Thủ tướng chỉ đạo chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron

Tăng cường kiểm soát nguy cơ Omicron xâm nhập vào Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Công văn nêu: Gần đây trên thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và đang lây lan nhanh ra nhiều nước trên thế giới. Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.

Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.

WHO cảnh báo Omicron là “mối nguy mới trên toàn cầu”

Tăng cường kiểm soát nguy cơ Omicron xâm nhập vào Việt Nam
WHO đánh giá Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức “rất cao”, có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh.

Cụ thể, trong văn bản tư vấn kỹ thuật gửi tới 194 nước thành viên, WHO kêu gọi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những nhóm ưu tiên cao và đảm bảo chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tác động nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.

WHO đánh giá Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến được cho là có thể tác động tới xu hướng đại dịch. WHO đánh giá nguy cơ từ biến thể mới Omicron trên toàn cầu là rất cao.

Ngoài ra, WHO cũng cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về khả năng Omicron “né” được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm vaccine phòng bệnh và sau khi nhiễm bệnh. Tổ chức này cho biết các dữ liệu chính xác hơn sẽ được công bố trong vài tuần tới.

Trong thông báo mới, WHO cũng lưu ý rằng thế giới có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mắc ở những người đã tiêm phòng hoặc đã mắc bệnh nhưng ở tỷ lệ thấp và có thể dự báo được.

Trước đó, ngày 18/11, các nhà khoa học và Bộ Y tế Nam Phi công bố thông tin về biến thể Omicron với cảnh báo rằng, biến thể này có khả năng lây lan và kháng vaccine cao hơn các biến thể trước.

Mặc dù các nhà khoa học nhấn mạnh cần nhiều tuần nghiên cứu để xác định tác động đầy đủ của hơn 30 đột biến từ biến thể, nhiều quốc gia đã ngay lập tức áp dụng lệnh cấm đi lại và đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Nam Phi và một số nước láng giềng.

Ngày 28/11, Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới tránh áp dụng lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia miền Nam châu Phi do lo ngại về biến thể Omicron.

WHO cho biết, Tổ chức này đang mở rộng hỗ trợ để các phòng thí nghiệm giải trình tự gene tại châu Phi tiếp cận với nguồn nhân lực và thuốc thử nghiệm dễ dàng hơn, từ đó có thể hoạt động hết công suất.

Các nhà khoa học gấp rút vào cuộc

Giới khoa học nhận định, so với các biến thể khác, những đột biến trong biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của các vaccine đang sử dụng, nhưng chưa biết ở mức độ nào. Biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để hướng dẫn hệ miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học hiện đang gấp rút tập trung dữ liệu về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, phân tích khả năng lây nhiễm của biến thể và quan trọng nhất là việc liệu các vaccine ngừa COVID-19 đang được các nước sử dụng hiện nay có hiệu quả trong phòng chống biến thể này hay không.

Những phát hiện ban đầu về biến thể Omicron giống như “một bức tranh hỗn hợp”. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, các chuyên gia cho rằng, biến thể mới này có khả năng lây lan hơn, có thể tránh được phản ứng miễn dịch của cơ thể (cả ở những người đã tiêm vaccine và những người nhiễm bệnh tự nhiên) hơn so với các biến thể trước của virus SARS-CoV-2.

Các vaccine đang sử dụng hiện nay sẽ có thể tiếp tục bảo vệ, không để người mắc COVID-19 trở bệnh nặng hoặc tử vong, dù việc tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ vẫn cần thiết để bảo vệ phần lớn người dân. Mặc dù vậy, hai hãng sản xuất vaccine là Pfizer/BioNTech và Moderna đang chuẩn bị điều chỉnh lại công thức bào chế vaccine để ứng phó với biến thể Omicron nếu các hãng này thấy cần phải làm như vậy.

Nhà sinh học tiến hóa Jesse Bloom của Trung tâm Nghiên cứu ung thư Hutchinson, ở thành phố Seattle (Mỹ), nói: “Chúng tôi thực sự cần cảnh giác về biến thể mới này và đang chuẩn bị đối phó. Có thể trong ít tuần nữa, chúng tôi sẽ có sự hiểu biết sâu hơn về mức độ lây lan của biến thể này cũng như mức độ cần thiết để thúc đẩy sản xuất vaccine phòng chống biến thể Omicron”.

Các nhà khoa học đã phản ứng nhanh chóng với biến thể Omicron nhanh hơn so với bất kỳ biến thể nào trước đây. Theo nhà di truyền học Tulio de Oliveira tại Trường Y Nelson R.Mandela ở Durban, chỉ trong vòng 36 giờ đồng hồ sau khi có “dấu hiệu rắc rối” đầu tiên ở Nam Phi vào ngày 23/11, các nhà khoa học đã phân tích mẫu từ 100 bệnh nhân mắc biến thể Omicron, thu thập dữ liệu và lên tiếng cảnh báo thế giới.

Chỉ trong vòng 1 giờ sau lời cảnh báo đầu tiên về biến thể Omicron, các nhà khoa học ở Nam Phi cũng gấp rút tiến hành thử vaccine ngừa COVID-19 đối với biến thể mới. Hiện, có hàng chục nhóm các nhà nghiên cứu trên thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu tại các hãng dược Pfizer/BioNTech và Moderna tham gia vào nỗ lực này. Dự kiến, sớm nhất là phải 2 tuần sau mới có kết quả.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, so với các biến thể khác, những đột biến trong biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả của các vaccine đang sử dụng hiện nay, nhưng chưa biết ở mức độ nào. Theo Tiến sĩ Bloom, các đột biến của biến thể Omicron có thể gây ra sự suy giảm đáng kể khả năng vô hiệu hóa virus của hệ miễn dịch.

Biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để hướng dẫn hệ miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.

Một số đột biến này đã được phát hiện trước đây, một số khác được cho là “kế thừa” khả năng né tránh vaccine của biến thể Beta, trong khi hầu hết đột biến có khả năng lây lan rất cao như biến thể Delta.

Biến thể Omicron có 26 đột biến chưa từng phát hiện ở protein gai, nhiều hơn so với 10 đột biến như vậy ở biến thể Delta và 6 đột biến ở biến thể Beta. Nhiều đột biến trong số này dường như có thể “gây khó” cho hệ miễn dịch trong việc phát hiện và tấn công biến thể Omicron./.