“Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022) và trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022)…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), diễn ra hôm nay (ngày 31/3), theo Văn phòng Quốc hội.

Theo ông Thanh, bối cảnh mới đòi hỏi có cách nhìn mới, sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới tạo ra cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường phân cấp, phân định trách nhiệm, tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Sửa Luật Dầu khí nhằm tránh lợi ích cục bộ
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư… Ảnh: Quốc hội

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước; loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Việc xây dựng Luật còn nhằm đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, các nội dung mang tính đặc thù của lĩnh vực dầu khí cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong luật…

Theo đó, dự án luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách gồm: (1) Bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; (2) Quy định về điều tra cơ bản theo hướng việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; (3) Quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; (4) Quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; (5) Quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí; (6) Quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.

“Luật Dầu khí liên quan đến rất nhiều luật chuyên ngành khác như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…, nên đòi hỏi tiếp tục rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Liên quan đến quy định về phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cần quy định theo hướng phân định rõ thẩm quyền…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Hoàng Văn Cường đề xuất.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề nghị có những nội dung phân cấp cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) điều chỉnh, phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ dầu khí, thu dọn công trình dầu khí…, nhưng có nội dung nên để Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải trình Quốc hội xem xét, bởi lĩnh vực dầu khí có liên quan đến chiến lược phát triển, an ninh năng lượng, quốc phòng an ninh. Do đó, cần xác định phạm vi phân cấp rõ ràng…

Sửa Luật Dầu khí nhằm tránh lợi ích cục bộ
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo báo cáo làm rõ quản lý tài sản nhà nước tại PVN. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhìn nhận, quy định về áp dụng pháp luật quy định tại Điều 4 dự thảo Luật, theo đó xem xét xử lý đặc thù trong lĩnh vực dầu khí như thế nào để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa với thông lệ quốc tế; cần đầu tư nghiên cứu quy định rõ những đặc thù trong luật.

“Đề nghị Ban soạn thảo, PVN có báo cáo làm rõ nội dung về quản lý nhà nước đối với PVN và quản lý tài sản nhà nước tại PVN; rà soát các quy định đối với PVN bảo đảm nguyên tắc giao quyền, phân cấp, ủy quyền gắn với trách nhiệm khắc phục tiêu cực thời gian qua. Cùng với đó, rà soát để quy định rõ các nội dung về đấu thầu, dự án dầu khí triển khai theo chuỗi, cơ chế chính sách khai thác tận thu…”, ông Thanh lưu ý./.