Kiến nghị các bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp tỉnh thực hiện một số thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, môi trường

“Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban yêu cầu, thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện của các bộ, ngành phải làm việc với các địa phương được phân công về công tác CCHC…”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ phát biểu, khi làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác CCHC và một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bắc Giang cần tiếp tục coi cải cách hành chính là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm việc với tỉnh Bắc Giang về công tác CCHC. Ảnh: MPI

Cũng theo Thứ trưởng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, với các lĩnh vực trọng tâm, trong đó có các lĩnh vực liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như: cải cách thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tài chính công, đầu tư, đầu tư công; đăng ký kinh doanh và môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.

Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Giang kiến nghị các bộ, ngành đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp tỉnh thực hiện một số thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, môi trường… Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, CCHC, tạo điều kiện thuận lợi triển khai các thủ tục pháp lý, giảm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp chức năng của hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; nâng cao tốc độ truy cập, xử lý trên hệ thống quản lý doanh nghiệp sau đăng ký. Triển khai kết nối hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và hệ thống thuế tự động cập nhật tình trạng giải thể của doanh nghiệp. Đồng thời có giải pháp kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, đăng ký hộ kinh doanh với giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, những năm vừa qua Tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này, do vậy các chỉ tiêu, chỉ số đều được chuyển biến; môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư cũng chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang xác định những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, Tỉnh tiếp tục có giải pháp nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển. Tỉnh đặt mục tiêu giữ vững trong top 10 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông Tuấn mong muốn đoàn công tác tổng hợp các kiến nghị đề xuất của Tỉnh, để báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục giúp Tỉnh tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là liên quan đến phân cấp, phân quyền, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tốt trên địa bàn.

Đề nghị Bắc Giang đẩy mạnh phân cấp phân quyền

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị Tỉnh tiếp tục coi công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, trong đó chú trọng đến công tác chuyển đổi số, cải cách chế độ công vụ; quan tâm cải cách chỉ số về thể chế, tài chính công; đẩy mạnh phân cấp phân quyền; sửa đổi thể chế, chế độ công vụ; tiếp tục quan tâm chỉ số cải cách thể chế và cải cách tài chính công; tiếp tục phấn đấu duy trì đứng vị trí thứ 2 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Bắc Giang cần tiếp tục coi cải cách hành chính là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Thứ trưởng Trần Duy Đông và đoàn công tác khảo sát Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: MPI

Liên quan đến công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Thứ trưởng cho rằng, Tỉnh có tỷ lệ thành lập cao so với nhiều tỉnh, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể cũng khá cao. Điều này đòi hỏi việc quản lý, hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp sau thành lập nhằm mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Về thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, cần lựa chọn dự án công nghệ cao, sử dụng ít đất, thân thiện với môi trường; quan tâm phát triển các doanh nghiệp phụ trợ; quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân bảo đảm an toàn vệ sinh, an ninh trật tự để lao động yên tâm làm việc.

“Về đầu công, đây là động lực cho tăng trưởng và cần tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, trong đó đẩy mạnh giao vốn chi tiết cho các dự án; xem xét điều chuyển vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có tỷ lệ giải ngân cao…”, Thứ trưởng lưu ý.

Về các kiến nghị, đề xuất đối cụ thể với Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ và bộ, ngành, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo đề xuất với Chính phủ có biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới…/.