CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Thực trạng và giải pháp xóa mù chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi
Với quyết tâm “không để trẻ em nào ở lại phía sau”, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện nhiều hành động thiết thực xóa nạn mù chữ trên cả nước

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3% (82.085.729 triệu người), còn lại là 53 dân tộc thiểu số với tỷ lệ 14,7% (14.123.255 người) (Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019). Tuy đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ thấp nhất trong mặt bằng dân cư cả nước nói chung, nhưng được coi là phên giậu của Tổ quốc, đồng thời, giữ vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước. Trong những năm qua, hệ thống các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ, đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực nơi đây, đặc biệt tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…”. Đối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giáo dục là phương thức hiệu quả nhất đem lại cơ hội phát triển bình đẳng, cơ hội thay đổi tương lai cho các em. Bởi lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, đẩy mạnh xóa mù chữ cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là trẻ em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong vùng nhằm tạo điều kiện cho các em tiếp cận với các cơ hội một cách bình đẳng.

Để hoàn thành chỉ tiêu trong các mục tiêu phát triển bền vững, với quyết tâm “không để trẻ em nào ở lại phía sau”, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện nhiều hành động thiết thực xóa nạn mù chữ trên cả nước nói chung và xóa mù chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng bằng nhiều hình thức cả trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 (ngày 31/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135)), Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã được thực hiện mang lại sự phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương, tạo điều kiện thực hiện các chính sách giáo dục. Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Quyết định số 692/ QĐ-TTg, ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Nghị định số 116/2016/ NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP, ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh, hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người.

Tiếp theo đó, ngày 10/5/2017 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó, nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; đặc biệt, Mục tiêu số 4 chỉ rõ, đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong đó có trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030… Đó là những căn cứ pháp lý có ý nghĩa thiết thực trong công tác xóa mù chữ cho trẻ em. Trong đó, nhiều mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể nhắm đến giải quyết các vấn đề còn thiếu hụt của trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi một cách toàn diện, tạo điều kiện cho các em được hưởng quyền lợi xã hội một cách bình đẳng, như: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi có chú trọng đến trẻ em dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; Đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường thể chất, đảm bảo sức khỏe cho cả trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi… Qua đó, tạo điều kiện ban đầu để trẻ em được tiếp cận với giáo dục và các cơ hội khác.

THỰC TRẠNG XOÁ MÙ CHỮ CHO TRẺ EM DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Theo kết quả Điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện tại hơn 56,4 nghìn thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số trên toàn quốc (tính đến ngày 01/10/2019) đã cho thấy bức tranh rõ nét về tình hình phổ cập, cũng như cơ sở vật chất, điều kiện giáo dục dành cho trẻ em khu vực này. Theo kết quả Điều tra, Việt Nam có trên 1,4 triệu trẻ em vùng dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học – cấp học phổ cập xóa nạn mù chữ, tương đương độ tuổi từ 5-9 tuổi; trong đó, các dân tộc: Tày, Thái, Khmer, Mường, Mông, Nùng là các dân tộc có trẻ em trong độ tuổi học tiểu học đông nhất. Trong những năm qua, nhờ sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành liên quan và các địa phương, công tác giáo dục, xóa nạn mù chữ cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ trường học kiên cố tăng từ 77,1% ( năm 2015) lên 91,3% (năm 2019); tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học đều tăng, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đi học phổ thông, nhưng không đi học đã giảm gần 2 lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019.

Mặc dù vậy, kết quả Điều tra cũng cho thấy, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định về sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của trẻ em giữa các vùng, đặc biệt là với trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số vẫn gặp nhiều khó khăn trên hành trình tiếp cận với con chữ khiến cho tình trạng mù chữ trong trẻ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn. Theo thống kê, tình trạng trẻ em trong độ tuổi, nhưng không được đi học còn tồn tại ở tất cả các cấp học (tiểu học 3,1%, THCS 18,4%, THPT 53%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông chỉ đạt 80,9%. Bên cạnh đó, cả nước có 19/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường trên 20%, trong đó, dân tộc Brâu có tỷ lệ cao nhất (35,4%), tiếp đến là dân tộc Xtiêng (35,3%). Dân tộc Sán Dìu và Tày có tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường thấp nhất trong 53 dân tộc thiểu số, tương ứng là 3,7% và 5,1%. Riêng cấp tiểu học, cứ 100 em trong độ tuổi đi học cấp tiểu học, thì có khoảng 2 em không được đến trường. Trong đó, ở dân tộc Raglay là 3,1%, Gia Rai 2,9%, Kháng 1,9%, Mông 0,1%, Ngái 0,5%, Chăm 0,4%, Xtiêng 0,8%…; tỷ lệ trẻ đi học tiểu học đúng tuổi đạt 96,9%.

Những tồn tại hạn chế trên là do điều kiện kinh tế – xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn lạc hậu, giao thông đi lại chưa thuận lợi, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhận thức về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển còn hạn chế, trẻ em phải tham gia các hoạt động kinh tế giúp đỡ gia đình ngay từ rất sớm. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc thiểu số vẫn đang cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo và cận nghèo chung của cả nước; Số hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm 22,3%, hộ cận nghèo chiếm 13,2% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số của cả nước. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo cao tập trung ở các tỉnh Điện Biên, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Lai Châu…; trong đó, dân tộc Chứt có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất với 89,3%.

