Tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, chiều ngày 15/9/2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, việc họp với các địa phương về công tác xây dựng kế hoạch trong 5 năm trở lại đây đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch; các địa phương không cần phải về làm việc với Bộ trong xây dựng kế hoạch mà Bộ chủ động làm việc với các địa phương theo vùng.

5/12 chỉ tiêu tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long dự báo không đạt kế hoạch năm 2021
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì Hội nghị

“Đây là cách mà các địa phương trao đổi trực tiếp với các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được các đơn vị chuyên môn của Bộ giải thích, hướng dẫn ngay giúp cho việc tháo gỡ khó khăn được nhanh hơn; đồng thời cũng là dịp mà các địa phương tăng cường công tác phối hợp với nhau, tăng cường thông tin mà có thể học tập lẫn nhau, chia sẻ với nhau trong quá trình thực hiện nhiêm vụ của mình, đấy là mục tiêu quan trọng mà chúng ta xây dựng hàng năm”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng cho biết, đây là Hội nghị lần thứ 3 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam bao gồm 6 vùng trong cả nước. Mặc dù các địa phương và Bộ, ngành có nhiều việc cần triển khai trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dành nhiều thời gian nỗ lực để phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, với sự tham gia của 8 chủ tịch, 11 phó chủ tịch của 19 tỉnh tham dự hội nghị hôm nay, chúng tôi đánh giá rất cao và cũng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch năm tiếp theo là vô cùng quan trọng.

Vấn đề liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương. Nếu làm tốt vấn đề liên kết vùng và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.

“Nhận thức được vấn đề đã nêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị vùng ngày hôm nay nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá các vấn đề trọng tâm về kinh tế – xã hội và đầu tư của 19 địa phương khu vực phía Nam trong 8 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng tin rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của các cấp các ngành chúng ta sớm kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, nền kinh tế sẽ mau chóng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Bức tranh kinh tế chung của 2 vùng trong 8 tháng đầu năm

Theo bà Bùi Thị Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, sản lượng lúa của 2 vùng ước đạt 16,86 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 8,78 triệu tấn. Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực cho phần thiếu hụt của vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo đảm bảo yêu cầu an toàn lương thực và xuất khẩu.

5/12 chỉ tiêu tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long dự báo không đạt kế hoạch năm 2021
Bà Bùi Thị Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ

Sản lượng thu hoạch trái cây đạt 4,0 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là khoảng 1,75 triệu tấn trong đó có gần 400 ngàn tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và hơn 1,3 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12/2021 nếu tình hình xuất khẩu gặp khó khăn. Sản lượng rau màu ước đạt 3,83 triệu tấn. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại khoảng 986 ngàn tấn. Ngoài việc cung ứng cho vùng Đông Nam Bộ thì Đồng bằng sông Cửu Long còn gần 1.500 ngàn tấn rau củ các loại cần được tiêu thụ.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2020.. Dự kiến sản lượng những tháng còn lại là 1,526 triệu tấn. Một số địa phương tăng khá so với vùng là Bến Tre (tăng 6,69% so cùng kỳ), Sóc Trăng (tăng 7,88% so cùng kỳ), Bạc Liêu (tăng 5,8% so cùng kỳ).

“Như vậy, sản lượng nông sản thu hoạch 8 tháng đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân 19 tỉnh, thành Nam Bộ. Thời gian tới, công tác chỉ đạo điều hành sản xuất vẫn được duy trì, đảm bảo sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”, bà Thủy tổng hợp báo cáo.

Chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%;

Đại dịch đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều công ty tại Việt Nam nên các DN tăng tìm mua nguyên liệu trong nước, mở rộng tiêu thụ trong nước, nhiều tập đoàn chú trọng đến tiêu thụ sản phẩm ở nội địa hơn. Tại Đồng Nai các DN FDI tiêu thụ ở thị trường nội địa gần 4,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2020. TP. Hồ Chí Minh, giá trị sản xuất của khu công nghệ cao 7 tháng đầu năm đạt 12,9 tỷ USD tăng 29,4% so với cùng kỳ đạt 51,7% so với kế hoạch đề ra, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 12 tỷ USD tăng 23,3% so với cùng kỳ.

Khu vực phía Nam có khối lượng thủy sản xuất khẩu chiếm khoảng trên 70% cả nước với 449 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiện số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 176 cơ sở.

“Như vậy, còn 273/449 cơ sở tại 19 tỉnh tiếp tục sản xuất, với công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội”, bà Thủy cho biết.

Nhìn chung các doanh nghiệp hết sức cố gắng để duy trì sản xuất nhưng do giãn cách kéo dài, nên càng khó khăn, kéo theo khó khăn cho toàn chuỗi. Xuất khẩu thuỷ sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và tháng 8/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng cả nước đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng giảm 4,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh giảm 13,8%; Đồng Nai tăng 1,2%; Cần Thơ tăng 2,3%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống Bình Dương cùng giảm 21,5%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 20%; Đồng Nai giảm 13,5%; Cần Thơ giảm 8,9%.

