Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023 diễn ra sáng 4/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết điều này và khẳng định, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô tháng 10 và 10 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh: VGP

Tính chung 10 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 70 Nghị định, 207 Nghị quyết, 27 quyết định quy phạm pháp luật, 1.353 quyết định cá biệt, 27 chỉ thị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; giải quyết các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, ngân hàng, dự án đầu tư, những khó khăn, bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, phòng cháy, chữa cháy…; tổ chức 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với địa phương, phát huy hiệu quả 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình KTXH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 3,59% so với cùng kỳ, bình quân 10 tháng tăng 3,2%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; thu NSNN 10 tháng ước đạt 86,3% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 10 tăng lần lượt 5,6%, 5,9% và 5,2% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm trước (51,34%).

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tích cực hơn.

Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quyết liệt xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Qua đó, các khó khăn, vướng mắc, bất cập được tập trung tháo gỡ, đã đạt kết quả bước đầu, nhất là về cơ chế, chính sách, pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, phòng cháy, chữa cháy, cung ứng điện, xăng dầu… Nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, nhất là về tài khóa, tiền tệ được tích cực triển khai để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Đáng chú ý, cuối tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại KCNC Hòa Lạc, thu hút 41 quỹ đầu tư cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023 – 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, nhiều hoạt động, sự kiện bên lề với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước tham gia. Qua đó, sẽ góp phần đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhân lực công nghệ số trong thời gian tới.

Đồng thời, các công tác như an sinh xã hội, giáo dục, y tế, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế cũng được chú trọng làm tốt.

4 khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả chung của 10 tháng

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ: “Khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo sức ép lớn lên công tác quản lý, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tỉ giá, các cân đối lớn về NSNN, đầu tư, tiêu dùng, an sinh xã hội… “.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, nhiều hoạt động, sự kiện bên lề với hàng trăm doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước tham gia. Qua đó, sẽ góp phần đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, nhân lực công nghệ số trong thời gian tới.

Bộ trưởng chỉ ra các khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến kết quả chung của 10 tháng cụ thể như sau:

(1) Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Những vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, quyết liệt tháo gỡ, nhưng khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn do phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới, khu vực. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu giảm 7,1%, các nhóm hàng chủ lực và thị trường xuất khẩu lớn của nước ta chuyển biến chậm, tiếp tục gặp nhiều khó khăn; nhập khẩu giảm 12,3% (09 tháng giảm 13,8%), trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất (chiếm gần 94% kim ngạch nhập khẩu) giảm 12,2%.

Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả; sức cầu tiêu dùng vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng đã có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 27/10 chỉ tăng 7,1% (cùng kỳ tăng 11,45%).

“Một số cơ chế, chính sách, quy định chậm được sửa đổi, còn mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất; cắt giảm thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt, gây phiền hà, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng nêu rõ.

(2) Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Thu NSNN 10 tháng giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước(07 tháng giảm 7,8%, 08 tháng giảm 8%, 09 tháng giảm 8,3%). Nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “0 đồng” còn nhiều khó khăn. Chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Áp lực điều hành tỷ giá, biến động nguồn cung và giá dầu thế giới tiếp tục là vấn đề cần quan tâm.

Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời tình huống phát sinh.

(3) Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ; tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. Phát triển văn hóa, giáo dục, công tác thanh niên, trẻ em còn một số vấn đề cần quan tâm, tháo gỡ.

(4) Thiên tai, hạn hán, bão lũ, thời tiết cực đoan, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển… diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Các vấn đề như ngập úng, phòng cháy, chữa cháy, ùn tắc giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông tiếp tục là thách thức.

“Kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc có nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp”, Bộ trưởng lưu ý.

Tận dụng cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng

Thời gian còn lại của năm chỉ còn vài tháng, nhiệm vụ rất nặng nề, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 6; triển khai nhanh, hiệu quả ngay sau khi được ban hành.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt, tổng thể và đồng bộ các chính sách, giải pháp về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư… đã ban hành để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, các ngành, lĩnh vực, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2023, nhất là 5 chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỉ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động.

Thứ ba, tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.

Thứ tư, tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng nhóm hàng cụ thể tại từng thị trường xuất khẩu, các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết, FTA với Israel.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Thứ sáu, đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền; quyết liệt sửa đổi, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập đã được các tổ công tác của Quốc hội, Chính phủ chỉ ra.

Cùng với đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực; Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi. Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng phát triển toàn diện văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Bộ trưởng cũng lưu ý quan điểm, bám sát tình hình, tiếp tục thực hiện linh hoạt, nhịp nhàng, đồng bộ các giải pháp, chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, đặc biệt “tận dụng cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.