Hội nghị được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hai nước Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Tham dự hội nghị có đại diện của các bộ, ngành của Việt Nam và Singapore liên quan tới các hoạt động hợp tác kinh tế thuộc 5 trụ cột, bao gồm: kết nối năng lượng; phát triển bền vững; cơ sở hạ tầng; kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo; kết nối (bao gồm các lĩnh vực như: giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải).

Đây là 5 lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế được nâng cấp, sẽ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ ngày 27-28/8.

Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vui mừng chào đón và gặp lại Bộ trưởng Tan See Leng lần thứ 2 trong năm nay đến thăm và làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung liên quan đến kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore, minh chứng cho quan hệ hợp tác chặt chẽ hiện nay giữa hai nước. Đây cũng là hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, Singapore cũng là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với gần 3.274 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 73,5 tỷ USD.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Singapore trong phát triển bền vững và kinh tế số
Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về Kết nối kinh tế Việt Nam-Singapore dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng và ông Tan See Leng – Bộ trưởng Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore. Ảnh: MPI

Đặc biệt, các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) chính là minh chứng cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Thông tin chi tiết về VSIP, ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 1997, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Singapore, Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam — Singapore (VSIP) được thành lập và trở thành một trong những nhà phát triển hạ tầng KCN hàng đầu tại Việt Nam.

Đến nay, VSIP đã có 14 dự án KCN tại 9 tỉnh, thành phố với tổng quy mô diện tích 7.145,9 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,934 tỷ USD. Trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 831 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 18,2 tỷ USD và 116 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 nghìn tỷ đồng: giải quyết việc làm cho khoảng 312.632 lao động.

Với cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến mô hình xanh, bảo vệ môi trường, hệ thống các KCN VSIP đại diện cho mô hình KCN tiên phong, kiểu mẫu, là động lực quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương, đồng thời là hình mẫu cho quan hệ hợp tác hiệu quả, bên vững, lâu dài giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-29/8/2023 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được coi là điểm nhấn khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong những lĩnh vực như: tài chính, giáo dục, giao thông vận tải, đổi mới sáng tạo, năng lượng… ngày càng được đẩy mạnh và phát triển.

Ngoài ra, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng vui mừng thông báo, Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore đã phê duyệt việc nâng cấp Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore, nhằm ứng phó tốt hơn với những thách thức và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ những thay đổi của khu vực và thế giới trong thời gian qua.

Hiệp định khung sau khi nâng cấp bao gồm 5 trụ cột: Kết nối năng lượng; Phát triển bền vững; Cơ sở hạ tầng; Kỹ thuật số và Đổi mới sáng tạo; Kết nối (giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tan See Leng nhận định, trong quá trình phát triển, hai nước luôn bổ trợ cho nhau, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam – Singapore đạt được những thành tựu quan trọng và cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp Singapore đặt sự quan tâm đặc biệt đối với Việt Nam.

Bộ trưởng Tan See Leng cũng mong muốn, trong khuôn khổ Hội nghị, Việt Nam – Singapore sẽ tập trung thảo luận nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác mới, đặc biệt là trong lĩnh vực mới, phát triển bền vững và kinh tế số.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế trên 5 trụ cột

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam, gồm các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài Nguyên và Môi trường… và đại diện các cơ quan thuộc các ngành/lĩnh vực trên của Singapore đã thông báo và trao đổi về các kết quả đạt được kể từ Hội nghị lần thứ 16 đến nay.

Đồng thời, 2 bên cũng thông báo về tình hình triển khai Bản ghi nhớ về Kinh tế số – Kinh tế xanh Việt Nam – Singapore đã được ký năm 2023. Hai bên cũng đã thảo luận về phương hướng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như: năng lượng, phát triển bền vững.

Về đầu tư, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Singapore trong phát triển bền vững và kinh tế số
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đề xuất Singapore phát triển và chuyển đổi VSIP sang hoạt động theo mô hình sinh thái/ Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai Biên Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh – Kinh tế số Việt Nam – Singapore (theo Quyết định số 912/QĐ-TTg, ngày 2/8/2023), mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng của Tổ công tác này.

Vì vậy, Việt Nam đề xuất Singapore phát triển và chuyển đổi VSIP hoạt động theo mô hình truyền thống sang hoạt động theo mô hình sinh thái. Theo đó, cần tích hợp mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mô hình công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng.

