Ngày 25/11/2021, Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL với sự tham gia của các bộ, cơ quan ngang bộ và 11 chuyên gia, nhà khoa học là ủy viên phản biện của Hội đồng thẩm định.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch đã chủ trì phiên họp.

Trước đó 3 tuần, dự thảo Quy hoạch đã được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021-2025 (vào 3/11). Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định.

Tháng 12/2021: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL
Toàn cảnh phiên họp thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: VGP

6 nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê-Kông, là một trong những đồng bằng trù phú, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đóng góp trên 12% cho GDP cả nước. Riêng nông nghiệp của vùng chiếm 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp, đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Nhận thức rõ các bất cập, hạn chế và thách thức nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH, trong đó đặt ra nhiệm vụ cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, trên cơ sở tích hợp thống nhất các quy hoạch có liên quan; giải quyết đồng bộ các vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, biến thách thức thành cơ hội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công.

Thực hiện Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia tư vấn xây dựng dự thảo quy hoạch; tổ chức các hội thảo, hội nghị tham vấn, lấy ý kiến các bộ, ngành, các địa phương trong vùng ĐBSCL, các địa phương liền kề và trong lưu vực sông; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế về dự thảo Quy hoạch. Bên cạnh đó, dự thảo Quy hoạch cũng đã được lấy ý kiến Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025 và được thảo luận tại hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL được tổ chức vào ngày 03/11/2021 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Quy hoạch vùng ĐBSCL được xây dựng dựa trên 2 cách tiếp cận chủ đạo là quản lý thách thức và tạo giá trị, trọng tâm tập trung vào các nội dung chính sau:

Thứ nhất, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, hài hòa dựa trên ba trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường, trong đó lấy “con người” làm trung tâm; phát triển thuận thiên có kiểm soát; thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu tất yếu; coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, quản lý tổng hợp tài nguyên nước nhằm đảm bảo việc duy trì vai trò của đồng bằng là nguồn sống cho môi trường và người dân; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Vùng.

Thứ hai, quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, coi nước ngọt, nước lợ, nước mặt đều là tài nguyên thiên nhiên, phục vục vụ phát triển kinh tế; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của vùng theo hướng chủ động thích ứng với BĐKH, hài hòa với điều kiện tự nhiên ở từng tiều vùng sinh thái; Phát triển vùng thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao trên cơ sở phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh, phát triển hạ tầng giao thông và logistic phục vụ xuất khẩu và tăng cường ứng dùng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, phát triển công nghiệp trong đó chú trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp và công nghiệp năng lượng theo hướng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; phát du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sông nước phù hợp với từng tiểu vùng; tăng cường liên kết về thương mại, dịch vụ giữa các địa phương trong Vùng để xây dựng những thương hiệu chung của toàn Vùng về các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh trong nước và quốc tế.

Thứ tư, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng tập trung hơn tại khu vực hành lang đô thị – công nghiệp động lực từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và hệ thống các đô thị loại I, loại II có vai trò là trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng nhằm phát huy tiềm lực từ đẩy mạnh quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hóa của vùng trên cơ sở gia tăng mật độ dân cư, các hoạt động kinh tế – xã hội để phát huy lợi thế tích tụ.

Thứ năm là tập trung nguồn lực phát triển các hạ tầng thiết yếu, trong đó chú trọng hạ tầng giao thông và logistic, thủy lợi, cấp nước, năng lượng, hạ tầng văn hóa – xã hội nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của Vùng.

Thứ sáu, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường. Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái đầm phá nhằm đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và chủ động phòng, tránh giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tại phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khẳng định Quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu các nội dung chính về tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch và Hội đồng điều phối Vùng tại các cuộc họp trước. Theo đó, Bộ đã làm rõ hơn nội dung các phương pháp được áp dụng trong quá trình lập quy hoạch; bổ sung cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Tháng 12/2021: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khẳng định Quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật. Ảnh: VGP

“Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi, sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thứ trưởng cho rằng, việc phân vùng sinh thái nông nghiệp và phân vùng chức năng của nguồn nước thành 3 vùng (vùng ngọt, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ) là phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của Vùng thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện điều này, đòi hỏi có sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước và thay đổi cách thức vận hành hệ thống công trình thủy lợi phù hợp với chuyển đổi mô hình sinh kế nông nghiệp tại từng tiểu vùng sinh thái.

Hội đồng Thẩm định cơ bản nhất trí và đánh giá cao dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL

Tại phiên họp thẩm định, các thành viên Hội đồng cơ bản nhất trí và đánh giá cao dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và các đề xuất định hướng có nhiều điểm mới, đột phá; đã nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết một số vấn đề quan trọng của Vùng về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phát triển kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh thích ứng với BĐKH.

