Từ khóa: tham gia lực lượng lao động, vị thế của phụ nữ, nền kinh tế, tinh thần doanh nhân nữ, xếp hạng quốc tế

Summary

As part of the workforce, the participation and position of women in the economy has always been vital to the country’s goals of economic growth and sustainable development. The article analyzes the theoretical and empirical bases for the women’s participation in the economy, gender economically inequality, existing issues and the position of women when pursuing female entrepreunership in Vietnam, and comparison with other countries in the world.

Keywords: labor force participation, women’s position, economy, female entrepreneurship, international ranking.

GIỚI THIỆU

Sự tham gia và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế thực chất chính là một trong những chỉ số quan trọng thể hiện nguồn vốn nhân lực (human capital) của một quốc gia trong phát triển kinh tế cả về số và chất lượng. Đây là một chủ đề có nhiều ý nghĩa đặc biệt, khi chúng ta nhìn nhận vai trò kinh tế của phụ nữ vừa là một trong những nhân tố đầu vào của sản xuất vừa là đích đến của quá trình phát triển. Nhiều quốc gia nhận thức được sự cấp thiết này đã xây dựng chính sách nhằm cải thiện tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới và thúc đẩy vị thế làm chủ của nữ giới trong các doanh nghiệp. Dù vậy, mức độ và phạm vi tham gia của nữ giới vào nền kinh tế trên thực tế vẫn bị hạn chế đáng kể, nhất là ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, sự tham gia và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế luôn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Dù vậy, những thành tựu đáng kể mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này đang có xu hướng bị xói mòn bởi tác động của đại dịch Covid-19. Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về bình đẳng giới trong kinh tế cũng cho thấy những cải thiện về sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế ở nước ta trong thời gian qua phần lớn mới chỉ tập trung ở khía cạnh số lượng; trong khi đó, tinh thần doanh nhân nữ vẫn chịu nhiều rào cản và doanh nghiệp nữ làm chủ thường chỉ tập trung ở các khu vực phi chính thức, thâm dụng lao động, do đó quy mô của doanh nghiệp và tiềm năng phát triển đều bị hạn chế.

SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ VÀO LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM

Năm 2022, nữ giới chiếm 46,8% trong tổng số 50,6 triệu lao động trên 15 tuổi đang có việc làm ở Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với mức 53,2% của nam giới. Số liệu của Tổng cục Thống kê (2023) cũng cho thấy, số lượng lao động nữ giảm mạnh trong thời kỳ nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ 25,9 triệu năm 2019 xuống 22,8 triệu người năm 2021, sau đó đã bắt đầu cải thiện trong năm 2022; nhưng khoảng cách giữa tỷ lệ có việc làm của nam và nữ đã nới rộng ra từ 5,4 lên 6,4 điểm phần trăm trong giai đoạn 2019-2022. Điều này cho thấy tình trạng việc làm của nữ giới vẫn dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam giới khi nền kinh tế suy giảm.

Bảng 1: Số lao động có việc làm trong nền kinh tế phân theo giới tính

Đơn vị: Nghìn người

2018

2019

2020

2021

Sơ bộ 2022

Tổng số

54282,5

54659,2

53609,6

49072,0

50604,7

Nam

28370,7

28792,2

28324,1

26238,9

26918,7

Nữ

25911,8

25867,0

25285,5

22833,1

23686,0

Nam

52,3%

52,7%

52,8%

53,5%

53,2%

Nữ

47,7%

47,3%

47,2%

46,5%

46,8%

Nguồn: Niên giám Thống kê 2022

Khoảng cách giới còn được thể hiện về khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề. Mặc dù Việt Nam có số lượng lao động dồi dào và có nhiều cải thiện về chất lượng nguồn nhân lực trong những năm gần đây, nhưng đến nay hiện chỉ có 26,4% lao động đã qua đào tạo trên cả nước và tỷ lệ này ở nữ giới cũng thấp hơn rất nhiều so với nam giới, 23,9% so với 28,7% năm 2022.

Bảng 2: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phân theo giới tính

Đơn vị: %

Năm

Tổng số

Phân theo giới tính

Nam

Nữ

2018

22,0

24,4

19,4

2019

22,8

25,0

20,3

2020

24,1

26,9

20,9

2021

26,1

28,5

23,3

Sơ bộ 2022

26,4

28,7

23,9

Nguồn: Niên giám Thống kê 2022

Như vậy, cho đến năm 2019 (trước đại dịch Covid-19), nước ta đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới về lao động, như: tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam ở mức khá cao so với các nước đang phát triển khác[1] hay tỷ lệ nữ giới làm công ăn lương đạt 43% (tiệm cận chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra là 50% vào năm 2025), nhưng các số liệu ở trên cho thấy đại dịch Covid-19 đã tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể đối với khả năng tiếp cận việc làm của phụ nữ và càng khẳng định sự cần thiết tiếp tục cải thiện tỷ lệ tham gia và vị thế của nữ giới trong nền kinh tế, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

