Từ khóa: tăng trưởng thu nhập, tiến bộ xã hội, phát triển bao trùm, hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống, hệ số tăng trưởng vì phát triển con người, hệ số tăng trưởng vì công bằng

ĐẶT VẤN ĐỀ

Quan điểm “gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ ngay từ đầu và trong toàn tiến trình phát triển” đã được Đảng Cộng sản Việt Nam phê duyệt trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001-2010 của Việt Nam (tại Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX) và tiếp tục được hoàn thiện trong các kỳ Đại hội tiếp theo.

Hơn 35 năm đổi mới, cùng với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: lực lượng sản xuất phát triển với hàm lượng khoa học ngày càng cao và với quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; kinh tế tăng trưởng nhanh, chất lượng được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi mặt đời sống xã hội được bảo đảm; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ngày càng hoàn thiện theo hướng trong sạch, vững mạnh. Dân chủ được phát huy, kỷ luật, kỷ cương được bảo đảm; văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ được mở mang, trình độ dân trí phát triển; những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội được đấu tranh loại bỏ dần; môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ hơn; con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc; được cống hiến và hưởng thụ công bằng thành quả của sự phát triển. Đích hướng tới của tiến bộ xã hội nhằm phát triển toàn diện con người đã đạt được những bước tiến dài. Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Đảng ta đánh giá: “Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam… có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật”.

Tuy vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã viết: do sức ép về tăng trưởng kinh tế, nên nhiều ngành, nhiều địa phương ít quan tâm đến phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Với những vấn đề đặt ra ở trên, việc nghiên cứu tác động của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới là cần thiết.

LUẬN CỨ CHO VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Thứ nhất, phát triển lĩnh vực kinh tế và phát triển lĩnh vực xã hội là hai mặt của quá trình phát triển nền kinh tế

Phát triển lĩnh vực kinh tế nhằm mục tiêu gia tăng thu nhập, tạo nên và phát triển tiềm lực kinh tế của đất nước còn phát triển lĩnh vực xã hội có mục tiêu không ngừng cải thiện sự tiến bộ xã hội cho con người. Trong 2 nội dung trên, thực hiện tiến bộ xã hội cho con người, với các nội dung cụ thể (theo nghĩa hẹp) là: nâng cao mức sống dân cư (đo bằng mức thu nhập thực), phát triển con người (tính bằng HDI), xóa đói giảm nghèo (đo bằng tỷ lệ hộ nghèo) và thực hiện công bằng xã hội, cả theo chiều rộng (đo bằng hệ số GINI) và chiều sâu (đo bằng hệ số giãn cách thu nhập và tiêu chuẩn 40) là mục tiêu cuối cùng của phát triển; trong khi đó, phát triển lĩnh vực kinh tế (thành quả được đo bằng tốc độ tăng trưởng GDP và GDP/người) là điều kiện cần để thực hiện mục tiêu nói trên.

Thứ hai, sự phát triển quan điểm của Đảng và Chính phủ Việt Nam về gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực thực hiện tiến bộ xã hội

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010 (phê duyệt tại Đại hội IX) đã đặt ra vấn đề gắn kết tăng trưởng kinh tế nhanh với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay từ đầu và trong toàn tiến trình phát triển. Đến Đại hội XII và phát triển ở Đại hội XIII, là quan điểm Phát triển xã hội bền vững, được Đảng thể hiện rõ với 3 nội dung có liên quan đến gắn kết tăng trưởng kinh tế, đó là: (i) Gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế với chính sách xã hội; (ii) Phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước; (iii) Các thành quả của phát triển xã hội phải được bảo đảm vững chắc bằng các thành quả về phát triển kinh tế.

Dựa vào 2 luận cứ nói trên, bài viết đưa ra các tiêu chí để đánh giá sự tác động của tăng trưởng đến 4 khía cạnh chủ yếu của tiến bộ xã hội cho con người như Bảng 1.

