Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023 với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”, do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng nay (ngày 30/11), tại Hà Nội, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều “hiến kế” cho Việt Nam trong nỗ lực chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.

Theo đó, ông Andrew Goledzinnowski, Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm của Úc để đưa dòng tiền vào đúng việc chuyển đổi xanh. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi xanh, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều trong dư luận, nhằm nâng cao lòng tin của người dân.

Nhìn chung, các quốc gia rất quan tâm đến Việt Nam về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thực tế, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Việt Nam có một cơ hội chưa từng có và rất tốt trong chuyển đổi xanh và quan trọng là làm thế nào để thực hiện được thành công.

“Trước đây, thông qua Ngân hàng ANZ, Úc đã hỗ trợ 90 triệu USD cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh va tuyên bố rằng, sẽ còn hỗ trợ nhiều nữa cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam và thu hút kinh tế tư nhân sang chuyển đổi xanh.”, ông Andrew Goledzinnowski cho hay.

Chuyên gia quốc tế “hiến kế” cho Việt Nam đạt được bước tiến mới về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Chuyên gia quốc tế tham gia thảo luận tại Diễn đàn

Theo bà Dorsati Madani – Giám đốc chương trình Tăng trưởng xanh, Ngân hàng Thế giới, thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư, ví dụ như nguồn vốn FDI… Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng phải trả một cái giá nhất định và quá trình chuyển đổi xanh (trong đó có tăng trưởng xanh, sử dụng nguồn lực xanh) cũng không phải là ngoại lệ.

Theo chuyên gia cao cấp về tăng trưởng xanh của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một nước đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (theo ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ USD), như: ô nhiễm môi trường, vấn đề ngập mặn, nước biển dâng, triều cường ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp càng sớm càng tốt về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như giảm bớt phát thải khí carbon.

Theo bà Dorsati Madani, Việt Nam đã cam kết rất nhiều vấn đề về chống biến đổi khí hậu, cũng như phát triển bền vững, nhưng vấn đề là phải hiện thực hóa được những cam kết này.

Đặc biệt, làm thế nào để Việt Nam phải có khả năng tự cường, tự chống chịu trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, để có thể đứng vững trước các thảm họa tự nhiên.

Bà Dorsati Madani khuyến nghị, để phát triển bền vững, cũng như phát triển các ngành sạch hơn, trước hết là hướng tới mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau, thì cần tăng cường năng lực tự chống chịu, như: tăng cường tính tự cường, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, đào tạo lao động, xây dựng những hoạt động xanh, sạch hơn, tạo ra hoạt động kinh tế mới, những ngành sạch, xanh hơn (ví dụ như ngành công ngiệp chế biến, chế tạo xanh), phát triển kết cấu hạ tầng chống chịu được với biến đổi khí hậu (chống ngập lụt…), loại bỏ một số ngành năng lượng gây hại cho môi trường, cần thực hiện thủy điện sạch hơn, phát triển năng lượng mới, tạo thêm nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân của Việt Nam trong chuyển đổi xanh…

“Để chuyển đổi xanh thành công, cần tạo cơ hội cho lao động, sinh viên các trường đại học có những kỹ năng cần thiết để làm việc trên thị trường lao động, đào tạo để họ sử dụng công nghệ mới thông qua việc giáo dục cung cấp kiến thức cho họ…”, bà Dorsati hiến kế.

Đồng thời, cần tạo ra động lực khuyến khích cho các doanh nghiệp, người dân, như: giảm thuế để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm xanh; trợ cấp hoàn thuế khi các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghiệp xanh…/.