Báo cáo có tựa đề “Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các rào cản: Sách trắng về Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phụ nữ làm chủ ở Việt Nam” là ấn phẩm do ADB hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo. Đây là sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình “Tăng tốc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của phụ nữ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (WAVES)”, do Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) tài trợ.

Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam
Hội thảo công bố “Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các rào cản: Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”

Doanh nghiệp nữ làm chủ còn gặp nhiều rào cản

Báo cáo cho thấy, trong số DNNVV đang hoạt động tại Việt Nam, phụ nữ sở hữu 20% (105.876 doanh nghiệp), trong khi nam giới sở hữu 80% (417.248 doanh nghiệp). Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (DNNVV-PNLC) đang hoạt động có quy mô siêu nhỏ (69%) và nhỏ (28%). DNNVV-PNLC có quy mô vừa chỉ chiếm 3% trong tổng số các DNNVV-PNLC (trong khi DNNVV do nam giới làm chủ có quy mô vừa thì chiếm 5% tổng số các DNNVV do nam giới làm chủ). Khoảng 46% DNNVV-PNLC hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa mô tô, xe máy.

Mặc dù báo cáo doanh thu và lợi nhuận bình quân tương đồng với các DNNVV-NGLC, nhưng tính trung bình, DNNVV-PNLC sử dụng ít lao động hơn và ít trường hợp là công ty cổ phần hơn. Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra rằng các nữ doanh nhân gặp hàng loạt trở ngại tài chính và phi tài chính. Những trở ngại này cản trở họ phát huy hết tiềm năng kinh doanh của mình. Do đó, tiếp cận tài chính được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nữ doanh nhân và DNNVV-PNLC. Điều này là do DNNVV-PNLC gặp phải những thách thức khác biệt so với DNNVV do nam giới làm chủ mà chưa được các tổ chức tài chính đáp ứng một cách đầy đủ thông qua các sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Vì vậy, báo cáo khuyến nghị tháo gỡ các rào cản đối với DNNVV-PNLC, đặc biệt là tiếp cận tài chính, là giải pháp trực tiếp để đạt được bình đẳng giới, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế-xã hội có tính bao trùm.

Ngoài ra, những rào cản khác đối với các nữ doanh nhân được báo cáo chỉ ra bao gồm: bạo lực trên cơ sở giới và hạn chế về thời gian do phân công trách nhiệm trong gia đình có sự bất bình đẳng giới và công việc chăm sóc gia đình không lương. Mặc dù cả nam và nữ đều bị hạn chế bởi những chuẩn mực về giới, nhưng ở Việt Nam, phụ nữ phải chịu gánh nặng của bất bình đẳng giới lớn hơn. Trong khi đó, hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đối với các DNNVV-PNLC bị hạn chế, do thiếu dữ liệu chính xác hoặc thiếu dữ liệu hữu ích phân theo giới, độ tuổi và năng lực. Điều này đặc biệt gây khó khăn cho việc xác định các nhu cầu và đặc điểm cụ thể của các doanh nghiệp do phụ nữ sở hữu và phát triển các chiến lược tiếp thị có mục tiêu dành cho phân khúc này. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và sự phục hồi tiếp diễn trên toàn cầu, điều quan trọng là cần hiểu rõ những rào cản đối với phụ nữ và DNNVV-PNLC ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, mặc dù Hiến pháp công nhận bình đẳng giới và ngày càng có nhiều sửa đổi về luật pháp và quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới, các nữ doanh nhân ở Việt Nam vẫn phải chịu đựng các chuẩn mực và giá trị xã hội mà trong đó, phụ nữ có vị trí và vai trò thấp hơn nam giới.

