“Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các nội dung quy định về hình thức đấu giá, phương thức đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá…, để khắc phục những bất cập…”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề xuất, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Sửa Luật Đấu giá tài sản phải không gây khó cho người dân, doanh nghiệp
Về đào tạo nghề đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đối với quy định về miễn đào tạo nghề với một số đối tượng, cần có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp cho từng đối tượng, đảm bảo tăng cường chất lượng hành nghề

Theo ông Tùng, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản có quy định “Người được cấp Thẻ đấu giá viên không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, thừa phát lại”. Đây là quy định cần thiết để tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên, đây là quy định liên quan đến quyền tự do kinh doanh, do vậy, cần nghiên cứu, nếu cần thiết thì phải luật hóa, đưa vào luật sửa đổi bổ sung lần này.

Về cổng đấu giá tài sản quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị dự thảo Luật nêu cụ thể hơn về cổng thông tin này, trong đó đặc biệt cần làm rõ cơ quan quản lý, vận hành, kết nối với trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản…, để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xác định rõ quan hệ giữa luật hình thức và luật nội dung, làm rõ phạm vi quy định của luật này trong tương quan với các luật khác. Trong nền kinh tế hiện nay, bên cạnh những tài sản hữu hình, còn có những tài sản vô hình. Loại tài sản này ngày một nhiều, có giá trị rất lớn. Loại tài sản này có thực hiện đấu giá hay không? Nếu có thì hình thức thực hiện đấu giá như thế nào?

“Cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản với các luật khác có liên quan, gồm Bộ luật Dân sự, Luật Quản lý tài sản công, pháp luật về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước…”, ông Vương Đình Huệ đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cơ quan soạn thảo cần làm rõ, việc sửa đổi Luật có đảm bảo giải quyết được khó khăn, vướng mắc hiện nay hay không? Để Luật Đấu giá tài sản bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, cần sửa đổi cụ thể như thế nào? Tại một số nước, pháp luật có quy định về hình thức “đấu giá lên” và “đấu giá xuống”. Tuy nhiên, dự thảo Luật trình lần này chỉ quy định về “đấu giá lên”, chưa bao hàm hình thức “đấu giá xuống”. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ lý do chưa có hình thức này?

Sửa Luật Đấu giá tài sản phải không gây khó cho người dân, doanh nghiệp

Đề cập đến vấn đề khó khăn trong bán đấu giá tài sản thi hành án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo luật có những quy định đặc thù, trình tự thủ tục riêng để tháo gỡ vướng mắc trong bán tài sản thi hành án

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều nội dung sửa đổi đề xuất trong dự thảo Luật nằm ngoài 3 chính sách đã định. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh rõ về các nội dung này, làm rõ các nội dung sửa đổi là để thực hiện chính sách nào, đảm bảo tính rõ ràng, chặt chẽ. Bán đấu giá tài sản là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, về nguyên tắc là cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đề nghị cần nghiên cứu kỹ để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong kinh doanh.

Trong dự thảo Luật hiện quy định về 3 hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp, đấu giá trực tuyến và đấu giá qua hệ thống bưu chính. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ các quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện tiến hành 3 hình thức này để đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ, khả thi.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật, để Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6./.