Chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo

“Dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, nên biện pháp ‘tiếp máu’ cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo…”, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, khi Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022, theo Văn phòng Quốc hội.

Cùng góc nhìn trên, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế. Đây được coi là chìa khóa thành công có tính nền tảng. Cần tháo gỡ mọi vướng mắc trong giải ngân đầu tư công – lĩnh vực còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng, nhưng đang đứng trước nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là trong khâu giải phóng mặt bằng. Cũng cần khuyến khích và có chính sách hợp lý để tăng thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài…

“Tiếp máu” cho nền kinh tế hồi phục, cách nào?
Ngoài các chính sách tiền tệ, tài khóa, theo ông Vũ Tiến Lộc cần áp dụng cả giải pháp phi tài chính. Ảnh: Quốc hội

Để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo ông Lộc, tuy nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn và rất cấp thiết, nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả. Do đó, đề nghị gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư nhà nước.

Tạo dư địa phát triển mới

Nhiều ý kiến cho rằng, để nền kinh tế phục hồi và phát triển tích cực trong thời gian tới, cần tạo ra không gian phát triển mới thông qua triển khai nhiều giải pháp. Theo Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng), trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, cần tiếp tục tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Một trong số đó là có giải pháp, chính sách cho phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp (DN), mà còn đóng góp to lớn trong giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất, môi trường, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn.

“Tiếp máu” cho nền kinh tế hồi phục, cách nào?
Theo Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng), cần tiếp tục tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới. Ảnh: Quốc hội

“Tuy vậy, những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực hơn đối với các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, DN trong khu công nghiệp. Ngoài những ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho DN có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế…”, ông Tân đề xuất.

Theo ông Nguyễn Như So, cần phát triển, mở rộng thị trường, vì đây là nhiệm vụ sống còn. Phải có chính sách đột phá nhằm ổn định, phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề xuất cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân các gói hỗ trợ DN đã được ban hành. Tuy nhiên, nhiều chính sách chưa bao quát hết các nhóm đối tượng. Việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế. Cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, thiện chí và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này…

“Tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho DN, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó phải lấy tiêu chí nâng cao năng suất lao động làm then chốt quyết định đến nội lực của DN…”, ông So đề nghị./.