Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu dồi dào, giá cả không có biến động lớn

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, thị trường hàng hoá sôi động hơn trong tháng cuối năm 2023 để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đến gần. Nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, hàng may mặc… tăng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình kinh tế khó khăn, nên nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn gần Tết năm nay không tăng cao như mọi năm. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên thị trường luôn dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Tại các địa phương, nhiều chương trình hội chợ, triển lãm, khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng được tổ chức để thúc đẩy sức mua trong dịp Tết.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1/2024 ước đạt khoảng 524.115,6 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 12/2023 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1/2023 do trùng với Tết Nguyên đán Quý Mão nên tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tương đối cao, đạt 13,3% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa tăng 7,3% với sự gia tăng của nhóm lương thực, thực phẩm tăng 6,2%; nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 22,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,4%; các nhóm còn lại tăng 1,5-2,5%; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,2%; du lịch lữ hành tăng 18,5% và dịch vụ khác tăng 11,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 1 tăng 5,8% so với tháng 1/2023.

Các hội chợ Xuân được chú trọng tổ chức

Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất của ngành Công Thương phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT, ngày 30/10/2023 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: (i) Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa; (ii) Triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Trong dịp Tết, phần lớn các địa phương thực hiện chương trình bình ổn thị trường dựa vào nguồn vốn xã hội hoá của doanh nghiệp và thông qua chương trình kết nối với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian thực hiện chương trình.

Một số địa phương như: Tây Ninh, Ninh Thuận, Đồng Nai có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn cho các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Thị trường hàng hóa sôi động trong dịp Tết nguyên đán 2024
Tại TP. Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán 2024 trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với thực hiện Tết năm 2023

Bên cạnh chương trình bình ổn thị trường, nhiều hoạt động khác như tổ chức các Hội chợ Xuân, các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về nông thôn, giới thiệu các sản phẩm Coop, tổ chức tháng khuyến mại… cũng được quan tâm tổ chức nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, phục vụ tốt nhu cầu người dân.

Tại TP. Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với thực hiện Tết năm 2023. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác hàng hóa phục vụ Tết (tăng trung bình từ 7%-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2023), sẵn sàng phục vụ nhân dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm khoảng 90%).

Tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp bình ổn thị trường chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng; trong đó hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Về lượng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25% đến 43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…

Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hóa, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống. Về giá bán, các doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá trong 1 tháng trước trong và sau Tết.

Tiếp tục bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là trong dịp lễ hội đầu năm

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 2 và thời gian tới, sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân dịp Lễ hội đầu năm, phòng chống dịch và các mặt hàng thiết yếu khác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại các tỉnh biên giới tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường, thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thị trường lân cận còn tiềm năng, thị trường đối tác ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo dõi, cập nhật, đảm bảo tiến độ thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu khu vực phía Bắc sau Tết Nguyên đán. Phối với các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu./.