Doanh thu du lịch lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh giảm 52,2%; Cần Thơ giảm 29,8%; Doanh thu dịch vụ khác Thành phố Hồ Chí Minh giảm 17,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 14,4%; Bình Dương giảm 6,7%; Kiên Giang giảm 4,7%; Cần Thơ giảm 3%.

Kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng khoảng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020 (theo TCTK), 2 vùng chiếm 41% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng một số địa phương Đông Nam Bộ đã “vượt bão Covid 19” duy trì được mức tăng xuất khẩu, như: Bình Dương đạt 22,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,5% so với cùng kỳ xuất siêu gần 4,5 tỷ USD; Đồng Nai ước đạt 15,19 tỷ USD, tăng 28,91% so cùng kỳ; Bình Phước ước đạt 2 tỷ 555,1 triệu USD, tăng 46,7% so cùng kỳ.

“Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh do dịch chưa bùng phát, tuy nhiên từ nửa cuối tháng 7 có xu hướng giảm do không vận chuyển được hàng hóa (nhất là thủy sản), tính đến hết tháng 8 năm 2021 toàn vùng ước đạt 9,566,7 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ nhưng chỉ bằng 46,7% kế hoạch, chiếm 5,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước. 4/13 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá so với cùng kỳ là Sóc Trăng (tăng 19,12%), Đồng Tháp (26%), Bạc Liêu (8,2%), Cà Mau (19,7%) với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và thủy sản”, bà Thủy cung cấp thêm thông tin.

Báo cáo từ các địa phương cho biết, có một số địa phương có mức tăng thu khá như: Bà Rịa – Vũng Tàu lũy kế thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng khoảng 57.111 tỷ đồng, đạt 86,66% dự toán, tăng 11,17% so cùng kỳ; Bình Dương lũy kế 8 tháng thu đạt 45.355 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 77,4% dự toán; TP. Hồ Chí Minh đạt 258.214 tỷ đồng, đạt 70,76% dự toán, tăng 15,77% so với cùng kỳ (tuy nhiên khả năng Thành phố khó đạt 100% dự toán trong cả năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh); đặc biệt Bình Phước ước đạt 8.507 tỷ đồng, đạt 111% dự toán; Tây Ninh ước đạt 7.180 tỷ đồng, đạt 81,19% so với dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng vùng ĐBSCL đạt 71.883 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm (tổng thu cả nước bằng 77% dự toán), trong đó: thu nội địa đạt 64.593 tỷ đồng, đạt 72,6% dự toán; Một số địa phương có tốc độ thu ngân sách trên địa bàn đạt khá so với dự toán như: Long An (85,74%); Bến Tre (85,05%); Hậu Giang (92,92%); Sóc Trăng (91,45%), Bạc Liêu (91,98%), An Giang (89,67%).

Đặc biệt là tỉnh Long An đã rất nỗ lực thu hút được 43 dự án với vốn đăng ký cấp mới là 3,35 tỷ USD đứng đầu cả nước. Tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù dịch bệnh rất phức tạp nhuwhg xếp thứ hai cả nước thu hút được tổng vốn đăng ký cấp mới là 2,175 tỷ USD (cao gấp 2,5 lần Hà Nội); Bình Dương xếp thứ ba, thu hút được 1,671 tỷ USD; Cần Thơ đứng thứ 4 với 1,3 tỷ USD; Tây Ninh xếp thứ 11 với 648,34 triệu USD; Đồng Nai xếp thứ 12 với 572,8 triệu USD; Bình Phước đứng thứ 15 với 327,7 triệu USD; Bà Rịa Vũng Tàu đứng thứ 17 với 248,4 triệu USD. Tuy nhiên số vốn thu hút trong 8 tháng đầu năm 2021 toàn Vùng giảm 21% so với cùng kỳ.

“Nhìn chung theo các số liệu thực hiện 8 tháng, thì nền kinh tế 19 tỉnh phía Nam vẫn có những chỉ số tích cực, tuy nhiên do có độ trễ nên các khó khăn sẽ phản ánh rõ nét vào các tháng cuối năm”, bà Thủy cho hay.

7 khó khăn trong thực hiện kế hoạch năm 2021 của 2 vùng

Tổng hợp lại, bà Thủy cho biết, hiện có 7 khó khăn trong thực hiện kế hoạch năm 2021 của 2 vùng.

Một là, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong ở mức cao, nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới phức tạp, sức chống đỡ của hệ thống y tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân đều đã tới ngưỡng. Công tác dự báo chưa kịp thời, đạt chất lượng, dẫn đến việc chuẩn bị về vật tư, y tế, nhân lực, nguồn lực … không sát thực tiễn.

Hai là, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do việc cung ứng vật tư đầu vào (cung ứng giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản…) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển, test covid, tình hình lưu thông, vận chuyển khó khăn.

