Việc các khu vực thiên nhiên bị xâm lăng bởi các giống loài thực vật, động vật lạ khá phổ biến. Ở Việt Nam đã từng có nạn ốc bươu vàng gây điêu đứng, tới nay vẫn còn nhiều di chứng. Chẳng hạn, hiện giờ nếu quan sát các ruộng đồng, đầm nước… vẫn bắt gặp rất nhiều trứng và cả ốc bươu lớn bé, đã lai tạp qua thời gian. Chúng tàn phá ruộng đồng, cả lúa, rau, lẫn cỏ.

Tuy vậy, để có kết luận về mức tàn phá của nạn xâm nhập sinh học, trên phương diện kinh tế, nghiên cứu của Turbelin và cộng sự [1] có giá trị thông tin quan trọng.

Tổn thất kinh tế nặng nề do nạn xâm nhập sinh học

Thông tin về tổn thất cung cấp bởi Turbelin và cộng sự [1]. ST – Bão, BI – Xâm nhập sinh học, EQ – Động đất, FL – Lũ lụt, DR – Hạn hán, WF – Cháy rừng, ET – Khí hậu cực đoan, LA – Sạt lở đất, VO – Hoạt động của núi lửa, II – Sâu hại

Nghiên cứu này chỉ ra một số thông tin mấu chốt như sau:

  1. Chi phí tổn thất của nạn xâm nhập sinh học ở quy mô kinh tế tương đương với các thảm họa thiên nhiên.
  2. Tổn thất kinh tế do nạn xâm lăng thực – động vật đã tăng 702% tính theo giai đoạn 20 năm cuối thế kỷ 20 (1980–1999) và 20 năm đầu thế kỷ 21 (2000–2019).
  3. Tốc độ gia tăng tổn thất do nạn xâm nhập sinh học nhanh hơn so với thảm họa thiên nhiên trong suốt thời kỳ nghiên cứu từ năm 1980 tới 2019.

Mặc dù diễn tiến tổn thất do xâm nhập sinh học với từng loài tích lũy có vẻ từ từ, nhưng xét quy mô tổng thể thì rất lớn. Ảnh hưởng ước tính tổng gộp qua thời gian 1980–2019 lên tới 1.208 tỷ USD. Mức này chỉ ít hơn sự tàn phá của tất cả các cơn bão 1.914 tỷ USD và cao hơn động đất 1.139 tỷ USD và lũ lụt 1.120 tỷ USD.

Riêng tại Mỹ, tổn thất kinh tế do xâm nhập sinh học là 467,5 tỷ USD, chỉ thua bão 1.202 tỷ USD, nhưng vượt xa nhiều loại thiên tai khác, như hạn hán: 247,7 tỷ USD; lũ lụt 143,5 tỷ USD; cháy rừng 84,9 tỷ USD; băng giá 28,3 tỷ USD.

Điều đáng nói là tốc độ tăng của tổn thất kinh tế gây ra bởi nạn xâm nhập sinh học cao hơn gấp 2 lần so với các loại tổn thất khác do thiên nhiên gây ra.

Phần nhiều việc xâm lăng các loài động thực vật gây hại cho hệ sinh thái khu vực đều có liên quan tới hoạt động kinh tế-xã hội của con người. Các kết luận khoa học cũng cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa con người và tự nhiên, việc phục hồi môi sinh không đơn thuần chỉ trông vào sự tự chữa lành được. Vì thế, việc bảo tồn và đầu tư cho phục hồi, ngăn chặn là việc con người cần phải thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, để đảm bảo hiệu quả, thì quá trình ngăn chặn, bảo tồn và phục hồi cũng cần cân nhắc tới hệ văn hóa đặc hữu của khu vực [2-3].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Turbelin, A. J., Cuthbert, R. N., Essl, F., Haubrock, P. J., Ricciardi, A., & Courchamp, F. (2023). Biological invasions are as costly as natural hazards. Perspectives in Ecology and Conservation, 21(2), 143-150. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2530064423000214

[2] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[3] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872