Theo Bộ Tài chính, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dư địa nợ công còn lớn nên cần tăng bội chi để chi cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế dư địa không còn nhiều. Giai đoạn 2016-2020, nêu như tổng vay Chính phủ là 1.852 nghìn tỷ đồng, thì giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 3.008 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn 2016-2020. Nợ công đến cuối năm 2025 dự kiến khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2020.

Tăng bội chi để thêm nguồn cho đầu tư phát triển, dư địa không còn nhiều
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Ảnh: MOF
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nguồn kinh phí chống dịch đã cấp từ ngân sách nhà nước là 77.948 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương là 27.098 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 50,850 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm 10% chi thường xuyên, 50% chi công tác nước ngoài, chi tiếp khách để tập trung nguồn lực cho chống dịch.

Ông Phớc cho biết thêm, nợ công đến năm 2025 theo GDP đánh giá lại khoảng 45,6% GDP, nhưng nếu tính theo GDP cũ thì khoảng 57,9% (vượt ngưỡng cảnh báo là 55%). Nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 đánh giá lại là khoảng 41,8% GDP, nhưng nếu tính theo GDP cũ thì khoảng 53,1% (vượt ngưỡng cảnh báo là 45%).

“Chúng tôi rất ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và tăng bội chi trong năm nay. Sang năm thì giảm bội chi trong các năm sau. Như vậy trong cả giai đoạn chúng ta vẫn bảo đảm mục tiêu đặt ra”, ông Phớc giải trình.

Theo ông Phớc, Bộ Tài chính đang tham mưu cho Chính phủ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng. Thực hiện chính sách tài khóa với khoảng 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất sẽ không ảnh hưởng đến nợ công, cũng như bội chi. Tuy nhiên, để đầu tư có hiệu quả, chúng ta phải thực hiện gói kích cầu tập trung vào các chương trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn, vào lĩnh vực hiệu quả…

Giải trình đại biểu Quốc hội về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, ông Phớc cho biết, năm 2021 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân và làm cho ngân sách vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hợp lý, chặt chẽ, nên vừa đảm bảo thu dự kiến vượt dự toán (1.365.530/1.343.330 tỷ đồng) là 22.200 tỷ đồng (tăng 1,7%); chi ngân sách dự kiến (1.709.200/1.687.000 tỷ đồng) vượt 1,3%. Bội chi ngân sách nhà nước đạt mức Quốc hội giao là 4% GDP (343.670 tỷ đồng).

Tư lệnh ngành Tài chính cho biết thêm, việc tăng dự toán thu từ dầu thô không thực hiện được, bởi sản lượng thực tế hàng năm, từ năm 2016-2020 giảm bình quân 1,45 triệu tấn/năm, tương ứng 11%. Sản lượng khai thác của các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật cao, rất khó để tăng sản lượng./.