Bên cạnh đó, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam hiện nay có 1,4% tổng số thôn không có điện lưới quốc gia; 5,2% tổng số thôn có đường giao thông đến xã, huyện… chưa được rải nhựa, bê tông hay sỏi, đá; vẫn còn 16,3% địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới chưa có phòng học kiên cố. Con số này ở một số tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ còn cao hơn nữa. Điển hình tại Bắc Kạn là 26%; Tuyên Quang 25,8%; Điện Biên 24,6%; Đắk Lắk 20,9%; Hậu Giang 29,5%… Trong khi đó, số điểm trường kiên cố và phòng học kiên cố của điểm trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có tỷ lệ thấp hơn, lần lượt là 54,4% và 65,5%.

Đồng thời, kết quả Điều tra cho biết, còn 1,2% trên tổng số 7,81 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý hộ tịch và việc tiếp cận các chính sách, quyền lợi cho trẻ em, trong đó có giáo dục. Nhất là tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, trẻ em dưới 5 tuổi chưa được đăng ký khai sinh cao nhất trong các vùng kinh tế – xã hội, lần lượt là 2,3% và 2,9%. Đây cũng là 2 vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có địa hình miền núi, cao nguyên đi lại khó khăn, tập trung nhiều hộ nghèo đa chiều của cả nước.

Mặt khác, tỷ lệ kết hôn cận huyết vẫn còn tồn tại, thậm chí tồn tại với tỷ lệ cao, cùng với những hủ tục lạc hậu chưa được bãi bỏ của một số dân tộc ít nhiều cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất của trẻ, góp phần làm giảm cơ hội được đi học của trẻ em những khu vực đó, nhất là đối với trẻ em gái khi nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra.

Trong bối cảnh hiện nay, việc trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng không được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng cũng đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn tăng trưởng tiềm năng trong tương lai của đất nước. Trẻ em không được đi học, không được tiếp cận với chữ viết, giáo dục không chỉ làm giảm tiềm năng cá nhân của các em, mà còn kìm hãm trình độ dân trí, giảm các cơ hội bình đẳng và làm tăng các chu kỳ nghèo đói và bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia. Đối với khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em mù chữ đang thực sự trở thành lực cản cho quá trình phát triển và hội nhập, ngăn cản quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để từng bước xóa bỏ nạn mù chữ trong trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo được đề cập trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số có nguy cơ suy giảm giống nòi”. Trên cơ sở đó, đòi hỏi phải có hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, thiết thực, phù hợp, trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, rà soát các chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách, pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số. Rà soát lại chính sách, pháp luật hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Hai là, có cơ chế hiệu quả hỗ trợ người dân đưa con trong độ tuổi đến trường, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao chất lượng và tăng cường công tác quản lý chất lượng giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đảm bảo ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội. Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để đảm bảo các trẻ em nghèo, nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc giai đoạn trẻ thơ và giáo dục mầm non, chuẩn bị bước vào cấp tiểu học.

Ba là, nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cần thiết của phát triển toàn diện sức khỏe và trí tuệ của trẻ từ giai đoạn trẻ thơ. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là các hộ nghèo về vai trò, tác dụng của giáo dục đối với việc thoát nghèo, phát triển kinh tế – xã hội. Chú trọng nâng cao nhận thức trong cộng đồng người dân tộc thiểu số và miền núi về công tác phòng chống mù chữ, chống tái mù chữ bằng các hình thức, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền về công tác xóa mù chữ gắn kết với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương…

Bốn là, rà soát, hoàn thiện và xây dựng hệ thống tiêu chí về cơ sở hạ tầng giáo dục. Tăng cường nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp, điểm trường, trường nội trú nhất là cấp mầm non và tiểu học theo chuẩn hóa, thân thiện với trẻ, cung cấp môi trường học tập an toàn và hiệu quả cho trẻ. Chăm lo chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ làm công tác giáo dục tại địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đội ngũ giáo viên bám thôn, bản tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn; có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường xã hội hóa, kêu gọi trách nhiệm cộng đồng trong công tác xóa mù chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Đồng thời, ngành giáo dục cần xây dựng chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng trên cơ sở 2 ngôn ngữ (ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ phổ thông).

Năm là, tăng cường ưu tiên đào tạo nhân lực cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn bằng nhiều hình thức phù hợp. Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho người dân, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số. Kết hợp giữa đào tạo tập trung và đào tạo tại chỗ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có quy trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu thực tế. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019). Kết quả Tổng điều tra dân số Việt Nam thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019, Nxb Thống kê

2. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (2020). Kết quả Điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê

3. Đào Nguyên Phúc (2021). Hoàn thiện chính sách giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, truy cập từ https://tuyengiao.vn/khoa-giao/giao-duc/hoan-thien-chinh-sach-giao-duc-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-mien-nui-133356

Trung tá, TS. Phạm Hữu Hùng

Đại tá, ThS. Đào Khánh Hùng

Học viện Hậu cần

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)