Bảng 1: Tiêu chí đánh giá phát triển xã hội bền vững

Tiêu chí

Công thức tính toán

Yêu cầu của tính bền vững

1. Hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống dân cư (GLR)

GLR = % ΔHDI / % ΔGNI/người

Giá trị GLR nhận giá trị dương (>0) và giá trị dương càng lớn, thì mức độ lan tỏa của tăng trưởng đến mức sống dân cư càng cao

2. Hệ số tăng trưởng vì phát triển con người (GHR)

GHR = % ΔHDI / % ΔGNI/người

Giá trị GHR nhận giá trị dương (>0) và giá trị dương càng lớn, thì mức độ lan tỏa của tăng trưởng đến phát triển con người càng cao

3. Hệ số tăng trưởng vì giảm nghèo (GPR)

GPR = % ΔHDI / % ΔGNI/người

Giá trị GPR nhận giá trị âm (

4. Hệ số tăng trưởng – bất công bằng (GETI)

GETI = % ΔGINI / % ΔGNI/người

Giá trị GETI nhận giá trị nhỏ hơn hoặc bằng không (≤) là tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đang nhấn mạnh tăng trưởng nhanh, thì có thể chấp nhận GETI dương và giá trị dương có xu hướng nhỏ dần.

Nguồn: Đề xuất của tác giả

Dựa vào các tiêu chí trên, bài viết đề xuất 3 cấp độ phản ánh sự tác động của tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội nhằm để đánh giá thực tế. Theo đó: (i) Cấp độ 1: Thành quả tăng trưởng kinh tế tạo ra sự thay đổi tích cực của các yếu tố tiến bộ xã hội với mức độ cải thiện (thể hiện ở giá trị nhận được ở các tiêu chí) ngày càng cao theo thời gian (giai đoạn sau lớn hơn giai đoạn trước); (ii) Cấp độ 2: Thành quả tăng trưởng kinh tế tạo ra sự thay đổi tích cực của các yếu tố tiến bộ và công bằng xã hội, nhưng mức độ cải thiện (thể hiện ở) giá trị nhận được của tiêu chí có xu hướng thấp dần hoặc không ổn định; (iii) Cấp độ 3: Thành quả tăng trưởng kinh tế tạo ra sự thay đổi không tích cực của yếu tố tiến bộ và công bằng xã hội với giá trị nhận được của các tiêu chí có xu hướng ngược chiều so với yêu cầu đặt ra.

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TÁC ĐỘNG CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐẾN TIẾN BỘ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Để đánh giá thực trạng tác động của tăng trưởng kinh tế đến tiến bộ xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, tác giả sử dụng bộ số liệu 30 năm đổi mới (1990-2020) để tính toán. Kết quả cho thấy những điểm sau:

Những biểu hiện tích cực

Một là, Việt Nam luôn định hướng các mục tiêu phát triển xã hội ở mức khá cao và luôn hoàn thành vượt mức

Bảng 2: Một số chỉ tiêu thành quả phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam

Tên chỉ tiêu

Mục tiêu đến 2020

Thực hiện 2020

1. GDP/người (USD/người)

3.000

3.521

2. Chỉ số phát triển con người (HDI)

0,7

0,704

3. Tuổi thọ bình quân (tuổi)

75

73,7

4. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân/năm (%)

1%-1,5%

1,4

5. Hệ số giãn cách thu nhập (lần)

8-10

9,79

6. Hệ số GINI

0,4-0,5

0,424

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Văn kiện Đại hội Đảng, Niên giám Thống kê, Điều tra mức sống dân cư, báo cáo phát triển con người của UNDP

Bảng 2 cho thấy, trong thời gian qua, chúng ta luôn đặt mục tiêu phán đấu cao đối với cả tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Theo số liệu đánh giá đến năm 2020, mặc dù nước ta luôn đặt ra các chỉ tiêu ở mức cao, song luôn đạt và vượt, ngay cả trong hoàn cảnh có khá nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, trong nước, thậm chí là vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực lớn tới kinh tế thế giới. Với kết quả trên, Việt Nam đã vượt qua được 2 “cửa ải” quan trọng: giải quyết được vấn đề an ninh lượng thực (giai đoạn 1990-2000), đưa Việt Nam thoát khỏi danh sách các nước đang phát triển có mức thu nhập thấp (giai đoạn 2001-2010) và hiện nay đang thực hiện vượt qua “cửa ải” thứ 3 (dự kiến đến 2030), đó là hoàn thành công nghiệp hóa để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hai là, một số chỉ tiêu phản ánh thành quả tiến bộ xã hội có xu hướng được cải thiện tích cực cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh

