Còn nhiều hạn chế

“Kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020 cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%), có 14 chỉ tiêu đạt trên 90%, 6 chỉ tiêu đạt từ 70% – 90%, 1 chỉ tiêu đạt từ 50% – 70% và 4 chỉ tiêu đạt dưới 50%…”, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho biết, khi thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025), diễn ra chiều nay (ngày 29/10), theo Văn phòng Quốc hội.

Quy hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025). Ảnh: Quốc hội

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ông Hà cũng chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020 như: hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; việc lập quy hoạch chưa dựa trên phương pháp, công nghệ hiện đại; thông tin, số liệu, tài liệu đầu vào cho công tác lập quy hoạch còn hạn chế. Dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương…

“Việc tổ chức lập, thực hiện quy hoạch còn là khâu yếu: các quy hoạch có sử dụng đất như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng… lập thiếu tính đồng bộ, ổn định, còn thay đổi, điều chỉnh nhiều lần, phá vỡ tính tổng thể của hệ thống quy hoạch; công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm…”, ông Hà thẳng thắn.

Phải đáp ứng 4 mục tiêu

Về quan điểm, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững; phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất…

Quy hoạch sử dụng đất vẫn còn nhiều tồn tại
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Quốc hội
Về đất phi nông nghiệp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 10 năm vừa qua, diện tích đất phi nông nghiệp tăng 226,04 nghìn ha, năm 2020 có 3,93 triệu ha. Trong thời kỳ 2021-2030, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đồng bộ, quy hoạch đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là 4,9 triệu ha.

Theo ông Hà, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 phải đáp ứng 4 mục tiêu gồm:

Thứ nhất, đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thứ hai, phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa; phát triển văn hóa xã hội; bảo vệ các hệ sinh thái; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 – 43%… kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực.

Thứ tư, khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, ông Hà đề cập đến phương án quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khi mà chỉ tiêu được Quốc hội quyết định đến năm 2020 của cả nước là 27,04 triệu ha. Thực hiện quy hoạch được phê duyệt, cả nước đã chú trọng công tác bảo vệ, quản lý đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất trồng lúa…, nên đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp có 27,98 triệu ha, đảm bảo chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42 – 43% và tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, quy hoạch đến năm 2030 có 27,73 triệu ha, giảm 251,22 nghìn ha.

Đối với đất đô thị, theo ông Hà, hiện cả nước có 2,03 triệu ha, để đáp ứng mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925,78 nghìn ha…/.