Đồng thời, Việt Nam đề nghị Singapore mở rộng đầu tư theo các nhóm chủ chốt: như điện tử, chip bán dẫn, kỹ thuật số có cơ sở dữ liệu cao, năng lượng sạch, thương mại điện tử, thành phố thông minh. Đồng thời, hỗ trợ Việ Nam phát triển các ngành như: dệt may, khí hóa lỏng, đóng tàu, năng lượng…

Về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây là các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế hai nước, đề nghị phía Singapore nghiên cứu hỗ trợ đào tạo nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó là hỗ trợ đào tạo cán bộ cấp chiến lược, cũng như thêm nhiều cơ hội học bổng cho sinh viên. đặc biệt Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn phía Singapore có thể mở trường đại học của Singapore ở Việt Nam, tương tự như các mô hình của RMIT, Fulbright…

Về thương mại, Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Singapore xem xét mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như đã trao đổi tại Hội nghị lần thứ 16.

Đối với các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch và tài chính, phía Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Singapore phối hợp mở rộng các đường bay mới, hợp tác triển khai lĩnh vực du lịch, tàu biển.

Ngoài ra, Việt Nam đề nghị Singapore tiếp tục kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, nhất là trong lĩnh vực Fintech, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng Trung tâm tài chính Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Về đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để làm động lực phát triển bứt phá. Đồng thời, hoan ngênh và đánh giá cao các hoạt động hợp tác của Singapore với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trong năm 2023, Việt Nam và Singapore đã tổ chức được cuộc họp khởi động Nhóm công tác chung Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Singapore; nhiều hoạt động hợp tác khác cũng được triển khai theo kế hoạch. Bộ trưởng cho rằng, hai bên cần tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động, trong đó có tổ chức cuộc họp Nhóm công tác chung để rà soát, thúc đẩy các hoạt động trong năm 2023 của nhóm và nghiên cứu cơ hội hợp tác mới.

Bộ trưởng cũng thông tin, Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 và Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 10/2023 và bảy tỏ vui mừng về sự nhận lời của Bộ trưởng Tan See Leng sẽ đến tham dự sự kiện này.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ với Hội nghị về 8 lĩnh vực trọng tâm của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đó là: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế.

Đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tan See Leng cũng nhắc lại sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực – Singapore lần thứ 7 diễn ra hồi tháng 7/2023 tại Hà Nội và khẳng định, sự kiện này đã khẳng định sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore với nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác tiềm năng tại thị trường Singapore.

“Trong những năm qua, các doanh nghiệp Singapore đã đặt quan hệ rất tuyệt vời với các doanh nghiệp Việt Nam. Có những lĩnh vực quan tâm chung giữa 2 quốc gia, Việt Nam và Singapore có sự bổ trợ lẫn nhau trong phát triển”, Bộ trưởng Tan See Leng nói.

Bộ trưởng Leng cũng cho biết, các hoạt động triển khai giữa 2 nước đang đi rất đúng hướng và những chia sẻ của các bộ, ngành liên quan của 2 nước cho thấy sự thống nhất rất chặt chẽ trong việc thực hiện trụ cột kết nối trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, du lịch, dịch vụ, tài chính, giao thông vận tải, thông tin truyền thông; năng lượng; phát triển bền vững; hạ tầng; kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh Quan hệ đối tác Kinh tế số – Kinh tế xanh Việt Nam – Singapore, ông Tan See Leng kỳ vọng, khuôn khổ hợp tác này sẽ tạo ra các động lực mới, thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Hội nghị cũng đã đưa ra những định hướng về nguyên tắc để cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập Quan hệ đối tác Kinh tế số – Kinh tế xanh Việt Nam – Singapore đã được ký vào tháng 2/2023; đồng thời xác định được các hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực hợp tác mới, qua đó thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước theo hướng bền vững, lâu dài.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với sự thống nhất nâng cấp Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore, trong đó bổ sung thêm các trụ cột kết nối về năng lượng và phát triển bền vững, mở ra các cơ hội hợp tác mới giữa hai nước trong tương lai.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tan See Leng đã chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (ASTAR).

Tìm kiếm cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Singapore trong phát triển bền vững và kinh tế số
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tan See Leng đã chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo. Ảnh: MPI

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Tan See Leng đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn YCH Group Pte Ltd của Singapore. Thay mặt tỉnh Vĩnh Phúc, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Singapore trong phát triển bền vững và kinh tế số

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn YCH group PTE LTD

Theo đó, YCH group PTE LTD sẽ hợp tác đào tạo thực tập sinh Việt Nam về lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics tại Việt Nam và Singapore trong chương trình thực tập sinh thông qua Dự án Việt Nam SuperPort; hợp tác nghiên cứu thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc; phối hợp với các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để học sinh, sinh viên có chuyên ngành đào tạo phù hợp tham gia thực tập tại Dự án Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc.

Trên cơ sở đó, hai bên ký kết và thực hiện Bản ghi nhớ này trên nguyên tắc phù hợp với phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, quy định pháp luật của mỗi nước và các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên./.