100% thành viên Hội đồng thẩm định tham dự cuộc họp nhất trí thông qua Quy hoạch với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Đồ án quy hoạch vùng đầu tiên này khai phá được hướng đi ban đầu của một quy hoạch vùng – một vùng rất đặc biệt ở Việt Nam. Ông Trần Ngọc Chính góp ý thêm một số nội dung về cấu trúc vùng đô thị, sơ đồ tổ chức không gian.

Một số ý kiến nêu rõ, tài nguyên quan trọng nhất là tài nguyên nước, do đó phải chủ động thích ứng, tập trung xử lý nút thắt lớn là hạ tầng giao thông, việc hình thành trục logistic quan trọng không kém việc lập các trung tâm (hub) sản xuất của vùng.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, các dự báo đều thấy tình hình nước biển dâng, ngập úng, xâm nhập mặn diễn ra ở cả vùng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; nên làm rõ mức độ và cách xử lý. Ông đặt ra vấn đề phải có quan điểm thích nghi hay khống chế trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu thích nghi thì phải tăng giao thông thủy, cần sự đột phá về cảng biển, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng sản xuất thủy hải sản. Còn nếu khống chế thì phải chủ động các giải pháp, học hỏi các mô hình như của Hà Lan.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Nam đồng tình với việc tổ chức không gian nông nghiệp trên cơ sở các trung tâm động lực định hướng. Quy hoạch cần phân bố theo nhu cầu sản xuất từng ngành hàng chủ lực và nhu cầu liên kết, theo thế mạnh từng theo vùng và sẽ có những trung tâm động lực, điều phối liên kết vùng; nếu quy hoạch gắn với đơn vị hành chính thì khó có thể thành công. Bên cạnh đó, phân bổ vùng sản xuất phải gắn với hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng sông, cảng biển.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tán thành đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thay vì sản xuất “phó mặc cho trời”, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Thứ trưởng bày tỏ băn khoăn về câu chuyện đường ra quốc tế của các sản phẩm của vùng ĐBSCL phải thông qua TP. Hồ Chí Minh trong khi hệ thống giao thông quá tải, các tuyến cao tốc như TPHCM – Trung Lương – Cần Thơ hiện thường xảy ra tắc nghẽn. “Đẩy mạnh sản xuất nhưng lại kết nối vào nút thắt cổ chai thì có nên không?”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặt vấn đề. Do đó, đẩy mạnh xuất khẩu trái cây, thủy sản rất cần có cảng biển xứng tầm với tiềm năng phát triển của vùng, quy hoạch đường bộ, thủy logictics gắn với cảng biển.

Tháng 12/2021: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12/2021. Ảnh: VGP

Hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12/2021

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Hội đồng cũng như nỗ lực của đơn vị tư vấn đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, 13 địa phương trong Vùng để tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học, bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng và Nghị quyết 120 của Chính phủ với quan điểm phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ Quy hoạch Vùng ĐBSCL có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt.

“Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc”, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa) vào quy hoạch vùng ĐBSCL.

Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; Sóc Trăng – Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề (khoảng 400 km). Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ – hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng.

“Khi có hệ thống giao thông đồng bộ thì đóng góp của ĐBSCL sẽ gấp nhiều lần hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, cập nhật các quy hoạch hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải. Phó Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sát sao để có thể hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, nguồn điện đã được bố trí cơ bản phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền. Theo tính toán, đã giảm hơn 6.600 km đường dây truyền tải, tương đương hơn 250 ngàn tỷ đồng. Cơ cấu nguồn điện đã được điều chỉnh phù hợp hơn, giảm năng lượng hoá thạch, tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đặc biệt là có phương án tăng điện gió trong tổng cơ cấu.

Trong thời gian tới, sẽ không tính nguồn điện mặt trời vào tổng hệ thống, thay vào đó khuyến khích phát triển điện mặt trời theo hướng tự sản xuất, tự tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đặc biệt lưu ý Quy hoạch vùng ĐBSCL cần rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo Phó Thủ tướng, ĐBSCL là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó đặt ra yêu cầu về hệ thống thủy lợi, chống xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông – bờ biển, đặc biệt là hệ thống các hồ, các điểm dự trữ nước chiến lược, các tuyến đường ven biển phải được chú trọng cả về quy hoạch, cả về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển.

“Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không có giải pháp cụ thể, quy hoạch đúng đắn thì sau này, thiệt hại sẽ rất lớn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Quy hoạch Vùng ĐBSCL cũng cần chú ý hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng. Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11 rằng “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc, giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của từng địa phương và toàn vùng ĐBSCL, để tạo ra “sức mạnh mềm” trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung, du lịch, dịch vụ nói riêng.

Sau cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12/2021.

Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thông tin, tuyên truyền về nội dung Quy hoạch đến doanh nghiệp, người dân ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt, vừa tạo đồng thuận, vừa để người dân, doanh nghiệp chủ động huy động nguồn lực tham gia thực hiện Quy hoạch./.