WB khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng
Diễn biến xấu của thị trường lao động phản ánh tác động bất lợi của đợt cách ly xã hội

Theo WB, GDP quý III/2021 của Việt Nam giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý. Với mức suy giảm sâu này và phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV/2021, GDP năm 2021 hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% mà tổ chức này công bố thời điểm tháng 8/2021.

Trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam, WB ghi nhận tình hình thị trường lao động xấu đi đáng kể. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý III/2021 giảm 2,6 điểm phần trăm so với quý II/2021. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lần lượt 1,0 điểm phần trăm và 1,8 điểm phần trăm trong cùng khoảng thời gian. Mức lương thực tế bình quân tháng giảm 10,1% (so quý trước) và 12,1% (so cùng kỳ năm trước), một bước lùi đáng kể trong quá trình phục hồi thu nhập bắt đầu từ quý III/2020. Diễn biến xấu đi của thị trường lao động phản ánh tác động bất lợi của đợt cách ly xã hội và cho thấy những khó khăn kinh tế mà nhiều hộ gia đình có thể đang phải gánh chịu.

WB khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp

Điểm sáng trong bức tranh vĩ mô là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp Vốn FDI đăng ký tháng 9/2021 tăng 26,1% so với tháng trước, một sự phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh khủng hoảng, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có lòng tin đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Vốn FDI đăng ký tăng là nhờ dòng vốn đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 90,7% so tháng trước), trong đó có khoản đầu tư trị giá 1,4 tỷ USD vào ngành điện tử của một công ty Hàn Quốc. Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% (so cùng kỳ năm trước). Nhờ các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, tăng 57,4% (so tháng trước), mặc dù vẫn thấp hơn 29,5% so với cùng kỳ năm trước.

WB chia sẻ, kinh nghiệm các nước khác trên thế giới cho thấy, quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau một giai đoạn cách ly xã hội kéo dài có thể phải đối mặt với một số trở ngại. Nối lại các hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. Giúp gỡ bỏ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine và khuyến khích dịch chuyển lao động cần được ưu tiên.

WB khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng
WB khuyến nghị nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi

WB khuyến nghị các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trước hết, giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển sẽ giúp hỗ trợ tổng cầu. Thứ hai, mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình sẽ giúp họ vượt qua khó khăn có thể xảy ra khi quay lại làm việc. Thứ ba, cũng cần tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ du lịch, ăn uống và lưu trú./.