VỊ THẾ CỦA PHỤ NỮ TRONG DOANH NGHIỆP VÀ TINH THẦN DOANH NHÂN NỮ Ở VIỆT NAM

Một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và vị thế của nữ giới trong nền kinh tế là thúc đẩy tinh thần doanh nhân nữ và phát triển doanh nghiệp nữ làm chủ[2]. Dưới đây, bài viết sẽ giới thiệu những phát hiện và số liệu về tỷ lệ doanh nghiệp nữ làm chủ và đặc điểm tinh thần doanh nhân nữ ở Việt Nam được đưa ra và so sánh trong các báo cáo nghiên cứu trong nước và quốc tế uy tín, như: VCCI (2019); MasterCard (2022); Grant Thornton (2020-2023); WEF (2023).

Báo cáo của VCCI (2019) cho biết tỷ lệ doanh nghiệp nữ làm chủ đã tăng từ 21% năm 2011 lên 23,8% năm 2018. Điều này khá tương thích với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh: tính đến hết tháng 9/2019, tức là trước thời điểm đại dịch Covid-19, cả nước có 285.689 doanh nghiệp nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp. Biểu đồ 1 chỉ ra rằng, xét mỗi ngành kinh tế, thì doanh nghiệp nữ làm chủ chỉ chiếm tỷ trọng từ 13% (xây dựng) đến 28% (thương mại, dịch vụ).

Biểu đồ 1: Phân bổ theo giới của chủ doanh nghiệp theo từng lĩnh vực hoạt động chính

Sự tham gia và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế ở Việt Nam
Nguồn: VCCI (2019)

Đáng chú ý, báo cáo của VCCI (2019) đã chỉ ra những đặc điểm chung nổi bật của các doanh nghiệp nữ làm chủ ở Việt Nam như sau:

(i) Chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn cao: 68,6% nữ chủ doanh nghiệp có trình độ đại học và thạc sỹ quản trị kinh doanh, trong khi ở nam là 71,9%, chứng tỏ khoảng cách giới về học vấn và đào tạo đã được cải thiện đáng kể và doanh nhân nữ có đầy đủ năng lực trình độ để quản lý doanh nghiệp;

(ii) Phần lớn xuất phát từ hộ kinh doanh: Có đến gần 70% số doanh nghiệp nữ làm chủ từng là hộ kinh doanh; điều này nói lên xuất phát điểm khá thấp và mang tính phi chính thức, tương đương với tỷ lệ cao của doanh nhân nữ do các nhân tố đẩy hơn là tố chất doanh nhân sáng tạo;

(iii) Có quy mô sử dụng lao động nhỏ: Dưới 50 lao động, cho thấy đa số các doanh nghiệp nữ làm chủ ở quy mô siêu nhỏ và nhỏ;

(iv) Có quy mô vốn nhỏ: 68%-70% doanh nghiệp nữ làm chủ có vốn dưới 5 tỷ đồng và đặc điểm này ít thay đổi qua các năm. Tỷ lệ này ở doanh nghiệp nam làm chủ thấp hơn (ở khoảng 64%-65%), cho thấy họ có vốn lớn hơn.

Đáng chú ý, báo cáo của VCCI (2019) cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp nữ làm chủ có kết quả kinh doanh tương tự, hay không thua kém nhiều so với doanh nghiệp nam làm chủ và phần lớn đều ở tình trạng lãi ít (gần 60%).

Báo cáo của Grant Thornton (2020-2023): Đây là một nghiên cứu quốc tế có uy tín, công bố hàng năm về tỷ lệ nữ lãnh đạo cấp cao (senior roles) trong doanh nghiệp ở các nước trên thế giới, như: Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính hay nhân sự… Đây là chỉ dấu quan trọng thể hiện năng lực quản lý của doanh nhân nữ và bình đẳng giới trong môi trường làm việc của doanh nghiệp.

Biểu đồ 2: Tỷ lệ nữ lãnh đạo doanh nghiệp của Việt Nam, ASEAN,

khu vực châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu

Sự tham gia và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế ở Việt Nam
Nguồn: Grant Thorton (2023)

Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng này Việt Nam liên tục đứng trong top 10 của thế giới trong những năm gần đây. Ví dụ như năm 2019, tỷ lệ nữ đứng đầu doanh nghiệp ở Việt Nam là 37%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực và thế giới. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới, và thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (chỉ sau Phillipines), đạt 39%. Dù vậy, trong các năm 2022-2023, tỷ lệ này đã giảm xuống 33%-34%, thấp hơn mức trung bình của ASEAN, nhưng vẫn cao hơn khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới (Biểu đồ 2).

