Thứ trưởng Đỗ Thành Trung: Thu hút đầu tư FDI đang gặp không ít khó khăn, thách thức

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung: Đầu tư nước ngoài giúp Việt Nam vươn ra biển lớn. Ảnh: Báo Đầu tư

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công

Phát biểu tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, diễn ra sáng 15/5 do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, 35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác của nền kinh tế.

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, có thể nói, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, khoảng 280 tỷ USD đã được giải ngân.

Thứ trưởng cũng cho biết, cùng với số lượng dự án và vốn đầu tư ngày càng gia tăng, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực kinh tế năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng, hiệu quả của nền kinh tế.

“35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam, không chỉ trên khía cạnh nguồn lực đầu tư, mà còn góp phần quan trọng hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, lôi kéo các doanh nghiệp trong nước cùng phát triển…”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu.

Đồng thời, khu vực đầu tư nước ngoài cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công.

Khu vực này cũng đã tạo động lực và góp phần để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách và cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn đã đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, góp phần đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của nhiều ngành hàng, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đặc biệt là công nghiệp điện tử, đồng thời đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn chỉ rõ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đó là một số rủi ro tiềm ẩn trên thế giới hiện nay, như: nguy cơ suy thoái, cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga – Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường… đã ảnh hưởng rất lớn tới dòng đầu tư toàn cầu.

Hơn 5 năm qua, kể từ sau khi Việt Nam tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, dòng chảy của nguồn lực này vẫn không ngừng gia tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu tháng 1/2018 đến hết ngày 20/4/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 180 tỷ USD, bằng 40,3% tổng vốn đầu tư lũy kế trong hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Con số này thậm chí còn bằng hơn 56% tổng nguồn lực đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 30 năm, tính đến hết năm 2017.

Vào cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế cả nước có 24.748 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 318,72 tỷ USD, trong khi vốn thực hiện lũy kế đạt 172,35 tỷ USD. Còn vào cuối tháng 4/2023, các con số này lần lượt là 37.065 dự án, với tổng vốn đăng ký 445,87 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 279,8 tỷ USD, bằng 62,% vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, từ năm 2024, một số nền kinh tế dự kiến áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, nên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang trong xu hướng chậm lại.

“Gần đây, chúng tôi còn nhận thấy, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng hơn, kỹ lưỡng hơn trong xem xét đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Trung nói.

Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện, khi số dự án đăng ký đầu tư mới vẫn tăng cao, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng tích cực hơn.

4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD, chỉ còn giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, thay vì giảm tới 38,8% sau 3 tháng. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án đăng ký mới cũng tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng cho biết, qua trao đổi, tiếp xúc, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

“Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023, cũng như những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung dẫn chứng.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung: Thu hút đầu tư FDI đang gặp không ít khó khăn, thách thức
Nguồn: Báo Đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút FDI

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030.

Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Chiến lược đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho giai đoạn tới…

Cũng tại Chiến lược này, Chính phủ đã giao rất nhiều nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hoàn thiện Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi, xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu sửa đổi; báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nghề cụ thể; cũng như xây dựng cơ chế quản lý các hoạt động xúc tiến đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư…

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo đối xử công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung chia sẻ quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng cũng đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt trọng tâm ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch; ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bao trùm và bền vững nền kinh tế.

Đồng thời, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ nâng cao năng lực và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” có hai phiên thảo luận chính với chủ đề: “Cùng nhau phát triển” và “Thúc đẩy dòng vốn mới” với sự trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và các doanh nhân trong nước và nước ngoài.

Tại phiên thảo luận “Cùng nhau phát triển”, lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ Ngân hàng HSBC, Công ty bất động sản Frasers Property Vietnam, DKSH, Nestlé, Hoiana Resort & Golf, và Tập đoàn nguyên liệu Á Châu (AIG) đã chia sẻ những câu chuyện thành công và bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp, cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam thông qua vốn giải ngân trực tiếp, hoạt động cộng đồng, đóng góp về thuế, lao động…

Phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới” có sự hiện diện của các lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyên gia kinh tế và đại diện tổ chức quốc tế như Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, cùng các lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như CME Solar, doanh nghiệp đầu tư giáo dục quốc tế như Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam./.