Cần quyết sách và cách làm đặc biệt

“Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (DN) nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng DN. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90.000 DN giải thể và tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những DN đang khó khăn…”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, đề xuất tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam, với sự tham dự của hơn 400 doanh nhân tại hơn 70 điểm cầu trong cả nước, theo Văn phòng Quốc hội.

Sẽ điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích kinh tế phục hồi
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân. Ảnh: Quốc hội
Các DN đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, các dịch vụ số; luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến các giải pháp cấp bách trước mắt, các doanh nhân kiến nghị, cần nhìn nhận DN là một chủ thể trong ứng phó với Covid-19; tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Cũng cần công nhận và cho DN chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 theo khả năng, điều kiện của DN, nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp. Cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của DN trong điều kiện sống chung với dịch. Cũng cần cho phép các DN đã tiêm đủ một mũi vaccine cho người lao động và thực hiện nghiêm túc 5K được hoạt động bình thường trở lại. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng chủ trương, chính sách của nhà nước đã có nhưng quá trình thực thi không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi thực thi một kiểu.

Liên quan đến các giải pháp mang tính trung và dài hạn, các DN cho rằng, cần lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, mạnh dạn tháo bỏ những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho DN nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế…

Theo các doanh nhân, việc hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DN, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Họ mong muốn Quốc hội, Chính phủ chủ động sửa đổi ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế.

Các doanh nhân còn kiến nghị Quốc hội khi xem xét, thông qua một đạo luật cần kiểm soát chặt việc chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn để bảo đảm đúng tinh thần của luật, đồng bộ, minh bạch để thực thi được ngay. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới việc lấy ý kiến của cộng đồng DN trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các dự thảo liên quan trực tiếp và tác động đến hoạt động của DN, môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh tế; đồng thời cần khắc phục tình trạng “đại khái” trong tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN.

Quốc hội sẽ xem xét quyết sách về phục hồi kinh tế

Để giải quyết yêu cầu cấp bách cho phục hồi kinh tế, Chủ tịch Quốc hội “đặt hàng” VCCI và cộng đồng DN hiến kế cho Quốc hội về chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid -19 như thế nào? Tận dụng cơ hội từ Covid-19 ra sao? Cách thức để vượt qua những rủi ro pháp lý hậu đại dịch, những ngành, lĩnh vực nào có thể bứt phá được sau đại dịch… để đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong quá trình xem xét, quyết định về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2026 tại Kỳ họp thứ 2 tới và chuẩn bị cho tổ chức Diễn đàn kinh tế – xã hội thường niên đầu tiên vào đầu năm 2022, để bàn về thích ứng với đại dịch và phục hồi kinh tế.

Sẽ điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích kinh tế phục hồi
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị VCCI nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid -19 như thế nào. Ảnh: Quốc hội

Giải đáp đề xuất của các doanh nhân về nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó với Covid-19, ông Vương Đình Huệ cho rằng, điều quan trọng để bảo đảm an toàn nợ công là tỷ lệ chi trả nợ, tức là tổng chi trả nợ hàng năm không được vượt quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước. Trần nợ công chỉ là một phần, phải tính toán cả về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Phải có gói chính sách này trên tinh thần chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải đóng góp nhiều hơn cho việc tái thiết, phục hồi kinh tế, hỗ trợ DN và người dân…

Theo ông Vương Đình Huệ Quốc hội đang rất tích cực chuẩn bị cho tổ chức Kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến DN, doanh nhân và phục hồi kinh tế – xã hội; xem xét, quyết định các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, lao động, việc làm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ phải sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch…

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XIII vừa bế mạc, Trung ương đã thống nhất sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp, phối hợp chặt chẽ hai chính sách này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân, kích thích kinh tế phục hồi và phát triển. Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ làm việc cụ thể về vấn đề này. Ngay trong tuần tới, Chủ tịch Quốc hội sẽ làm việc với các cơ quan của Quốc hội như: Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để rà soát, xem xét cụ thể việc sử dụng các công cụ chính sách này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị việc ban hành kết luận về định hướng xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Theo đó, có 135 luật, pháp lệnh cần được rà soát, đánh giá, hoàn thiện. Các đề xuất của cộng đồng DN liên quan đến việc hoàn thiện thể chế cũng đều đã được chỉ rõ trong danh mục luật, pháp luật cần sửa này và có lộ trình thực hiện kèm theo.

“Đề nghị VCCI cải tiến, đổi mới công tác lấy ý kiến của cộng đồng DN. Đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, nếu chỉ đăng tải lên để tự DN đóng góp ý kiến là rất khó, phải ngồi lại với nhau, bàn cho ra nhẽ thì mới hiệu quả. Sau khi dự luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu, các cơ quan của Quốc hội cần tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng DN về các nội dung giải trình, tiếp thu cho thật thấu đáo, kỹ lưỡng. Quốc hội cũng sẽ giám sát chặt chẽ hơn việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và công tác tổ chức thực thi luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch…”, ông Vương Đình Huệ nói./.