Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 vừa qua và Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO (TOMECO) cũng không nằm ngoài bối cảnh chung này. Được thành lập vào năm 1993, TOMECO, từ một xưởng sửa chữa cơ khí đã phát triển thành một nhà máy (với pháp nhân riêng hiện nay là Công ty Cổ phần TOMECO An Khang) sản xuất thành công các trang thiết bị xử lý môi trường, máy sấy nông sản và quạt công nghiệp.

TOMECO – Điển hình thành công về chuyển đổi số
Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO. Ảnh: TOMECO An Khang

Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của đại dịch, bao gồm sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, sự sụt giảm nhu cầu của khách hàng đã khiến Công ty lao đao, doanh thu năm 2020 giảm hơn 24% so với năm trước.

Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TOMECO đã rất vất vả tìm cách phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch, nhằm đảm bảo việc làm cho hơn 150 cán bộ, công nhân viên Công ty.

Một trong những giải pháp giúp Công ty phục hồi đó là thực hiện chuyển đổi số bằng việc áp dụng công nghệ vào mọi khâu trong quá trình sản xuất, xây dựng quy trình chuẩn và chiến lược lâu dài Công ty. Ban đầu, ông Khả khá do dự, vì những nỗ lực trước đó nhằm áp dụng nhanh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất của Công ty chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

TOMECO – Điển hình thành công về chuyển đổi số
Việc thực hiện chuyển đổi số bằng việc áp dụng công nghệ vào mọi khâu trong quá trình sản xuất, xây dựng quy trình chuẩn lâu dài đã giúp Công ty hồi phục. Ảnh: TOMECO An Khang

“Trong năm 2012 và 2017, chúng tôi đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để mua phần mềm nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Khả cho biết. “Nhưng chúng tôi thấy rằng phần mềm không hiệu quả như mong đợi do quy trình quản lý và sản xuất của Công ty chưa đồng bộ, cũng như sự thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số.”

Năm 2021, nhờ tham gia hội thảo do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tổ chức thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), ông Khả được truyền cảm hứng để đưa doanh nghiệp của mình quay trở lại với hành trình chuyển đổi số. Sau khi lắng nghe những chia sẻ kiến thức và chương trình hỗ trợ từ USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư dành cho các DNNVV Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ông Khả đã có thêm động lực để đăng ký tham gia chương trình và nhận được hỗ trợ một – một trong Khuôn khổ chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 thông qua Dự án USAID LinkSME để xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số toàn diện, qua đó chứng minh rằng việc chuyển đổi số là điều có thể thực hiện được và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

TOMECO – Điển hình thành công về chuyển đổi số
Ông Lê Quý Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị của TOMECO nhận định việc chuyển đổi số đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh: TOMECO An Khang

Ông Khả nhận định: “Việc cần làm đầu tiên là phải xác định được lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp.” Với sự hỗ trợ của USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TOMECO đã rà soát lại hệ thống lập kế hoạch, giám sát nguồn lực sản xuất và vận hành hiện tại của Công ty, phát hiện các thiếu sót và xây dựng kế hoạch hành động để cải thiện và nâng cấp hệ thống. Công ty cũng triển khai hệ thống quản lý quan hệ khách hàng nhằm cải thiện tương tác và theo dõi khách hàng mua sản phẩm quạt công nghiệp. Bên cạnh đó, TOMECO cũng đang áp dụng hệ thống quản lý dữ liệu chủ nhằm đẩy nhanh quá trình ra quyết định và hệ thống an ninh mạng hiện đại nhằm giảm thiểu rủi ro và lỗ hổng thông tin.

“Những giải pháp này sẽ cho phép TOMECO làm chủ công nghệ và sử dụng cơ sở dữ liệu để khám phá các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo hơn trong ngành quạt công nghiệp ”, ông Khả chia sẻ.

TOMECO – Điển hình thành công về chuyển đổi số
Với sự đồng hành hỗ trợ hiệu quả từ chương trình chuyển đổi số của USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TOMECO đã rà soát lại hệ thống lập kế hoạch, giám sát nguồn lực sản xuất và vận hành hiện tại của Công ty. Ảnh: TOMECO An Khang

Ngoài sự hỗ trợ này, USAID cũng đã hỗ trợ TOMECO triển khai sử dụng hệ thống mã số, mã vạch cho phép TOMECO theo dõi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm quạt công nghiệp của mình trong suốt quá trình sản xuất. Nhờ đó, TOMECO có thể duy trì tính toàn vẹn của sản phẩm, tạo dựng lòng tin với khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

TOMECO – Điển hình thành công về chuyển đổi số

Ông Lê Quý Khả trao đổi với Trưởng phòng Cải tiến Liên tục về việc ứng dụng mã vạch và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Trần Lương Thái, TOMECO An Khang

Có thể thấy rằng TOMECO, đội ngũ công nhân viên và khách hàng của họ đã được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số này. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, câu chuyện thành công về chuyển đổi số của TOMECO được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến các DNNVV khác. “Thách thức lớn đối với các DNNVV là lãnh đạo chưa hình dung được nhu cầu và lợi ích của chuyển đổi số. Tôi tin rằng, TOMECO sẽ là một trong những điển hình thành công, truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV, tiến hành chuyển đổi số để nắm bắt những cơ hội thị trường mới,” bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định./.