Sửa 3 nội dung lớn

“Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia xuất phát từ thực tiễn nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phản ánh tình hình mới, bối cảnh mới phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội diễn ra chiều ngày 20/10, theo Văn phòng Quốc hội.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là cần thiết
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chỉ tiêu thống kê được sửa đổi, bổ sung bảo đảm cung cấp thông tin kinh tế – xã hội ở tầm vĩ mô (tầm quốc gia); phản ánh, đánh giá thực hiện các nội dung của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; chính sách về phát triển bền vững; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số… Để có số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 3 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành, cụ thể như sau:

Một là, bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Hai là, bổ sung nội dung về định kỳ 5 năm rà soát về đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có 5 quan điểm xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Thứ nhất, thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê.

Thứ hai, phản ánh tình hình kinh tế – xã hội chủ yếu của đất nước, phục vụ các cơ quan, lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Thứ ba, bảo đảm kế thừa, phát huy hiệu quả những quy định mang tính ưu việt trong Luật Thống kê; khắc phục hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.

Thứ tư, bảo đảm tính khả thi khi Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung được ban hành, áp dụng thuận lợi trong thực tiễn.

Thứ năm, khẳng định và nâng cao vai trò của hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước, bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc; bảo đảm so sánh quốc tế.

Sửa luật là cần thiết

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, cũng như phạm vi sửa đổi như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê là cần thiết
Theo Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh, việc sửa đổi Luật là cần thiết. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, về nguyên tắc xây dựng Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự thảo Luật, UBKT đề nghị, ngoài 3 nhóm nguyên tắc chung được nêu trong Tờ trình, cần bổ sung cụ thể hơn một số nguyên tắc như: Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cần bổ sung các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, năng suất, giá trị, mức độ phát triển bảo đảm phản ánh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng sống theo đo lường kết quả đầu ra; cụ thể hơn nguyên tắc phân định giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu ngành, địa phương…

UBKT đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, trong thời gian ngắn đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Hồ sơ dự án Luật qua 2 lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung tại 2 điều, Điều 17 và Điều 48 cũng đã được đánh giá tác động theo quy định.

UBKT đề nghị nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng thời tích hợp số liệu điều tra các dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu về mức sống tối thiểu; chỉ số giá sản xuất (PPI). Cũng cần nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm; sử dụng điện sinh hoạt, chất lượng nhà ở trong nhóm chỉ tiêu phản ánh chất mức sống dân cư; chỉ tiêu về dịch bệnh, về tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cho nhân dân và một số bệnh phổ biến vào nhóm Y tế và chăm sóc sức khỏe…

UBKT cũng đề nghị rà soát, xem xét tính hợp lý, trùng lặp của một số chỉ tiêu như: chỉ tiêu về tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động; chỉ tiêu về tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội; chỉ tiêu về tỷ lệ người Việt Nam đọc báo, tạp chí…/.