Tránh tình trạng theo luật này lại vướng luật kia

“Trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến 3 dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi)….”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, khi phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 của UBTVQH, diễn ra hôm nay (ngày 12/4).

Tránh tình trạng “trong một rừng luật không biết vận dụng thế nào…”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan và UBTVQH tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh, những vấn đề cần sửa đổi lần này đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành cách đây 8 năm, đến nay phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Do đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)…

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều chuyên gia và nhiều doanh nghiệp nói rằng, thị trường bất động sản và Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay giao thoa với rất nhiều dự án luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, là những luật chưa được sửa. Cùng với đó, dự án Luật này cũng liên quan đến một số dự án luật đang có trong Chương trình xây dựng pháp luật là Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Một trong những ý kiến cho rằng giao thoa giữa các luật dẫn đến việc thực hiện pháp luật khó khăn… “Đề nghị trong lần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản này cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề, vì tính thống nhất chung của hệ thống pháp luật…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng với UBTVQH nghiên cứu kỹ lưỡng làm rõ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai sẽ sửa đổi như thế nào, trường hợp chưa sửa sẽ giải quyết như thế nào? Đòi hỏi Luật Kinh doanh bất động sản sửa như thế nào tránh tình trạng “trong một rừng luật không biết vận dụng thế nào, theo luật này lại vướng luật kia”.

“Trong giai đoạn này, sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản là rất cần thiết nhưng cũng rất khó, đòi hỏi phải sâu sát để đáp ứng được yêu cầu đề ra, tránh trường hợp sửa xong nhưng không tháo gỡ được vướng mắc của thị trường, thậm chí lại tạo ra những vướng mắc khác…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghệ thông tin

Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một dự án luật then chốt để thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là dự án luật rất quan trọng liên quan đến đông đảo nhân dân và cử tri. Đề nghị UBTVQH phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nếu sửa đồng bộ được dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển về công nghệ thông tin, cũng như quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số và xã hội số ở Việt Nam với mục tiêu đề ra của nước ta là năm 2025, tổng kinh tế số phải chiếm 20% trong GDP và đến 2030 là 30% tổng GDP.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến đối với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và những nội dung liên quan đến sửa đổi luật như: điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép viễn thông; chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông; cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông; dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây… Cũng cần lưu ý bảo đảm sự thống nhất với các luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định khác mà Việt Nam có cam kết trong lĩnh vực có tính chất phổ quát, toàn cầu này…/.