ đẹp tinh khôi, hương vị đặc trưng của chè và sự thân thiện của người dân tại Mộc Châu – nơi hội tụ của thiên nhiên tuyệt vời và văn hóa đậm đà.

Trên địa bàn huyện Mộc Châu đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè, như: Làng chè của Công ty Cổ phần Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của Công ty TNHH Chè Mộc Sương… Thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm đã giúp các tổ chức, cá nhân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Việc du khách tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè Mộc Châu đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Huyện.

Phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng chè huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La được thực hiện nhằm đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên du lịch sinh thái tại huyện Mộc Châu trong việc phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển vùng chè, để đề xuất các giải pháp nhằm phát triển loại hình du lịch sinh thái một cách bền vững và có hiệu quả.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm

Ngày nay, du lịch sinh thái đã trở thành nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa – xã hội của nhiều người. Hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái đang phát triển một cách mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng mang lại nguồn lợi nhuận cho các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam (Nguyễn Văn Thuật, 2016). Khái niệm du lịch sinh thái vẫn còn được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều tên gọi khác nhau.

Trong Hội thảo về chiến lược phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam (9/1999) đã đưa ra định nghĩa như sau “du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với giáo dục môi tường, có đóng góp cho nỗ lực, bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương” (Lê Huy Bá, 2009)

Du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên, là công cụ để bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương (Lê Huy Bá, 2009)

Theo Nguyễn Văn Thuật (2016), du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nhân tạo – tự nhiên, cảnh quan tự nhiên – nhân tạo và các di tích lịch sử, văn hóa, các di tích lịch sử – cách mạng; gắn với giáo dục môi trường; đóng góp cho công tác bảo tồn; đồng thời phổ biến một số kiến thức cơ bản về sinh thái học cho nhiều đối tượng khác nhau ở nhiều mức độ khác nhau. Du lịch sinh thái còn góp phần giao lưu, tìm hiểu phong tục tập quán giữa các địa phương trong nước cũng như giữa các nước.

Có thể hiểu du lịch sinh thái là “hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng dân cư ở địa phương nhằm phát triển bền vững” (Nguyễn Khải Hoàn, 2018).

Du lịch sinh thái có những đặc điểm sau:

– Giúp thỏa mãn về nhu cầu trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên đối với du khách.

– Loại hình du lịch thân thiện và rất gần gũi với thiên nhiên.

– Chi phí dành cho các tour du lịch sinh thái phải chăng.

– Giúp hỗ trợ về bảo tồn hệ sinh thái.

– Hỗ trợ cho việc phát triển cộng đồng địa phương.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu

Số liệu sơ cấp được thu thập từ các điều tra thực tế hai đợt. Đợt một tháng 12/ 2022 và đợt 2: tháng 10/2023. Trong khuôn khổ nghiên cứu, đề tài thu thập phiếu của 80 du khách (đợt 1 chọn ngẫu nhiên 50 du khách và đợt 2 chọn ngẫu nghiên 30 du khách tới nghỉ dưởng tại Khu du lịch sinh thái Mộc Sương).

Phương phân phân tích số liệu

Số liệu thu về được nhập vào phần mềm Excel. Phương pháp thông kê mô tả được sử dụng để mô tả đã được sử dụng để đánh giá nguồn tài nguyên du lịch sinh thái vùng chè tại Công ty TNHH Chè Mộc Sương. Thang đo Likert 5 mức độ đã được sử dụng.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng du lịch sinh thái của Khu Du lịch Sinh thái Mộc Sương

Tài nguyên du lịch: Vùng chè không chỉ là nơi sản xuất ra những loại trà ngon nổi tiếng mà còn là một tài nguyên du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn với sự phong phú về thiên nhiên, văn hóa và kỹ thuật trồng trà truyền thống. Vùng chè, thường tập trung ở các khu vực có địa hình đồi núi, với khí hậu và đất đai thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của cây chè. Du khách có thể đắm mình trong những cánh đồng chè xanh mướt, hít thở không khí trong lành và thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.

Bảng 1: Tài nguyên du lịch tại Khu du lịch Sinh thái Mộc Sương

TT

Tiêu chí đánh giá

Khảo sát đợt 1

Khảo sát đợt 2

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Địa phương có nhiều dân tộc sinh sống với văn hóa truyền thống bản địa phong phú, độc đáo, khác biệt

4,45

Rất tốt

4,45

Rất tốt

Địa phương có nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử

4,0

Tốt

4,30

Rất tốt

Điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng

4,20

Tốt

4,70

Rất tốt

Địa phương có phong cảnh đặc sắc, địa hình, cảnh quan hùng vĩ, hữu tình

4,50

Rất tốt

4,70

Rất tốt

Khí hậu tại trong lành, mát mẻ

4,70

Rất tốt

4,63

Rất tốt

Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả

Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả các tiêu chí được du khách đánh giá ở mức tốt và rất tốt. Trong đó điểm đánh giá cao nhất là: “Điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng” và “Địa phương có phong cảnh đặc sắc, địa hình, cảnh quan hùng vĩ, hữu tình” với điểm trung bình chung la 4.70. Điều này cho thấy, Khu du lịch sinh Thái Mộc Sương nói riêng và các khu vực đồi chè khác của Mộc Châu nói chung rất giàu tài nguyên du lịch.

