Tại cuộc họp báo Chính phủ tối 30/9, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, không hạn chế phạm vi huy động nguồn lực trong phát triển nhà ở xã hội.

Quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, không hạn chế phạm vi huy động nguồn lực trong phát triển nhà ở xã hội.

Thời gian tới, nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu

Thứ trưởng chỉ rõ, hiện nay, pháp luật về nhà ở, nhất là liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nguồn lực nhà nước cũng như huy động các nguồn lực khác, các doanh nghiệp nguồn vốn khác, không hạn chế phạm vi nào.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp chưa “mặn mà” khi đầu tư các dự án, Thứ trưởng cho rằng, pháp luật đã quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước đây là 20% diện tích trong các dự án nhà ở cơ bản. Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 đã sửa đổi theo hướng sẽ giao cho UBND các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu phù hợp với điều kiện, quy hoạch.

“Như vậy, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn”, Thứ trưởng nói.

Về ưu đãi cho chủ đầu tư, đây là nội dung được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua, cụ thể là ưu đãi nhiều hay ít đảm bảo cho việc thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Quy định đã rất rõ về chính sách ưu đãi, bao gồm việc miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, lợi nhuận 10%, ưu đãi vay vốn… Trong thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tham gia.

Thứ trưởng cho hay, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị…

Về ý kiến cho rằng, tại sao không nâng lợi nhuận lên 15%, Thứ trưởng cho biết, đã khảo sát và thấy rằng như vậy sẽ làm nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cũng thấy lợi nhuận 10% là chấp nhận được.

Thứ trưởng nêu rõ, quan trọng doanh nghiệp đang cần là cải cách thủ tục hành chính, các địa phương phải tích cực vào cuộc để giải quyết việc này, lúc đó sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Các doanh nghiệp cũng được tiếp cận, hỗ trợ, vay lãi suất ưu đãi… Riêng với nhà ở xã hội đã có gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ để các chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%. Thứ trưởng nhấn mạnh, đó là những chính sách hết sức kịp thời.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư. Thứ trưởng kỳ vọng, giai đoạn tới nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 với những giải pháp rất đồng bộ, sẽ đồng bộ cả về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai. Sắp tới, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa X sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội và sẽ có hiệu lực ngay.

“Tôi tin là thời gian tới nhà ở xã hội sẽ phát triển tốt và đáp ứng được nhu cầu hiện nay”, Thứ trưởng tin tưởng.

Giải pháp phòng cháy ở các chung cư mini

Liên quan đến công tác phòng cháy ở các chung cư mini, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt. Các địa phương cũng đã vào cuộc, trong đó nổi bật nhất là tổng kiểm tra, rà soát tất cả hoạt động của các chung cư mini này.

Thứ trưởng cho rằng, về mặt tổng thể, đã có quy định trong Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy… rất đầy đủ. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nhiều chung cư mini chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Giải pháp trong thời gian tới, Theo Thứ trưởng, việc đầu tiên là các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cấp đã để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng cũng như hoạt động của các loại hình này.

Vấn đề thứ hai là các địa phương cần đôn đốc, chỉ đạo các chủ nhà khẩn trương có những giải pháp đầu tư, cải tạo khu vực để xe, khu vực dễ phát sinh cháy nổ, bố trí lối thoát cho cư dân sống trong các chung cư này một cách thuận lợi nhất; cải tạo thêm các cầu thang, lối thoát hiểm an toàn, phù hợp.

Vấn đề thứ ba là chỉ đạo, đầu tư các trang thiết bị về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vấn đề này, Bộ Công an đã có chỉ đạo rất quyết liệt.

Ngoài ra cũng cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong các tòa nhà, bảo đảm không bị cháy chập, cung cấp đủ công suất; mua sắm thêm các công cụ phòng chống cháy, có những công cụ như mặt nạ phòng độc để giúp người dân bảo đảm an toàn khi xảy ra cháy.

Vấn đề thứ tư là tăng cường tập huấn đối với các hộ dân sống trong các tòa nhà chung cư mini, để các hộ dân có những ứng phó kịp thời nếu chẳng may ở đó xảy ra cháy nổ.

Liên quan đến quản lý, vận hành các chung cư này cũng cần phải được quan tâm. “Đó là phải bố trí người bảo vệ đủ sức khỏe, có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm để xử lý cháy nổ. Đồng thời cũng phải có nội quy để hướng dẫn người dân để biết cách quản lý, vận hành khi sống trong chung cư này một cách thống nhất”, Thứ trưởng đề nghị./.