Hình 1: Một số chỉ tiêu phản ánh tiến bộ xã hội giai đoạn 1990-2020

Tác động của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu Niên giám Thống kê và Điều tra mức sống cư dân của Tổng cục Thống kê, 1990-2020

Hình 1 cho thấy, từ năm 1990, Việt Nam đã luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh (bình quân năm là 7,02%), thu nhập bình quân đầu người đã có sự thay đổi cải thiện 49 bậc, từ vị trí 175 so với 200 nước trên thế giới (năm 1990) đã lên tới 124/200 nước (năm 2020). Đồng thời với đó, các tiêu chí phản ánh tiến bộ xã hội cho con người cũng có sự cải thiện đáng kể: (i) Mức thu nhập thực của người dân có xu hướng gia tăng; (ii) Tỷ lệ nghèo đói giảm đi khá nhanh; (iii) Chỉ số Phát triển con người sau 30 năm tăng lên khoảng 45%, và hiện nay đứng thứ 115 trên bảng xếp hạng thế giới với mức HDI nằm trong nhóm cao (đạt 0,703 theo cách tính mới của Liên hợp quốc). Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để Chính phủ Việt Nam đưa ra các mức phấn đấu cao vào những năm tiếp sau.

Những bất cập đáng lưu ý

(1) Biểu hiện phát triển chậm lại của các yếu tố tiến bộ xã hội trong quá trình tăng trưởng nhanh

Bảng 3: Một số chỉ tiêu tiến bộ xã hội 30 năm (1990-2020)

Giai đoạn

1991-2000

2001-2010

2011-2020

Tốc động tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người/năm (%)

25

20,6

8,9

Tỷ lệ hộ nghèo (%)

38,9

10,7

7,4

Chỉ số HDI (%)

0,527

0,616

0,678

Hệ số GINI

0,365

0,395

0,428

Nguồn: Tác giả tính toán từ Niên giám Thống kê của Tổng cục Thống kê và Báo cáo phát triển con người của UNDP

Bảng 3 cho thấy, trong quá trình thực hiện tăng trưởng nhanh, tốc độ cải thiện các yếu tố tiến bộ xã hội cho con người có động thái giảm dần, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người từ bình quân 25% (giai đoạn 1991-2000) đã xuống chỉ còn 8,9% (giai đoạn 2011-2020), chỉ số HDI bình quân giai đoạn 2001-2010 tăng so với giai đoạn trước đó là 16,9% xuống chỉ còn 10,1% giai đoạn 2011-2020; trong khi đó, hệ số GINI phản ánh bất công bằng theo chiều rộng giai đoạn 2001-2010 tăng lên 8,2% so với giai đoạn 1991-2000 và đến giai đoạn 2011-2020, bất công bằng theo chiều rộng đã chuyển từ mức bất công bằng thấp lên mức bất công bằng vừa với giá trị hệ số GINI là 0,428.

(2) Hiệu ứng tích cực của tăng trưởng đến tiến bộ xã hội cho con người có biểu hiện giảm dần

Bảng 4: Tác động tăng trưởng nhanh đến cá tiêu chí tiến bộ xã hội giai đoạn 1990-2020

1991- 2000

2001- 2010

2011- 2020

Hệ số tăng trưởng vì nâng cao mức sống

2,04

1,66

0,39

Hệ số tăng trưởng vì giảm nghèo

-2,070

-1,933

-1,303

Hệ số tăng trưởng vì phát triển con người

0,296

0,280

0,184

Hệ số tăng trưởng vì bất công tằng

0,048

0,042

0,092

Nguồn: Tác giả tính toán theo số liệu của Niên giám Thống kê và Điều tra Mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê và Báo cáo phát triển con người của UNDP

