Dẫn đầu bởi triết gia và nhà khoa học về ý thức Kristin Andrews (Đại học York), triết gia và nhà khoa học môi trường Jeff Sebo (Đại học New York), cùng với triết gia Jonathan Birch (Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London), tuyên bố này đã được 39 chuyên gia đồng thuận công bố. Đáng chú, trong số đó cũng có nhà tâm lý học Nicola Clayton và Irene Pepperberg, nhà thần kinh học Anil Seth và Christof Koch, nhà động vật học Lars Chittka, và các triết gia David Chalmers và Peter Godfrey-Smith [1].

Tuyên bố tập trung vào loại ý thức cơ bản nhất, được biết đến là ý thức hiện tượng (phenomenal consciousness). Nói một cách đơn giản, nếu một sinh vật có ý thức hiện tượng, thì nó sẽ có khả năng trải nghiệm các cảm giác đau đớn, thích thú hoặc đói, nhưng không nhất thiết phải có các trạng thái tâm thức phức tạp hơn như tự nhận thức.

Tuyên bố New York về Ý thức Động vật và góc nhìn từ lý thuyết của người Việt
Ý thức của sinh vật. Vẽ bởi Imagine AI (https://www.imagine.art/)

Các nghiên cứu gần đây cho các nhà khoa học biết được rằng, bạch tuộc (Octopoda) cảm nhận được đau đớn và có thể thực hiện các loại hành vi phức tạp như giải quyết vấn đề, sử dụng công cụ và chơi đùa. Trong khi đó, mực nang (Sepia officinalis) có thể nhớ được chi tiết của các sự kiện trong quá khứ cụ thể; cá bác sĩ (Bluestreak Cleaner Wrasse) cho thấy bằng chứng dường như đã vượt qua một phiên bản của “bài kiểm tra gương”, chỉ ra một mức độ nhận thức nhất định về bản thân; cá ngựa vằn (Danio rerio) thì thể hiện một số dấu hiệu của sự tò mò. Trong thế giới côn trùng, ong nghệ (Bombus terrestris) cũng có các hành vi chơi đùa, còn ruồi giấm (Drosophilidae) có những cách ngủ khác nhau bị ảnh hưởng bởi môi trường xã hội của chúng. Trong khi đó, tôm hùm đất (Procambarus clarkii) biểu hiện các trạng thái giống như lo âu, và những trạng thái đó có thể được thay đổi bởi các loại thuốc chống lo âu.

Chính vì các quan sát này, Tuyên bố New York có mục tiêu cập nhật Tuyên bố Cambridge về Ý thức trước đó, được đưa ra vào năm 2012 như một nỗ lực để thể hiện sự đồng thuận của giới khoa học về sự tồn tại ý thức ở các loài động vật không phải con người, bao gồm nhưng không giới hạn ở động vật có vú và chim. Tuyên bố New York viết rằng [1]:

“Bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng trải nghiệm ý thức có khả năng tồn tại ở tất cả các loài có xương sống (bao gồm tất cả các loài bò sát, lưỡng cư và cá) và nhiều loài không xương sống (bao gồm, ít nhất là, các loài mực ống, giáp xác mười chân và côn trùng)”.

Tuyên bố cũng cho rằng, các nhà nghiên cứu trước đây có thể đã đánh giá quá cao mức độ đòi hỏi độ phức tạp thần kinh cần thiết cho sự xuất hiện của ý thức.

Mặc dù nhiều loài động vật được đề cập trong tuyên bố có bộ não và hệ thần kinh rất khác so với con người, các nhà nghiên cứu cho rằng điều này không nhất thiết là rào cản đối với ý thức. Chẳng hạn, não ong chỉ chứa khoảng một triệu tế bào thần kinh, so với khoảng 86 tỷ tế bào trong trường hợp của con người. Nhưng mỗi tế bào thần kinh của ong lại có thể phức tạp hơn về cấu trúc. Mạng lưới kết nối mà chúng tạo thành cũng vô cùng dày đặc, với mỗi tế bào thần kinh có thể tiếp xúc với khoảng 10.000 hoặc 100.000 tế bào khác. Hệ thần kinh của bạch tuộc, ngược lại, phức tạp theo cách khác. Cấu trúc của nó phân bố rộng rãi hơn là tập trung; một cánh tay bị cắt có thể thể hiện nhiều hành vi của con vật nguyên vẹn.