Báo cáo cũng chỉ ra thực trạng đáng chú ý là mặc dù khung pháp lý cần được tiếp tục cải thiện, phần lớn các trở ngại đối với sự tăng trưởng của DNNVV-PNLC cần được tháo gỡ đều không liên quan đến khung pháp lý của Việt Nam. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và chính sách liên quan đến DNNVV được rà soát trong khuôn khổ nghiên cứu này chưa tích hợp một cách đầy đủ quy định và tham chiếu rõ ràng về phụ nữ, giới và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao doanh nhân nữ khi được khảo sát chưa cảm thấy được hỗ trợ tốt từ phía các chương trình và chính sách của Chính phủ. Trong khi đó, nhiều rào cản lại bắt nguồn từ các chuẩn mực (giá trị) xã hội sâu xa, chẳng hạn như sự phân chia trách nhiệm trong gia đình không đồng đều giữa nam và nữ. Ngoài ra, nam giới nắm giữ phần lớn cơ hội kết nối kinh doanh, và tạo ra một môi trường khiến phụ nữ cảm thấy ít thoải mái và ít được đón nhận hơn so với nam giới.

Trên cơ sở đó, Sách trắng đưa ra các khuyến nghị về việc tiếp tục xây dựng các cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, lồng ghép DNNVV-PNLC vào một số VBQPPL cụ thể như Luật Bình đẳng giới, đổi mới phương thức thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV với lăng kính về giới, và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức, bao gồm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh và hình mẫu của doanh nhân nữ thành công. Mặc dù hiện đã có nhiều hoạt động triển khai để giải quyết các vấn đề về giới và các thách thức đặc thù của DNNVV-PNLC, song vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ kinh doanh tại Việt Nam.

Nâng cao vị thế của doanh nhân nữ

Thông tin tại Hội thảo công bố “Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các rào cản: Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, tại Việt Nam, 98% tổng số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong đó, 20% các DNNVV là do phụ nữ làm chủ. Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ phát triển xã hội, các doanh nghiệp này góp phần tăng vị thế của phụ nữ, tăng đầu tư cho y tế, giáo dục cho trẻ em, nhất là các trẻ em gái, làm tăng lợi ích xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp, trong giai đoạn 2012-2022, số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực doanh nghiêp. Hiện nay, Việt Nam là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới doanh nghiệp nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN.

Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ nhấn nút công bố Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

Các doanh nhân nữ là những người linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên cường và bền bỉ. Họ cũng là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như: Vinamilk, TH True milk, Vietjet…

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống.

Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn, trong đó có những yếu tố phức tạp mới, tác động khá toàn diện tới nền kinh tế Việt Nam cùng với những khó khăn kéo dài từ dịch Covid-19 đến nay, sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp nói chung và doanh nhân nữ nói riêng. Trên thế giới, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã được đưa vào Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, cũng như chương trình hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có ADB.

Tại Việt Nam, đây là một định hướng chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Vừa qua, Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra giải pháp có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cũng đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đã bổ sung chi tiết một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng DNNVV do nữ làm chủ có các định mức hỗ trợ cao hơn doanh nghiệp nói chung.

Thứ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tổng hợp và nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV do phụ nữ làm chủ nói riêng.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao nghiên cứu Sách trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ tại Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của ADB. Đây là ấn phẩm nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiên về khu vực DNNVV do nữ làm chủ được lồng ghép thu thập từ Tổng Điều tra kinh tế Việt Nam. Tôi mong rằng các phát hiện và khuyến nghị của Sách trắng sẽ là những thông tin hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức liên quan nghiên cứu, tham khảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nhân nữ phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò của khu vực này; qua đó góp phần quan trọng đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và phát triển bền vững của quốc gia”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Chia sẻ tại Hội thảo công bố báo cáo Sách trắng, ông Winfried Wicklein, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB nhấn mạnh: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo có thể là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, cũng như trên khắp châu Á và Thái Bình Dương. Đối với ADB, thúc đảy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thành nghiên cứu về thúc đẩy các DNNVV-PNLC và các doanh nhân nữ ở Việt Nam. Dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, Sách trắng đưa ra các khuyến nghị giúp giải phóng tiềm năng chưa được khai phá của DNNVV-PNLC ở Việt Nam. Những khuyến nghị này bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, đưa khái niệm DNNVV-PNLC vào một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, trong đó có Luật Bình đẳng giới, các biện pháp khả thi theo lăng kính giới để thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV, tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức, bao gồm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho phụ nữ và các nữ doanh nhân thành công tiêu biểu”./.