Môi trường du lịch: Vùng chè, với vẻ đẹp thiên nhiên tinh tế và văn hóa độc đáo, đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách yêu thích sự thanh bình và hòa mình vào không gian tự nhiên tuyệt vời. Môi trường du lịch ở vùng chè không chỉ là nơi để trải nghiệm vẻ đẹp của các vườn chè xanh mướt mà còn là cơ hội để hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất chè và văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương. Trong tất cả các điểm du lịch tại đây, vùng chè không chỉ là nơi để khám phá mà còn là trải nghiệm sâu sắc về lịch sử, văn hóa và đặc sản ẩm thực. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai mong muốn khám phá vẻ đẹp tự nhiên và tinh hoa văn hóa của một vùng miền đầy ấn tượng.

Bảng 2: Môi trường du lịch sinh thái

Tiêu chí đánh giá

Khảo sát đợt 1

Khảo sát đợt 2

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Môi trường sinh thái và danh lam, thắng cảnh luôn được giữ gìn xanh, sạch, đẹp

4,30

Rất tốt

4,60

Rất tốt

Các di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử được bảo tồn, gìn giữ và khai thác hợp lý

4,20

Tốt

4,13

Tốt

Văn hóa truyền thống bản địa được khôi phục, bảo tồn và phát huy tốt trong phát triển du lịch

4,20

Tốt

4,40

Rất tốt

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo tốt

4,40

Rất tốt

4,50

Rất tốt

Các thủ tục lưu trú đơn giản và nhanh chóng.

4,40

Rất tốt

4,60

Rất tốt

Người dân bản địa thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh lịch sự, nhiệt tình giúp đỡ du khách

4,20

Tốt

4,50

Rất tốt

Có sự phối hợp tốt giữa các DN lữ hành với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, chính quyền và nhân dân địa phương

3,80

Tốt

4,10

Tốt

Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả

Kết quả Bảng 2 cho thấy, két quả khảo sát đợt hai cao hơn đợt một. Trong đó, “Môi trường sinh thái và danh lam, thắng cảnh luôn được giữ gìn xanh, sạch, đẹp” và “Các thủ tục lưu trú (hành chính) đơn giản và nhanh chóng” được đánh giá cao nhất, với điểm trung binh chung là 4.60. Ngoài ra, “Người dân bản địa thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh lịch sự, nhiệt tình giúp đỡ du khách” và “An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo tốt” cũng được đánh giá ở mức rất tốt. Điều này hoàn toàn phù hợp với Mộc Châu trong việc xây dựng “Văn hóa người Mộc Châu” thân thiện và mến khách.

Văn hóa Mộc Châu: Huyện Mộc Châu, nằm trong vùng cao nguyên Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La, là một điểm đến đầy sức hút với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa dạng. Văn hóa của huyện Mộc Châu là sự pha trộn độc đáo giữa nhiều dân tộc, với người Thái, H’Mông, Dáy, Mông, Khơ Mú và người Việt sinh sống và gắn bó với đây từ lâu đời. Điều này tạo nên sự đa dạng trong văn hóa, tập tục, lễ hội và ẩm thực đặc trưng của mỗi dân tộc, làm nên sức hút đặc biệt của vùng đất này đối với du khách thập phương. Kết quả đánh giá của du khách về văn hóa của Mộc Châu như Bảng 3.

Bảng 3: Văn hóa Mộc Châu

Tiêu chí đánh giá

Khảo sát đợt 1

Khảo sát đợt 2

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Văn hóa truyền thống của đồng bào và người dân nơi đây rất đa dạng và đậm bản sắc địa phương

4,30

Rất tốt

4,43

Rất tốt

Địa phương có phong tục tập quán, phong cách sống độc đáo

4,30

Rất tốt

4,46

Rất tốt

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của địa phương đang được giữ gìn và phát huy

4,30

Rất tốt

4,50

Rất tốt

Có nhiều chương trình lễ hội, văn hóa tại địa phương

4,10

Tốt

4,46

Rất tốt

Sản phẩm truyền thống tại địa phương có đặc trưng riêng mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

4,30

Rất tốt

4,43

Rất tốt

Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các tiêu chi đánh giá ở lần khảo sát thứ 2 được đánh giá ở mức rất tốt. Du khách đến Mộc Châu có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương thông qua việc tham gia các hoạt động truyền thống, như: múa xòe, cưỡi ngựa, cắm trại cùng bản làng và tham gia vào các lễ hội văn hóa. Đồng thời, họ cũng được khám phá những nét đặc trưng về trang phục, lễ hội và nghệ thuật dân gian độc đáo của từng dân tộc.

