Tháng 1, kết quả kinh tế - xã hội tích cực, tạo đà thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, nhất là hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm; đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán, cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế trong dịp Tết; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm.

Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 13,6% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 1 tăng lần lượt 37,7%, 42% và 33,3% so với cùng kỳ và lần lượt tăng 5,5%, 6,7%, 4,2% so với tháng trước, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng; ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Một điểm sáng nữa của kinh tế trong tháng đầu tiên của năm là tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD. Trong đó vốn đăng ký mới tăng 66,9%, vốn thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%, là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt; tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng

“Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm, động viên, khích lệ, yêu cầu nhà thầu thi công xuyên Tết, “3 ca, 4 kíp” để phấn đấu đạt và vượt tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ngoài ra, các công tác cũng được bảo đảm, quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán, như: An sinh xã hội và chuẩn bị các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được đẩy mạnh; ngành giáo dục tích cực chuẩn bị cho học sinh, sinh viên nghỉ Tết và trở lại học tập sau Tết, bảo đảm tiến độ dạy và học; ngành y tế tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, chủ động phương án khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết; các cấp, ngành, địa phương, cán bộ, công chức quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức thăm, chúc tết, biếu, tặng quà cấp trên và lãnh đạo các cấp; quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Cũng trong tháng 1, công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thăm chính thức Hungary và Rumani, cùng nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư bên lề. Qua đó, đã nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, khẳng định rõ nét công tác ngoại giao kinh tế theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Nhưng, vẫn tiềm ẩn rủi ro

Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, như: sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn; cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (trên 3,5%). Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong tháng đầu năm. Cụ thể như sau:

(1) Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến, nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp còn chậm phục hồi do các thị trường xuất khẩu lớn, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 01, có gần 53,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phản ánh khó khăn, thách thức của doanh nghiệp còn lớn. Tiếp cận vốn còn gặp nhiều khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 18/01 giảm 1,52% so với cuối năm 2023. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn chậm được sửa đổi, còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01 tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (trên 3,5%).

(2) Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra; việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn. Thu NSNN tháng 01 giảm 2,8% so với cùng kỳ. Áp lực điều hành tỷ giá; các yếu tố rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công, nợ của doanh nghiệp tại Mỹ, EU, Trung Quốc…; biến động về nguồn cung và giá cả xăng dầu, lương thực, chất bán dẫn… trên thế giới tiếp tục cần quan tâm. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời.

(3) Nhiều yêu cầu, thách thức lớn, cấp thiết đặt ra để tận dụng, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại nổi bật, có tính lịch sử thời gian qua. Đòi hỏi sự đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ… từ bên ngoài, thúc đẩy hợp tác để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Đây là vấn đề lớn đặt ra cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trong đó năm 2024 cần được xác định là năm có ý nghĩa then chốt. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024.

(4) Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển… diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Công tác phòng cháy, chữa cháy tại các đô thị lớn, ùn tắc, tai nạn giao thông… tiếp tục là thách thức. Kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024

Không những vậy, theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều yêu cầu, thách thức lớn, cấp thiết đặt ra để tận dụng, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại nổi bật, có tính lịch sử thời gian qua. Đòi hỏi sự đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ… từ bên ngoài, thúc đẩy hợp tác để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là những vấn đề lớn đặt ra cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, trong đó năm 2024 cần được xác định là năm có ý nghĩa then chốt. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực ngay từ đầu năm 2024.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, kiến nghị 6 nhiệm vụ, giải pháp một số trọng tâm.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thứ hai, thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư… để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thứ ba, các bộ, cơ quan chủ động xây dựng các văn bản quy định và triển khai công việc cụ thể được giao, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Quốc hội.

Thứ tư, khẩn trương xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử… Bảo đảm chất lượng, tiến độ triển khai công việc, nhất là các dự án luật, nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Thứ năm, thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn

Cùng với đó là chủ động tính toán, chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công, tránh điều hành giật cục, bị động. Làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội…/.