Cũng theo báo cáo này, năm 2023, vị trí lãnh đạo được nắm giữ bởi phụ nữ nhiều nhất tại các doanh nghiệp ở Việt Nam là Giám đốc nhân sự, đạt 61% (giảm 7% so với năm 2022), tỷ lệ nữ lãnh đạo ở vị trí Giám đốc tài chính của Việt Nam đạt 44% (giảm 3% so với năm 2022), đều ở các mức cao so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

Chỉ số doanh nhân nữ (Mastercard Index of Women Entrepreneurs – MIWE) của MasterCard (2022): Là một bảng xếp hạng quốc tế đối sánh sự phát triển của doanh nhân nữ ở các nước trên thế giới ở 65 nước, chiếm 82,4% lực lượng lao động nữ trên thế giới; được tính dựa trên 12 chỉ số chính và 27 chỉ số phụ chia làm 3 nhóm: (i) Sự tiến bộ của phụ nữ; (ii) Nguồn lực tri thức và tiếp cận vốn; (iii) Những điều kiện hỗ trợ doanh nhân nữ.

Năm 2021, Việt Nam đạt 54,7 điểm, xếp thứ 38/65 trên bảng xếp hạng này, giảm 1 bậc và 0,5 điểm so với năm 2020. Mặc dù nước ta đã đạt thứ hạng cao hơn một số nền kinh tế phát triển, như: Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, nhưng lại đứng sau khá xa các nước láng giềng và ở cùng trình độ: Singapore (xếp thứ 18 – 62,2 điểm); Thái Lan (19-61,8); Indonesia (25-60,5); Philippines (26-60,4); và Malaysia (28-59,3). Điều này cho thấy tỷ lệ cao về số lượng phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam là một ưu điểm, nhưng bị trung hòa bởi các chỉ số khác thấp hơn về chất lượng.

Cụ thể, năm 2021 Việt Nam đạt 60,3 điểm, xếp thứ 11 là mức rất cao ở nhóm chỉ số về sự tiến bộ của phụ nữ (Women’s Advancement Outcomes), bao gồm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới và tỷ lệ doanh nhân nữ và nữ lãnh đạo doanh nghiệp. Dù vậy, ở nhóm chỉ số về nguồn lực tri thức và tiếp cận vốn (Knowledge Assets and Financial Access), bao gồm năng lực tri thức và khả năng tiếp cận vốn, Việt Nam chỉ đạt 50,0 điểm, xếp thứ 51; và ở nhóm chỉ số về các điều kiện hỗ trợ doanh nhân (Entrepreneurial Supporting Conditions), bao gồm môi trường kinh doanh và chính sách của nhà nước có liên quan đến vị thế của doanh nhân nữ, Việt Nam đạt 52,5 điểm, xếp thứ 51.

Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu (Gender Gap Index – GGI) do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF 2023): được xây dựng dựa 4 chỉ số thành phần bao gồm kinh tế, giáo dục, chinh trị và y tế. Để tránh cho chỉ số bị ảnh hưởng bởi sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế của các quốc gia khác nhau, phương pháp tính của GGI là ghi lại sự cải thiện khoảng cách về bình đẳng giới trong quá trình tiến tới bình đẳng hoàn toàn; điểm GGI dao động từ 0,0 (bất bình đẳng) đến 100% (bình đẳng). Năm 2023, GGI của 146 quốc gia là 68,4%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế là một trong 4 nhóm tiêu chí chính đo lường khoảng cách giới. Năm 2023, chỉ số này của toàn cầu đạt 60,1%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với năm trước. Nhìn chung, chỉ số kinh tế thường thấp hơn đáng kể so với so với các chỉ số về y tế, giáo dục (tương ứng 96,0% và 95,2% năm 2023), nhưng cao hơn chỉ số về chính trị (22,1%). Theo WEF, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm cho khoảng cách giới về kinh tế có thể nới rộng từ 1%-4%.

Bảng 3: Chỉ số GGI tổng thể của một số quốc gia châu Á – Thái Bình Dương

Quốc gia

Xếp hạng

Điểm (%)

Khu vực

Thế giới

New Zealand

1

4

85,6

Philippines

2

16

79,1

Australia

3

26

77,8

Singapore

4

49

73,9

CHDCND Lào

5

54

73,3

Việt Nam

6

72

71,1

Thái Lan

7

74

71,1

Mông Cổ

8

80

70,4

Indonesia

9

87

69,7

Campuchia

10

92

69,5

Nguồn: WEF (2023)

Xét về chỉ số tổng thể, năm 2023, Việt Nam đạt 71,1%, xếp thứ 72 trên toàn cầu; tăng 0,6% và 11 bậc so với năm 2022 (Bảng 3). Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 6. Đối với lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đạt 74,9% và xếp thứ 31 trên thế giới; giảm 0,2% về điểm và giữ nguyên bậc so với năm 2022. Có thể thấy rằng, kinh tế là lĩnh vực mà chỉ số chung của toàn cầu không cao, nhưng lại là điểm sáng của Việt Nam khi đạt được thứ hạng tốt nhất trong số các chỉ số thành phần của GGI.