Ba là, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, khoảng 80% doanh nghiệp bị ngừng trệ hoạt động, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột dẫn đến giảm doanh thu cũng như mất khả năng thanh toán. Khoảng 26,5% doanh nghiệp FDI đã thu hẹp quy mô, 97% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch (trong đó 52% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng).

Bốn là, tình trạng thất nghiệp và di cư về các địa phương gia tăng, nguy cơ thiếu hụt lao động sau dịch

Năm là, giá cả, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển đường biển tăng vọt một cách chóng mặt (tăng 5 đến 6 lần đến EU và Mỹ và tăng 2 -3 lần ở châu Á)

Sáu là, nguồn lực thiếu hụt, nguồn ngân sách địa phương hết sức khó khăn, không còn nguồn dự phòng chi cho công tác phòng chống dịch, nguồn lực xã hội cũng bắt đầu cạn kiệt.

Bảy là, an sinh xã hội cho người dân đã được quan tâm nhưng không thể phủ hết nên vẫn có trường hợp bị lọt lưới an sinh, đời sống người dân rất khó khăn.

Dự báo năm 2021: Nhiều chỉ tiêu không đạt

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo có 5/12 chỉ tiêu không đạt gồm: Tốc độ tăng trưởng; GRDP bình quân đầu người; quy mô GRDP; kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Năm 2021: Dự báo 5/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch

1. Tốc độ tăng GRDP: 2,69% (KH 6-7%).

2. GRDP bình quân ước đạt 60 triệu đồng/người (KH 64,8 triệu đồng/người).

3. Xuất khẩu: 19,477 tỷ USD (KH 20,473 tỷ USD).

4. Thu NSNN trên trên địa bàn: 97,927 nghìn tỷ đồng (KH 97.967 nghìn tỷ đồng);

5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn XH: 389,809 nghìn tỷ đồng (KH 396,779 nghìn tỷ đồng). Không đạt kế hoạch.

“Dự báo, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021 thì tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn Vùng sẽ trở lại phục hồi tốt trong những tháng cuối năm, các chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo sẽ phục hồi nhanh trong quý IV”, bà Thủy cho biết.

Bà Thủy cũng nêu rõ các khó khăn hiện nay của 19 tỉnh phía Nam. Đó là toàn Vùng cũng đã trải qua thời gian giãn cách dài (TP. Hồ Chí Minh đã trải qua 105 ngày giãn cách, 18 tỉnh còn lại đã trải qua 60 ngày giãn cách) nên đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế – xã hội không chỉ của Vùng mà còn của cả nước.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán các sản phẩm chủ lực tại vùng ĐBSCL đạt thấp. Tâm lý của người nông dân chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát nên sản xuất cầm chừng nên nguy cơ gây đứt gẫy chuỗi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.

Đa số các doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ cho rằng, việc phải dừng hoạt động trong thời gian từ 2 tháng trở lên được coi là thất bại trong kiểm soát dịch và gửi đi thông điệp tiêu cực cho các doanh nghiệp nước ngoài. Khả năng cắt giảm quy mô trong 12-18 tháng tới là cao. Với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc đóng cửa 01 tháng đồng nghĩa họ đang ở bờ vực bị đẩy ra khỏi chuỗi và nhường cơ hội cho các cơ sở sản xuất ở những nơi khác.

Năm 2022, mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất

5/12 chỉ tiêu tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long dự báo không đạt kế hoạch năm 2021
Năm 2022, mục tiêu chung của 2 vùng là tiếp tục kiểm soát tốt tình hình Covid-19 để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất

Năm 2022, mục tiêu chung của 2 vùng là tiếp tục kiểm soát tốt tình hình Covid-19 để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi sản xuất. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đảm bảo an sinh xã hội.

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022 của vùng ĐBSCL là: (1) Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,17%; (2) GRDP bình quân đầu người: 65,26 triệu đồng/người; (3) Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp, thủy sản: 30,29%, Công nghiệp – xây dựng: 28,13%, Dịch vụ: 37,61%, thuế và trợ cấp sản phẩm: 3,97%; (4) Tổng kim ngạch xuất khẩu: 21,512 tỷ USD; (5) Thu ngân sách: khoảng 97.801 tỷ đồng; (6) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 427.659,53 tỷ đồng.

Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu 2022 của các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ (trong kịch bản tối ưu là kiểm soát dứt điểm được dịch bệnh trong năm 2021) là:(1) Tốc độ tăng trưởng GRDP của Vùng dự kiến tăng khoảng 5 – 6,5%; (2) Cơ cấu kinh tế năm 2022 của Vùng: duy trì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 80% trong GRDP toàn Vùng; (3) GRDP bình quân/người khoảng 141,36 triệu đồng; (4) Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn dự kiến hơn 572,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với ước thực hiện năm 2021; (5) Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 115,89 tỷ USD, tăng hơn 10% so với ước thực hiện năm 2021.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, các giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới cần được thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Một là, khẩn trương thực hiện tổ chức lập quy hoạch tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Hai là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ba là, đa dạng hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối vùng./.