Săn bắt tê tê là câu chuyện đã kéo dài nhiều thập niên. Tê tê bị săn bắt và kinh doanh lậu nhiều tới mức đã có không biết bao nhiêu phim ảnh, phóng sự điều tra và cả sách bàn về việc này. Theo ước tính thì đây là loài động vật có vú hoang dã bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, và chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường châu Á, như Trung Quốc và Việt Nam [1]. Poached là một cuốn đáng đọc nói về săn bắt động vật hoang dã để tiêu thụ học theo kiểu cách xa hoa [2].

Điều tra khảo sát 1.017 cư dân tại 105 ngôi làng ở nông thôn và vùng rừng của Nepal, được xuất bản cuối tháng 8/2023 trên ấn phẩm Conservation Science and Practice, mới thực sự đạt quy mô bộc lộ được quan niệm và nhận thức đại diên cho người dân Nepal đối với loài động vật hiền lành này [3].

Thái độ mâu thuẫn và bất nhất của người dân Nepal đối với việc săn bắt và kinh doanh tê tê

Phân bố các khu vực bảo tồn ở 7 tỉnh thuộc Nepal [3]

Mặc dù từ lâu nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, thái độ của con người sẽ ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của họ, nghiên cứu này chỉ ra một số điểm mâu thuẫn và bất nhất trong thái độ của cư dân với tê tê như sau. Hơn nửa số người (51,8%) nói rằng họ “thích” tê tê, và cho rằng loài động vật này “quan trọng” với hệ sinh thái (54,6%), cần được “bảo vệ” tương tự như hổ, tê giác, voi, báo tuyết (67,4%). Thậm chí, 71,2% số người bày tỏ sẵn sàng bảo vệ loài thú này trong khu vực của họ, nhưng lại chỉ có 42,2% ủng hộ trừng phạt hành vi giết hại tê tê phục vụ tiêu dùng hay buôn bán bất hợp pháp theo luật định.

Trong tập mẫu điều tra, có tới 24,2% có thái độ “tiêu cực” với tê tê, và 32% “trung lập”. Tỷ lệ lớn tích cực với tê tê ở tỉnh Koshi (60,7%), Madhesh (60,8%) và Lumbini (55%). Phần lớn họ là những người có trình độ học vấn đại học và công chức nhà nước. Kết quả này cũng trùng khớp với thái độ và người dân thành thị ở Việt Nam, người càng có học thức và thu nhập cao, thì lại càng thường xuyên tiêu thụ thịt thú rừng. Đồng thời, họ cũng là những người có xu hướng ủng hộ việc cấm tiêu thụ động vật hoang dã trái phép mạnh mẽ hơn [4].

Chỉ khoảng 51% số người cho biết đã từng nhìn thấy tê tê trong tự nhiên, trong số đó chỉ có 26% nhìn thấy trong khoảng 5 năm gần đây. Còn trong vòng 1 năm trở lại đây, chỉ có 5,2% cho biết có quan sát thấy tê tê. Riêng ở tỉnh Lumbini, không hề có ai báo cáo đã quan sát thấy tê tê, nhưng chỉ có 57% trả lời là họ có nghe nói về số lượng tê tê đang suy giảm trong vùng.

Chỉ khoảng hơn nửa số người được khảo sát biết rằng, săn bắt bất hợp pháp là mối đe dọa lớn với tê tê. Các nguyên nhân khác được nhận biết là môi trường tự nhiên xuống cấp (40%), cháy rừng (35%), xây dựng đường và hạ tầng (20%) và khai hoang chăn thả gia súc.

Hơn 31% biết rõ tê tê bị giết để sử dụng tại địa phương, trong đó 10% chỉ rõ công dụng như thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh. Khoảng 25% chỉ ra nguyên nhân là bán lấy tiền. Động lực tiền bạc là một trong những nguyên nhân quan trọng của săn bắt, giết mổ và buôn lậu tê tê. Điều này khiến cho mối liên hệ giữa tài chính và bảo tồn thiên nhiên trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi một cơ chế tài chính mới thay thế cho cách thức tạo ra sinh kế hiện tại của người dân địa phương, như du lịch sinh thái [5].

81% số người tham gia khảo sát biết rõ tê tê là động vật được khuyến cáo bởi luật pháp cần phải bảo tồn, chung sống với cư dân tại 66/71 huyện khắp Nepal, thậm chí có cả thông tin về người tiêu thụ hoặc buôn bán tê tê. Tuy nhiên, như đã nói, chỉ một tỷ lệ nhỏ ủng hộ việc trừng phạt các hành vi săn bắt, buôn lậu, giết thịt tê tê.

Có một chi tiết đáng chú ý, tỉnh trong mẫu điều tra không có người trông thấy tê tê là Lumbini, cũng là vùng mà Đức Phật đản sinh năm 623 trước Công nguyên. Dường như, tình hình tiêu thụ, giết mổ tê tê không phản ánh được giáo lý của Đức Phật với việc giữ giới sát sinh. Việc kinh doanh đem lại lợi lộc cho cả người săn bắt, vận chuyển và tiêu thụ, hầu như không có khả năng ngăn chặn bằng giáo lý hay thông tin thông thường với cư dân. Có lẽ thay đổi hệ văn hóa tiêu dùng đi kèm với chế tài pháp luật đối với vi phạm [6], không chỉ người trực tiếp xâm hại môi trường, mà cả với những người biết rõ hành vi phạm pháp mà không khai báo (81%), thì mới có hiệu quả.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Challender, D. W. S., et al. (2020). International trade and trafficking in pangolins, 1900–2019. Pangolins: Science, Society and Conservation, 1, 259-276. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/B9780128155073000162?via%3Dihub

[2] Nuwer, R. L. (2018). Poached: inside the dark world of wildlife trafficking. Hachette UK. https://books.google.com/books?&id=FglGDwAAQBAJ

[3] Suwal, T. L., et al. (2023). Attitudes to pangolins and factors affecting their conservation in a human dominated landscape in Nepal. Conservation Science and Practice, 5(9), e13009. https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/csp2.13009

[4] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice, 4(12), e12822. https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/csp2.12822

[5] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[6] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872