Sự hài lòng của du khách: Sự hài lòng của khách hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong mọi loại hình kinh doanh. Đây không chỉ là một chỉ số đo lường mức độ thành công mà còn thể hiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm mà một tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp. Sự hài lòng của khách hàng không chỉ tạo ra một trải nghiệm tích cực cho họ mà còn có thể tạo nên lòng trung thành và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Bảng 4: Sự hài lòng của du khách

TT

Tiêu chí đánh giá

Khảo sát đợt 1

Khảo sát đợt 2

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

Giá trị trung bình

Mức ý nghĩa

1

Du khách hoàn toàn cảm thấy an toàn, mong muốn khám phá, được thưởng thức và cảm thấy lãng mạn trong suốt du lịch

4,00

Hài lòng

4,53

Rất HL

2

Du khách hoàn toàn hài lòng với các điểm đến (tài nguyên du lịch, môi trường, cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch, văn hóa bản địa…) của địa phương

4,00

Hài lòng

4,63

Rất HL

3

Du khách hoàn toàn hài lòng với các dịch vụ được cung ứng trong suốt hành trình của thăm quan

4,10

Hài lòng

4,63

Rất HL

4

Du khách sẽ quay trở lại đây

4,40

Rất HL

4,63

Rất HL

5

Du khách sẽ giới thiệu cho người thân và bạn bè đến trải nghiệm

4,40

Rất HL

4,56

Rất HL

Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những du khách được khảo sát ở đợt thứ 2 đều rất hài lòng với thăm quan trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái Mộc Sương. Đây là một trong những lợi thế mà có thể nhiều điểm du lịch khác không có được. Đặc biệt, “Du khách sẽ quay trở lại” và “Hài lòng với cung ứng dịch vụ trogn quá trình thăm quan” ở mức rất hài lòng, với điểm trung bình chung là 4,64/5,0 thang đo Likert.

KIẾN NGHỊ

Một mô hình du lịch sinh thái thành công không chỉ tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận kinh doanh, mà còn nhấn mạnh vào việc bảo tồn và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, duy trì sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc tạo ra các chính sách hỗ trợ, đồng thuận cộng đồng và tạo ra ý thức cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch sinh thái.

Du lịch sinh thái tại Mộc Châu không chỉ đơn thuần là một trải nghiệm du lịch, mà còn là hành trình khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời và khám phá văn hóa đa dạng của vùng cao nguyên này. Mộc Châu là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích sự thanh bình của núi rừng, những cánh đồng chè bạt ngàn và không khí trong lành của vùng nông thôn.

Để phát triển du lịch sinh thái ở huyện Mộc Châu, có một số giải pháp cần được xem xét và triển khai:

Xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với vùng chè mang tính đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch nhằm khai thác có hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh du lịch của vùng chè.

Bảo vệ và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên: Chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè cần áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, giữ gìn các nguồn tài nguyên nước, đồng cỏ và đồi chè.

Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái: Tổ chức các tour du lịch sinh thái, tạo điều kiện cho du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm như trekking, cắm trại, ngắm hoàng hôn, thăm vườn chè và làng bản.

Hợp tác cộng đồng: Kích thích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc phát triển du lịch sinh thái, giúp họ hưởng lợi từ ngành du lịch và đồng thời bảo vệ và duy trì văn hóa, truyền thống

Để bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa tại Mộc Châu trong quá trình phát triển du lịch, huyện Mộc Châu cần: Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương bảo tồn di sản văn hóa và lịch sử; Có chính sách và quy định hỗ trợ cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa, bao gồm cả việc hỗ trợ chính cho các hoạt động bảo tồn.

Du lịch sinh thái không chỉ mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho du khách mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn môi trường, phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương và giáo dục cộng đồng về việc duy trì sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Đây là một xu hướng du lịch hướng tới tương lai, xây dựng một thế giới bền vững hơn cho chúng ta và thế hệ sau này

Du lịch sinh thái tại Mộc Châu không chỉ mang lại trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên mà còn là cơ hội để hiểu rõ hơn về đời sống, văn hóa và truyền thống của người dân nơi đây. Thăm quan những vườn chè và tham gia vào các hoạt động truyền thống của các dân tộc địa phương sẽ giúp du khách được hòa mình vào cuộc sống hàng ngày của cộng đồng nơi đây./.

Nguyễn Thị Gấm

Trường Đại học Phenikaa

Email: ntgam@yahoo.com


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Khải Hoàn, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Văn Hiền (2018), Phát triển du lịch sinh thái ở tỉnh Tuyên Quang: Trường hợp nghiên cứu huyện Lâm Bình, Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào, Số tháng 10 năm 2018, trang 61-67

2. Lê Bá Huy (2009), Du lịch sinh thái, Nxb Khoa học và Kỹ thuật

3. Phạm Trung Lương (chủ biên) (2002), Du lịch sinh thái, những vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Thuật (2016), Ý kiến mới về du lịch sinh thái, Tạp chí Khoa học, Đại học Đồng Nai, số 01/2016

5. https://yeutraviet.vn/du-lich-sinh-thai-vung-che/ (1)

6. https://vhttdl.sonla.gov.vn/1287/30902/58986/512428/tong-hop/phat-trien-nganh-che-gan-voi-du-lich-tren-cao-nguyen-moc-chau.html