Bảng 4 cho thấy, tác động của tăng trưởng đến ¾ tiêu chí phản ánh tiến bộ xã hội là: nâng cao mức sống dân cư, xóa đói giảm nghèo và phát triển con người vẫn đang tồn tại hiệu ứng tích cực, tức là tăng trưởng nhanh có dẫn đến cải thiện các tiêu chí này, tuy nhiên mức độ cải thiện giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Theo cách phân nhóm mức độ tác động đề xuất ở trên, cho phép kết luận tác động tăng trưởng kinh tế đến các tiêu chí này đang đạt được ở cấp độ 2 (tác động tích cực đang có xu hướng giảm dần). Mặt khác, cần thấy một số xu hướng đáng chú ý, đó là tốc độ giảm hiệu ứng tích cực có xu hướng nhanh hơn ở chu kỳ 10 năm sau (giai đoạn 2011-2020). Hơn nữa, cũng theo Bảng 4, tăng trưởng nhanh đã dẫn đến xu hướng tác động không tích cực đến công bằng xã hội, tức là đang dừng lại ở cấp độ thấp nhất (cấp độ 3) và mức độ tác động không tích cực có xu hướng tăng nhanh ở giai đoạn 2011-2020 so với các giai đoạn 10 năm trước đây.

(3) Sự bất công bằng trong phân phối thu nhập có xu hướng gia tăng trong quá trình tăng trưởng nhanh

Bảng 5: Bất công bằng phân phối thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 1990-2020

Giãn cách

thu nhập (lần)

Tiêu chuẩn “40” (%)

Hệ số GINI

Tiêu chuẩn quốc tế

– Bất công bằng

– Bất công bằng vừa

– Bất công bằng thu nhập

Trên 10 lần

Trên 8 lần đến 10

Dưới 8 lần

Dưới 12%

Từ 12% đến 17%

Trên 17%

Trên 0,5

Từ 0,4 đến 0,5

Nhỏ hơn 0,4

Việt Nam

– Giai đoạn 1991-2000

– Giai đoạn 2001-2010

– Giai đoạn 2011-2020

8,11

9,23

9,683

16,06

14,97

14,85

0,365

0,395

0,428

Nguồn: Tác giả tính toán từ số liệu Điều tra Mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê

ếu so sánh theo chuỗi thời gian, có thể thấy, trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh vừa qua, các tiêu chí phản ánh bất công bằng trong phân phối thu nhập đang có xu hướng gia tăng cả về chiều rộng và chiều sâu (Bảng 5). Nếu so với chuẩn quốc tế, có thể thấy, bất công bằng trong phân phối thu nhập của Việt Nam đã chuyển từ cận dưới của bất công bằng vừa lên cận trên của bất công bằng vừa, chỉ cần không để ý một chút, bất công bằng sẽ nhảy lên mức cao, nhất là xem xét bất công bằng theo chiều rộng.

(4) Bất công bằng đang có biểu hiện tăng lên ở các vùng có tăng trưởng chậm hơn

Bảng 6: Hệ số công bằng xã hội giữa các vùng kinh tế

Hệ số Gini theo vùng kinh tế (2008-2022)

2008

2010

2015

2020

2022

Đồng bằng sông Hồng

0,411

0,408

0,393

0,407

0,401

Trung du và miền núi phía Bắc

0,401

0,406

0,411

0,416

0,433

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

0,381

0,385

0,384

0,385

0,393

Tây Nguyên

0,405

0,408

0,397

0,408

0,493

Đông Nam Bộ

0,410

0,414

0,391

0,397

0,387

Đồng bằng sông Cửu Long

0,395

0,398

0,403

0,395

0,405

Hệ số tăng trưởng vì công bằng xã hội (2002-2020)

2002-2010

2011-2015

2016-2020

Đồng bằng sông Hồng

0,0234

0,0027

-0,0131

Trung du và miền núi phía Bắc

0,2067

0,0092

0,0677

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

0,1207

0,0071

0,0170

Tây Nguyên

0,1611

0,0057

0,0772

Đông Nam Bộ

-0,1134

-0,0015

-0,0830

Đồng bằng sông Cửu Long

0,0477

0,0022

0,0164

Nguồn: Tác giả tính toán theo số liệu của Niên giám Thống kê và Điều tra Mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, và Báo cáo phát triển con người của UNDP

Bảng 6 cho thấy: vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, tăng trưởng kinh tế đang có biểu hiện tác động đồng biến (tích cực) đến giải quyết vấn đề bất công bằng ở giai đoạn sau (các giá trị tương quan nhận giá trị âm). Tuy nhiên, các vùng có mức sống thấp, chậm phát triển, như: Trung du miền núi phía Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, thì các giá trị phản ánh tương quan giữa tăng trưởng với công bằng xã hội nhận giá trị dương (tăng dần). Hiện tượng trên đã phản ánh một thực tế, đối với các vùng chậm phát triển, quá trình tăng trưởng nhanh đang dẫn đến xu hướng bất công bằng theo chiều rộng tăng lên. Tại đó đã bắt đầu xuất hiện các nhà đầu tư tạo ra kết quả tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này chưa thực hiện lan tỏa lợi ích của tăng trưởng đến các đối tượng hưởng lợi của các vùng này, vì thế bất công bằng trong phân phối thu nhập có xu hướng tăng lên trong quá trình tăng trưởng nhanh.

