Thực hiện Quyết định số 1196/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành, ngày 11/7/2023, Hội đồng thẩm định liên ngành tiến hành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 – Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Xây dựng Cảng hàng không: Tạo động lực phát triển cho tỉnh Quảng Trị và khu vực Trung Bộ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp. Ảnh: MPI

Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị được chia thành 2 dự án thành phần, gồm Dự án thành phần I (Giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan nhà nước tại Cảng hàng không) sẽ thực hiện theo hình thức đầu tư công; Dự án thành phần II (xây dựng Cảng hàng không) sẽ thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Dự án thành phần 2 – Xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyên Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cấp sân bay: 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác của cảng hàng không đạt khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042; từ năm năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách và 25.500 tấn/năm; cấp cứu nguy, cứu hỏa: cấp 7.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư với mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế, xã hội; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng – an ninh của khu vực Trung Bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Dự án đã được phê duyệt tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chỉ rõ, để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nhằm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và đến năm 2030 thuộc nhóm khá của cả nước đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, cần tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông để khai thác tiềm năng, lợi thế.

“Do vậy, việc sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị sẽ mở ra cơ hội phát triển lớn đối với tỉnh Quảng Trị và khu vực Trung bộ”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói.

Ông Hưng cho biết, đây là Dự án quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, của khu vực. Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã huy động cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực khẩn trương lập, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án nhằm sớm hoàn thành các thủ tục thực hiện đầu tư, đặc biệt là phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và sớm khởi công nhằm khẳng định Quảng Trị được kết nối bằng đường hàng không, rút ngắn khoảng cách đi lại.

Xây dựng Cảng hàng không: Tạo động lực phát triển cho tỉnh Quảng Trị và khu vực Trung Bộ
Mô hình Dự án Cảng hàng không Quảng Trị

Khẳng định tỉnh sẽ ưu tiên dành nguồn lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Quảng Trị trong việc triển khai Dự án theo các lộ trình đầu tư phù hợp nhất.

Góp ý cho Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, các đại biểu tham gia phiên họp cho rằng, tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục rà soát các nội dung để bám sát thực tiễn và các căn cứ pháp lý mới. Cụ thể, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, cần lưu ý về sự phù hợp đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; phương án phân kỳ đầu tư dự án; việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án. Để làm rõ hơn sự cần thiết đầu tư Dự án, đại biểu đề nghị cập nhật tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh; làm rõ thêm sự cần thiết của Dự án trong việc hoàn thiện hệ thống cảng hàng không, sân bay theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg; bổ sung thêm các cơ sở mang tính định lượng; đánh giá cụ thể về tác động của các dự án quan trọng có liên quan, trong đó làm rõ tiến độ, các kịch bản ảnh hưởng…

Thông qua các ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kết luận, về cơ bản Hội đồng thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư Dự án; hồ sơ trình đảm bảo theo quy định; sự phù hợp của Báo cáo đối với quy hoạch, kế hoạch được đảm bảo; thống nhất phân kỳ đầu tư theo đề xuất, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, nhu cầu, mức vốn đầu tư…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý UBND tỉnh Quảng Trị: thêm một số vấn đề cần tập trung làm rõ hơn như: các phương án kỹ thuật, công nghệ, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ; về phương án tài chính; tổng mức đầu tư; mục tiêu, quy mô, công suất, phân kỳ, tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện, thời hạn hoạt động, thu hồi vốn, khả năng thu hồi vốn, hiệu quả đầu tư; đề nghị UBND Quảng Trị phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo; tổ chức thực hiện đầu tư và khai thác hiệu quả, đảm bảo mục tiêu, quy hoạch của Dự án góp phần thúc đẩy khu vực nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn trong thời gian tới./.