Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai – Giai đoạn 2” – do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện, được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đồng tài trợ.

Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai – Giai đoạn 2 do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV)/Tổ chức Action Aid và Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp triển khai với tổng ngân sách 20,6 tỷ đồng, triển khai thực hiện trong 3 năm từ năm 2020-2022.

Tăng năng lực cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu
Bà Mai Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Phát triển Chương trình thuộc AFV/Action Aid giới thiệu về Dự án tại Hội thảo

Dự án đã và đang triển khai hoạt động đánh giá rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó của cộng đồng để đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp và hỗ trợ địa phương lập kế hoạch quản lí rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Với mục tiêu hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hiệu quả có lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai và Action Aid đã huy động nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng tài liệu hướng dẫn lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào lập kế hoạch phát triển KTXH địa phương.

Chia sẻ cụ thể về Dự án tại Hội thảo, bà Mai Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Phát triển Chương trình thuộc AFV/Action Aid cho biết, dự án tập trung vào đối tượng mục tiêu là các cộng đồng dễ bị tổn thương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng cường khả năng ứng phó tốt hơn với các mối nguy hại môi trường khó lường.

Mục tiêu cụ thể của dự án nhằm tăng cường khả năng phục hồi do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) của các cộng đồng dễ bị tổn thương, đồng thời khuyến nghị lồng ghép các kinh nghiệm của tổ chức xã hội trong quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng vào các chính sách quốc gia của các nước trong khu vực và của khối ASEAN. Mục tiêu này của dự án sẽ được hiện thực hóa thông qua việc triển khai thực hiện trang bị kiến thức và kỹ năng cho các đội xung kích về phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các công cụ đánh giá tính dễ bị tổn thương có sự tham gia. Dự án được triển khai thông qua Quy trình đánh giá rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch Phòng chống thiên tai với 3 bước, bao gồm: Đánh giá rủi ro thiên tai, tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực ứng phó, Kiểm chứng với người dân và cuối cùng là xây dựng kế hoạch phòng chống và quản lý rủi ro thiên tai dựa trên kết quả đánh giá rủi ro thiên tai và thống nhất kế hoạch hành động.

Tăng năng lực cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết Việt Nam đã triển khai các hoạt động để tăng cường giảm thiểu và khắc phục rủi ro thiên tai sau khi ban hành Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 và Cam kết thực hiện Khung Hành động Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015-2030. Trong báo cáo đánh giá về cam kết thực hiện Khung Sendai, tư vấn quốc tế đã nêu bật công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam trong những năm qua đã có những thành tựu đáng kể phải kể đến như Chính phủ Việt Nam đã tạo ra môi trường thể chế thúc đẩy hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai cũng có những thay đổi tích cực. Để đạt được những kết quả như vậy, phải kể đến các dự án đã và đang được các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước thực hiện tại hầu khắp Việt Nam, trong đó có dự án hợp tác với AFV/AAV đã và đang triển khai.

Cũng theo bà Nga, trong những năm qua, nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai được ban hành, mục tiêu cuối cùng của các văn bản pháp lý này là nhằm định hướng và hỗ trợ các địa phương đạt được phát triển KT-XH bền vững dựa trên tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. “Hoạt động lồng ghép nội dung QLRRTT-DVCĐ vào kế hoạch PT KTXH địa phương được kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích vực và bền vững cho cộng đồng, nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro thiên tai và xây dựng cuộc sống an toàn hơn”, bà Nga nhấn mạnh

Cũng tại hội thảo, đại diện từ Bộ NN và PTNT, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính cùng đại diện các sở NN và PTNT, Sở Kế hoạch đầu tư TP. Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước đã trao đổi thảo luận tìm hiểu rõ mục tiêu, phương pháp, quy trình lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo cấp vùng để các bên liên quant ham gia góp ý để đánh giá tính khả thi áp dụng, góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương.

Tăng năng lực cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu
Các đại biểu cho rằng, nếu được áp dụng phù hợp, việc lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng sẽ mang lại nhiều lợi ích

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, nếu được áp dụng phù hợp, việc lồng ghép nội dung quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng sẽ mang lại 4 lợi ích nổi bật sau: 1) Tăng cường hiệu quả của các nguồn lực và hạn chế sự chồng chéo, lãng phí trong các hoạt động đầu tư, phát triển; 2) Giảm thiểu thiệt hại do tác động của thiên tai, BĐKH thông qua các biện pháp giảm nhẹ RRTT, thích ứng với BĐKH phù hợp với từng cấp được lồng ghép vào các kế hoạch KTXH; 3) Đem lại hiệu quả đa mục tiêu: phòng, chống thiên tai và thích ứng, giảm nhẹ BĐKH, góp phần phát triển KTXH và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên/đa dạng sinh học; và 4) Tăng cường hiệu quả và tính bền vững của các phương pháp tiếp cận giảm nhẹ RRTT, thích ứng BĐKH và thông qua hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ nguồn lực và trao đổi, tăng cường năng lực cho cán bộ địa phương và kiến thức, nhận thức cho công chúng.

Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, một trong năm ổ bão của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cùng với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa chất và các điều kiện tự nhiên khác, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và BĐKH. Thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo, cảnh báo liên quan đến biến đổi khí hậu là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng người dân. BĐKH tiếp tục làm gia tăng tần suất và cường độ của các loại thiên tai gây ảnh hưởng mọi mặt đến đời sống và sự phát triển KTXH, trong đó đặc biệt làm gián đoạn sản xuất và các dịch vụ quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của hàng triệu người, đặc biệt là nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương, làm suy giảm sức chống chịu của toàn xã hội.

Hội thảo góp phần tạo nền móng cho sự hợp tác giữa Tổng cục Phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án An sinh Xã hội Việt Nam (AFV)/ Tổ chức Action Aid trong đẩy mạnh các biện pháp nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng./.