Từ các phân tích nói trên, có thể rút ra một số vấn đề về tác động của tăng trưởng đến tiến bộ xã hội cho con người ở Việt Nam trong thời gian qua là: (i) Tăng trưởng kinh tế mặc dù nhanh, nhưng chưa đủ sức để tạo ra các đột phá trong thực hiện các mục tiêu về tiến bộ xã hội cho con người; (ii) Hiệu ứng của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội đang có dấu hiệu giảm dần; (iii) Tăng trưởng kinh tế chưa có tác động đồng thuận đến cải thiện các nhu cầu phi vật chất nên đã hạn chế đến phát triển con người và công bằng xã hội; (iv) Ở các vùng chậm phát triển, có thu nhập thấp, thì mối quan hệ không đồng thuận giữa tăng trưởng với công bằng xã hội bắt đầu và ngày càng có biểu hiện gay gắt hơn

Nguyên nhân của những bất cập

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nói trên, bài viết xin đưa ra 3 nguyên nhân sâu xa chủ yếu sau đây:

(1) Những ảnh hưởng của một số mô hình phát triển theo kiểu cũ trước đây không còn phù hợp, nhưng vẫn có tác động khá mạnh. Ở đây có thể nêu ra 3 yếu tố nổi bật nhất: (i) Mô hình phát triển theo chiều rộng, trong thời gian qua với chất lượng thấp đã kìm hãm động lực tăng trưởng nhanh của Việt Nam, làm cho tốc độ tăng trưởng theo thời gian có xu hướng bị hụt hơi (biên độ giảm dần theo chu kỳ 10 năm); (ii) Mô hình phát triển dàn đều đã đặt lên vai nhiệm vụ làm kinh tế như nhau đối với các địa phương, các vùng có tiềm lực và lợi thế không giống nhau, đã kìm hãm động lực phát triển của những vùng có nhiều lợi thế so sánh; (iii) Mô hình phát triển vì người nghèo đã biến người nghèo, vùng nghèo thành đối tượng bị động, ỷ lại, trông chờ vào thành quả tăng trưởng của những vùng giàu, vùng động lực phát triển.

(2) Phát triển thiếu bao trùm (hài hòa) thể hiện trên cả khía cạnh vùng và doanh nghiệp thể hiện khá rõ ràng. Điều này thể hiện cả ở góc độ không gian và góc độ doanh nghiệp

– Ở phạm vi không gian, một số chính sách chưa thực sự được hoàn thiện giúp các vùng động lực, với nhiều thế mạnh và lợi thế so sánh, có đủ sức để phát huy lợi thế, thực sự trở thành các đầu tầu tăng trưởng nhanh, nhất là các chính sách, cơ chế cho phép chủ động trong gọi mời các nhà đầu tư. Trong khi đó, một số chính sách chưa kịp đổi mới đã làm cho các vùng chậm phát triển rơi vào tình trạng bị cô lập, “bế quan tỏa càng” với thị trường lao động bị phân mảng, không có điều kiện giao lưu với các vùng động lực để tháo gỡ và tự mình vươn lên trực tiếp tạo thu nhập cho mình.

– Trên góc độ doanh nghiệp, vẫn còn nhiều khía cạnh chính sách thể hiện sự không công bằng trong môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn giữa các loại hình doanh nghiệp, nhất là giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân trong nước. Tình trạng các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, năng lực yếu kém, nhưng lại phải phân chia phần thu nhập nộp ngân sách nhiều hơn đã thể hiện rõ sự bất công bằng trong phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước với các bộ phận còn lại.

