Trong khuôn khổ của Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội hôm nay (ngày 24/10), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội lưu ý các cơ quan tố tụng chú ý xem xét, xử lý các vụ án bị kéo dài như: vụ án Hồ Duy Hải, vụ án sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong ở Đồng Nai…, ông Trí cho biết, có những việc, Viện đang xin ý kiến của các cấp thẩm quyền, có những vụ việc, vụ án, Viện đang tiến hành các biện pháp tố tụng, điều tra làm rõ theo đúng luật định. Khi có kết quả, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ thông tin đầy đủ đến đại biểu quan tâm những vụ án, vụ việc cụ thể…

Việc xử lý nhiều vụ án “nóng” bị kéo dài, do đâu?
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình nhiều nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quốc hội

Ông Trí cũng làm rõ ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội việc gần đây có một số đối tượng có hành vi liên quan đến hoạt động từ thiện, những vụ việc tranh chấp, xung đột và có những hành vi lợi dụng mạng xã hội để gây mất trật tự, an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục, gây phản cảm trong đời sống xã hội. Theo Điều 331 của Bộ Luật hình sự, đó là tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Sắp tới, cơ quan điều tra, trong đó có cả Viện Kiểm sát và Tòa án sẽ thống nhất để xem xét những hành vi này và phải xử lý để đảm bảo trật tự, kỷ cương của xã hội…

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, để công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát được triển khai hiệu quả hơn, đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Hiện chúng ta chỉ mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, nhưng tài sản mà các đối tượng ngoài xã hội đang đứng tên, sở hữu có hợp pháp hay không, có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không còn chưa rõ ràng…

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát, ông Trí cho biết, thực tế những năm gần đây, chúng ta đã làm tốt hơn, có chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu, kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn, vì số tài sản đã mất với số tài sản thu hồi vẫn chưa tương xứng. Vấn đề đặt ra ở đây là kể cả khi cơ quan chức năng có quyết tâm kê biên, thu hồi thì cũng phải theo luật hiện hành. Không phải lúc nào các cơ quan chức năng cũng niêm phong, kê biên được hết, khi mà các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước nếu kê biên, niêm phong không đúng thì người dân có quyền khởi kiện. Cho nên, việc thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát cần thực hiện khẩn trương nhưng cũng phải chặt chẽ và chính xác…

“Chính phủ nên có một lộ trình cho việc hạn chế sử dụng tiền mặt ở mức độ ngày càng tốt nhất, đặc biệt trong xu thế đang áp dụng trực tuyến để thanh toán. Cũng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành và bổ sung Luật Đăng ký tài sản. Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản thất thoát mới thực hiện tốt hơn…”, ông Trí đề xuất./.