KẾT LUẬN

Sự tham gia và vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng khi góp phần quyết định cả số và chất lượng của nguồn nhân lực, cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới về kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Cho đến năm 2019, Việt Nam đã đạt thành tựu ấn tượng so với các nước đang phát triển khác về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới, khoảng cách tỷ lệ lao động có việc làm giữa nam và nữ giới là 5,4%. Dù vậy, đại dịch Covid-19 đã làm giảm hơn 3 triệu lao động nữ trong giai đoạn năm 2019-2021, khiến tỷ lệ lao động nữ trong cơ cấu lao động giảm xuống 46,5% và khoảng cách so với lao động có việc làm của nam giới lên tới 7% năm 2021. Khoảng cách giữa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo giữa nam và nữ giới trong giai đoạn này cũng nới rộng ra từ 4,7% lên 5,2%. Điều đó thể hiện tình trạng dễ bị tổn thương trước những biến động kinh tế khách quan đối với khả năng tiếp cận việc làm và chất lượng nguồn nhân lực của người phụ nữ ở Việt Nam. Có thể nói, những thành tựu cải thiện bất bình đẳng giới về kinh tế đã đạt được rõ ràng bị xói mòn bởi đại dịch Covid-19. Khi nền kinh tế có sự hồi phục trong năm 2022, các chỉ số trên bắt đầu được cải thiện, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn.

Mặt khác, thực tiễn nói trên cũng cho thấy, còn rất nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện bất bình đẳng giới về kinh tế; trong đó cần đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy tinh thần doanh nhân nữ và mở rộng khả năng phát triển về quy mô và lĩnh vực kinh doanh của các doanh nghiệp nữ làm chủ. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ khá cao so với nhiều quốc gia khác về nữ giới giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp (34%, năm 2023) và tỷ lệ doanh nghiệp nữ làm chủ (27,4%, năm 2022); tuy nhiên một số vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về vị thế của nữ giới trong nền kinh tế nói chung và tinh thần doanh nhân nữ nói riêng đang có xu hướng sụt giảm. Đặc biệt, do những rào cản về văn hóa – xã hội, các doanh nghiệp nữ làm chủ ở Việt Nam cũng giống như ở nhiều nước đang phát triển khác, bị hạn chế về quy mô phát triển khi phần lớn là các doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các hộ kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức; về phạm vi, lĩnh vực hoạt động thường tập trung ở các ngành thâm dụng lao động, sử dụng công nghệ thấp, do đó lợi nhuận thấp và khả năng chống chịu trở nên kém bền vững trước những biến động của nền kinh tế. Điều đó cho thấy, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua mới chỉ tập trung vào số lượng, mà chưa có nhiều tiến bộ về chất đối với vị thế và tiềm năng phát triển dài hạn của phụ nữ trong nền kinh tế./.


Tài liệu tham khảo

1. Ernst & Young (2016), Global job creation survey: does disruption drive job creation?, Research paper.

2. Grant Thornton (2020-2023), Women in business 2020-2023, Research paper series.

3. MasterCard (2022), The MasterCard index of women entrepreneurs, 2022 Report.

4. Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám Thống kê năm 2019, Nxb Thống kê.

5. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống kê.

6. VCCI (2019), Kinh doanh tại Việt Nam: Đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, Báo cáo trong khung khổ Aus4Reform, tháng 12/2019.

7. World Economic Forum (WEF) (2023), Global gender gap report 2023, Insight Report.


[1] Khoảng cách tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam và nữ là một trong những chỉ số quan trọng thể hiện bình đẳng giới trong lao động. Theo Tổng cục Thống kê (2020), tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam năm 2019 đạt 76,8%, thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á; trong khi đó, tỷ lệ này ở Indonesia là 51%, Ấn Độ là 20,6%. Khoảng cách tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (labour-force participation rate) của nữ so với nam giới ở Việt Nam là 5,1 điểm %; trong khi ở Indonesia là 32,7%; mức trung bình của thế giới là 26,7% và G-20 đặt mục tiêu giảm khoảng cách này xuống 25% vào năm 2025.

[2] Báo cáo của Ernst & Young (2016) cho thấy, doanh nghiệp nữ làm chủ tạo việc làm mới nhiều hơn so với doanh nghiệp của nam giới, cụ thể là 10,9%/năm so với 8,3%/năm.