(3) Những bất cập trong chính sách phân phối thu nhập. Trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh xuất hiện ngày càng rõ nét xu hướng tích tụ tài sản sản xuất (đất đai, tài chính) vào một nhóm người ngày càng gia tăng. Những sự phân hóa trong sở hữu nguồn lực nói trên đã là nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, tiềm ẩn các cơ hội khác nhau, hay đúng hơn là bất công bằng trong cơ hội tạo thu nhập. Đó chính là nguồn gốc của vấn đề: thành quả tăng trưởng kinh tế đã đem lại nhiều nguồn lợi hơn cho những người sở hữu nhiều tài sản xản xuất, họ sẽ có nhiều điều kiện hơn trong việc cải thiện mức sống, phát triển con người. Đây cũng chính là nguồn gốc của bất công bằng xã hội trong quá trình chạy theo mục tiêu tăng trưởng nhanh của nhiều địa phương, nhiều vùng và các daonh nghiệp trong thời gian vừa qua.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG SỰ TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐẾN THỰC HIỆN TIẾN BỘ XÃ HỘI

Định hướng mục tiêu tăng cường tác động tích cực của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội

Đứng trên góc độ tác động tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội, trong thời gian tới (đến năm 2030), hơn bao giờ hết Việt Nam cần hướng tới thực hiện con đường phát triển toàn diện ở mức độ cao và đồng bộ. Cụ thể, ngay từ đầu và trong toàn tiến trình phát triển kinh tế cần dựa trên việc kết hợp cả 2 mục tiêu đặt song song với nhau là: tăng trưởng kinh tế để tạo ra những đột phá về thu nhập và đạt được những thành tựu đáng kể trong thực hiện tiến bộ xã hội. Các định hướng cụ thể là: (i) Thực hiện tăng trưởng kinh tế nhanh hơn trong điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả tăng trưởng là điều kiện cần mang tính tiên quyết để giải quyết vấn đề thực hiện tiến bộ xã hội, trong bối cảnh xã hội phát triển với trên 50% dân số trung lưu; (ii) Cải thiện để tăng cường tác động đồng thuận giữa tăng trưởng kinh tế với các tiêu chí đảm bảo tiến bộ xã hội cho con người ở mức độ cao hơn (cấp độ 1); (iii) Khống chế có hiệu quả mức độ bất công bằng giữa các tầng lớp dân cư trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, trong đó chú trọng ưu tiên giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội ở các vùng chậm phát triển, các vùng tăng trưởng thấp; (iv) Chú trọng phân phối thu nhập cho đầu tư các lĩnh vực liên quan đến tiến bộ xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục.

Một số khuyến nghị quan trọng

Mô hình phát triển bao trùm một mặt, khắc phục được những hạn chế của các mô hình phát triển truyền thống hiện nay; mặt khác, bảo đảm cho tất cả mọi người trong xã hội đều có điều kiện tham gia và cùng hưởng thụ tương xứng thành quả của quá trình phát triển, không ai bị bỏ lại ở phía sau. Mô hình phát triển bao trùm là mô hình hợp lý nhất, để vừa đảm bảo tăng trưởng nhanh, tăng trưởng có chất lượng, lại vừa hướng tới thực hiện tốt tiến bộ xã hội. Những khuyến nghị liên quan đến thực hiện phát triển bao trùm ở Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, đề xuất mô hình phát triển bao trùm gắn kết với tăng trưởng kinh tế nhanh với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bao gồm: mục tiêu phát triển, các động lực để thực hiện và điều kiện đảm bảo quá trình phát triển mang tính bao trùm. Nội dung của mô hình thể hiện ở Hình 2.

Hình 2: Mô hình phát triển bao trùm ở Việt Nam tăng cường tác động của tăng trưởng đến tiến bộ xã hội

Tác động của tăng trưởng kinh tế đến thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới
Nguồn: Đề xuất của tác giả

Thứ hai, thực hiện phát triển bao trùm ở góc độ không gian. Để bảo đảm các vùng, các địa phương trên toàn lãnh thổ quốc gia đều có khả năng thực hiện tăng trưởng nhanh và phân phối thành quả tăng trưởng vào mục tiêu tiến bộ xã hội, quan điểm của bài viết, cần tập trung vào 2 điểm nhấn:

Một là, bảo đảm cho các vùng động lực có điều kiện thỏa sức thực hiện chiến lược để tăng trưởng nhanh và hiệu quả nhất. Muốn vậy cần phải: (i) Có sự đánh giá chính xác, đầy đủ lợi thế so sánh của mỗi vùng động lực, dựa trên cơ sở các dấu hiệu về thế mạnh mang tính đặc trưng của các vùng động lực; (ii) Quan trọng hơn là sử dụng các chính sách để làm thế nào đó để chuyển từ lợi thế so sánh vùng thành lợi thế cạnh tranh vùng, thông qua cơ chế tạo cho các vùng động lực được chủ động gọi mời các nhà đầu tư cả trong nước và đầu tư nước ngoài dưới các hình thức khác nhau.

