4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất từ 758 hồ sơ đăng ký

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tập đoàn Meta đã tổ chức Lễ Công bố Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 tại Hà Nội sáng nay (ngày 8/9).

Phát động từ tháng 10/2022, Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã gây được tiếng vang và tạo được sức hút mạnh mẽ thông qua những con số ấn tượng với 758 hồ sơ đăng ký tham gia từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau quá trình đánh giá và tuyển chọn, Top 300 đã trải qua nhiều hoạt động đào tạo, business matching và phỏng vấn trực tiếp cùng Hội đồng tuyển chọn để lựa chọn ra Top 100, Top 60 và dừng lại ở 24 giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu.

Tại buổi lễ, 4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất trong số 24 giải pháp tiêu biểu đã được vinh danh dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; ông Simon Milner – Phó Chủ tịch Tập đoàn Meta phụ trách chính sách công khu vực châu Á – Thái Bình Dương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: FPT, VNPT, CMC…

Vinh danh 4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất
Vinh danh 4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất. Ảnh: NIC

4 giải pháp đại diện cho 3 nhóm đối tượng gồm: Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo; các startup, dự án đổi mới sáng tạo. Đây là những giải pháp được đánh giá cao về tính đổi mới sáng tạo, tác động xã hội, tích bền vững, tính độc đáo công nghệ áp dụng, khả năng nhân rộng quy mô lớn, chi phí phù hợp và đã có sản phẩm để đưa ra thị trường.

Cụ thể, 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc được vinh danh gồm:

Nhóm Doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo:

  • Giải thưởng Đổi mới sáng tạo Kỹ thuật Số (Digital Innovation Award): Nền tảng Chuyển đổi số – oneSME – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
  • Giải thưởng Ngôi sao Đổi mới sáng tạo (Innovation Star Award): Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo (RPA) – FPT akaBot – Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS).

Nhóm Doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo:

  • Giải thưởng Đổi mới sáng tạo toàn diện (Inclusive Innovation Award): Nền tảng Quản trị Doanh nghiệp hợp nhất – MISA AMIS – Công ty Cổ phần MISA.

Nhóm Dự án/Startup:

  • Giải thưởng Đổi mới sáng tạo Bền vững (Sustainable Innovation Award): Giải pháp tiết kiệm năng lượng – BenKon – Công ty Cổ phần BenKon

Những giải pháp tiêu biểu xuất sắc này được tuyển chọn trong cuộc họp đánh giá do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì. Cuộc họp đánh giá có sự tham gia của chuyên gia đại diện Hội đồng tuyển chọn, là lãnh đạo và quản lý cấp cao từ các tập đoàn, công ty công nghệ, các quỹ đầu tư, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước. Lĩnh vực chuyên môn của chuyên gia được phân bổ đồng đều giữa các khía cạnh: công nghệ, thị trường, đầu tư, chính sách, tác động xã hội để đánh giá các giải pháp một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, Hội đồng tuyển chọn có sự tham gia của mạng lưới trí thức Việt tại các nước như: Pháp, Mỹ…

Nhận định về chất lượng và khả năng phát triển của các giải pháp được vinh danh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đây là các giải pháp có hướng tiếp cận tổng thể, bền vững, giải quyết vấn đề trong một bức tranh toàn cảnh với những mối liên kết giữa các phần khác nhau, giảm thiểu rủi ro trong thực thi và lên lộ trình cho việc triển khai dài hạn, có khả năng nhân rộng và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và nhiều thị trường khác.

“Cận cảnh” đặc tính nổi bật của 4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất

Với Bảng Doanh nghiệp lớn đổi mới sáng tạo, Hội đồng tuyển chọn đánh giá cao giải pháp “Nền tảng Chuyển đổi số – oneSME” của VNPT và giải pháp “Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo (RPA) – FPT akaBot” của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS). Cả 2 giải pháp đều đã được thị trường đón nhận tích cực và mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp. Trong đó, về mặt ý nghĩa và khả năng tạo tác động, OneSME thể hiện đúng vai trò dẫn dắt của các tập đoàn lớn hơn khi tạo ra sân chơi chung để các nhà cung cấp khác cùng tích hợp sản phẩm của mình với các sản phẩm của VNPT, qua đó tăng khả năng tiếp cận của các sản phẩm này đến với khách hàng, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhất để phát triển.

Trong khi đó, Giải pháp akaBot được đánh giá cao về mặt công nghệ và khả năng phát triển thị trường quốc tế, bởi việc ứng dụng và kết hợp nhiều công nghệ nâng cao để giải quyết các nghiệp vụ lặp lại hàng ngày, tiết kiệm chi phí và thời gian của doanh nghiệp.

Vinh danh 4 giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất
Lễ Công bố Giải pháp Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: NIC

Giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc đại diện Bảng Doanh nghiệp vừa và nhỏ được thống nhất bởi Hội đồng tuyển chọn là Nền tảng Quản trị Doanh nghiệp hợp nhất – MISA AMIS từ Công ty Cổ phần MISA. Nền tảng được xây dựng dựa trên sự nghiên cứu và thấu hiểu nhu cầu người dùng của MISA qua quá trình 26 năm triển khai giải pháp số cho doanh nghiệp. Với lợi thế về tệp khách hàng có sẵn từ phần mềm kế toán mà MISA đã phát triển trước đó, đến hiện tại, MISA AMIS đã phục vụ 53.111 tổ chức và thu hút 128.244 người dùng thường xuyên, thực hiện 172.241.042 giao dịch vào năm 2022.

Tới đây, 4 giải pháp xuất sắc nhất sẽ được vinh danh tại Lễ Khánh thành Cơ sở hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIIE 2023) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Tại Bảng Dự án và Startup, Giải pháp Tiết kiệm Năng lượng – BenKon từ Công ty Cổ phần BenKon được lựa chọn trở thành giải pháp đổi mới sáng tạo xuất sắc nhất. Giải pháp tiên phong trong việc chuyển đổi các thiết bị điều hòa không khí thực tế trở thành một phiên bản thiết bị ảo. Khi đó, thông qua giải pháp BenKon, doanh nghiệp có thể kích hoạt nền tảng số giúp quản lý và tối ưu vận hành toàn hệ thống điều hòa không khí hiệu quả nhất.

Về hiệu quả thực hiện và khả năng tạo tác động của giải pháp, TS. Lê Quốc Anh – Tech Lead – Canal+ Group (Pháp), đồng thời cũng là thành viên Hội đồng tuyển chọn của chương trình, chia sẻ: Đây là giải pháp có tính ứng dụng cao, không còn là nghiên cứu lý thuyết hay thực nghiệm, mà đã được chứng minh bằng sản phẩm cụ thể, kết quả cụ thể. Vào tháng 1/2023, Công ty đã hoàn thành vòng gọi vốn hạt giống trị giá 500.000 USD, với sự tham gia của founder VNPay và quỹ ITI Fund…/.