Theo nhà khoa học nhận thức Kristin Andrews, hiện nay việc cá có ý thức hay không cũng tồn tại nhiều tranh cãi, phần lớn là do chúng thiếu các cấu trúc não mà chúng ta thấy ở động vật có vú. Tuy nhiên, khi quan sát chim, bò sát và lưỡng cư, mặc dù các loài vật này cũng có cấu trúc não rất khác và chịu các áp lực tiến hóa khác nhau, một số cấu trúc não của chúng lại đang thực hiện cùng một loại chức năng mà vỏ não ở người đang thực hiện.

Điều đặc biệt là trong quyển sách “Lý thuyết Mindsponge” của nhà nghiên cứu người Việt, TS. Vương Quân Hoàng (Trường Đại học Phenikaa), được xuất bản hơn một năm về trước, cũng đã phát biểu những quan điểm tương đồng với Tuyên bố New York mới đây của các nhà khoa học và triết học trên thế giới [2]. Lý thuyết Mindsponge, được xây dựng trên cơ chế thông tin Mindsponge và các bằng chứng mới nhất từ khoa học não bộ và sinh học tiến hóa, cho rằng các hệ thống có sự sống đều có thể xem là tâm trí (một tập hợp lớn hơn của ý thức), theo nghĩa là hệ thống thu thập kiêm xử lý thông tin. Cho nên, nếu hiểu theo nghĩa này, thì các sinh vật, hệ thống sinh học, và xã hội đều có thể xem là có ý thức, tùy thuộc vào góc độ quan sát và đánh giá của nhà nghiên cứu. Có thể nói một số mệnh đề và giả thuyết của cuốn sách có tính dự báo khá cao, và đang có thêm những ý kiến đồng thuận như Tuyên bố vừa trình bày ở trên.

Mặc dù Lý thuyết Mindsponge có định nghĩa về tâm trí khá rộng và được xây dựng dựa trên các bằng chứng từ cấp độ tế bào, sinh vật, não bộ, cho đến cấp độ tập thể và xã hội, nhưng tác giả Vương Quân Hoàng cũng lưu ý là lý thuyết này được xây dựng chủ yếu làm nền tảng cho các nghiên cứu về tâm lý và xã hội học, chứ không cố gắng làm thay việc của các nhà sinh vật học, thần kinh học hay vật lý học.

Tính đến ngày 20/01/2024, Lý thuyết Mindsponge và phương pháp luận tương ứng là Khung Phân tích Bayesian Mindsponge Framework đã được sử dụng một cách đáng kể trong gần 170 tài liệu khoa học đã xuất bản (bao gồm các bài báo khoa học, sách, bài báo hội thảo, luận án và bài giảng) [3]. Sách Lý thuyết và phương pháp luận liên quan cũng đã được lưu trữ trong nhiều thư viện công (Thư viện quốc gia của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland và Thư viện quốc gia Thụy Điển…) và trường đại học danh giá (Đại học Harvard, Đại học New York, hệ thống trường thuộc Đại học California…) [4]./.

Tài liệu tham khảo

[1] Falk, D. (2024, Apr. 19). Insects and other animals have consciousness, experts declare. https://www.quantamagazine.org/insects-and-other-animals-have-consciousness-experts-declare-20240419/

[2] Vuong, Q. H. (2023). Mindsponge Theory. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C3WHZ2B3/

[3] Vuong, Q. H., Nguyen, M. H., & La, V. P. (Eds.). (2022). The mindsponge and BMF analytics for innovative thinking in social sciences and humanities. Walter de Gruyter GmbH. https://www.amazon.com/dp/B0C4ZK3M74

[4] Phượng, M. & Thường, C. (2024, Jan. 23). Sách lý thuyết và phương pháp luận khoa học của người Việt được lưu trữ trong thư viện Đại học Harvard. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/8895/sach-ly-thuyet-va-phuong-phap-luan-khoa-hoc-cua-nguoi-viet-duoc-luu-tru-trong-thu-vien-dai-hoc-harvard.aspx