Hai là, thực hiện chính sách kết nối vùng động lực với các vùng khác đặc biệt là các vùng chậm phát triển để họ có thể trực tiếp tham gia vào quá trình tạo thu nhập. Các chính sách cụ thể: (i) Xóa bỏ thế bế quan tỏa cảng, thế cô lập của các vùng chậm phát triển để tạo thế liên thông thị trường lao động của các vùng này với các vùng động lực, các chính sách tương ứng, như: chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng chậm phát triển với vùng động lực, phát triển hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống viễn thông để kết nối thông tin, xóa bỏ chính sách quản lý nhân hộ khẩu theo kiểu hành chính để người lao động các vùng chậm phát triển có thể di chuyển đến các vùng động lực và ngược lại; (ii) Tăng cường chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động vùng nghèo, vùng không động lực để họ có thể tham gia vào thị trường lao động ở vùng động lực; (iii) Tạo ra sự khác biệt nhất định ở một số chính sách phân phối lại thu nhập giữa vùng động lực, vùng giầu với các vùng khác, thậm chí nghiên cứu áp dụng cơ chế thuế, phí cao hơn đối với các vùng động lực vì họ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tạo thu nhập, đây là thể hiện chính sách công bằng dọc trong thuế.

Ba là, thực hiện chính sách phát triển bao trùm ở góc độ doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường, cơ hội để các doanh nghiệp có chung một sân chơi, mà sân chơi đó giúp cho các doanh nghiệp thỏa sức thực hiện phát triển kinh doanh. Nội dung chính sách này bao gồm:

(i) Các chính sách tạo môi trường đầu tư và cơ hội bỏ vốn cho các loại hình doanh nghiệp, bất kể là loại hình sở hữu nào, khu vực kinh tế nào, quy mô nào, ngành nghề gì hay ở địa phương nào. Các chính sách cần nhấn mạnh đến không phân biệt sân chơi và tôn trọng quy luật của thị trường đối với các loại hình doanh nghiệp. Bài viết nhấn mạnh đến tính công bằng trong thuế gắn với thu nhập đối với các loại hình doanh nghiệp. Hiện nay, chính sách thuế vẫn có vẻ thiên về tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước; trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lại được hưởng nhiều đặc ân hơn và nhiều hoạt động không gắn với cơ chế thị trường.

(ii) Nhấn mạnh đến mở rộng mô hình kinh doanh tạo tác động và đặt hoạt động này nhiều hơn đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, làm sao cho các doanh nghiệp lớn đóng được vai trò là các “sếu đầu đàn” trong phát triển lực lượng doanh nghiệp cả nước. Theo đó, 3 việc cần đặt lên vai các doanh nghiệp lớn, đó là: Đi đầu trong các lĩnh vực đầu tư bảo đảm các điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động; Trong dây chuyền hoạt động kinh doanh, có bố trí được những bộ phận thu hút được sự tham gia của những người yếu thế; Cần có chiến lược thu hút các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn vào quỹ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với vai trò trục xoay trung tâm là các doanh nghiệp quy mô lớn./.

GS, TS. Ngô Thắng Lợi

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập 1, 2), Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

3. Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Việt Nam 2035, Nxb Hồng Đức.

4. Ngô Thắng Lợi (2019), Mối quan hệ tăng trưởng kinh tế với Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hôi, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.

5. Tổng cục Thống kê (1995, 2000, 2005, 2010, 2015, 2020), Niên giám Thống kê năm 1995, 2000, 2005, 2010, 2015, 2020, Nxb Thống kê.

6. Tổng cục Thống kê (2022), Sách trắng doanh nghiệp 2022, Nxb Thống kê.

7. UNDP (1990, 2010, 2015, 2022), Human Development report, United national Development Programme, New York.