Theo Tổng cục Thống kê, tháng 12/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng là do một số địa phương tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí, giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá điện sinh hoạt tăng.

Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,36% so với cùng kỳ năm trước.

CPI năm 2023 tăng 3,25%, tạo tiền đề thực hiện mục tiêu lạm phát năm 2024
Năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94%. Đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 vừa được thông qua trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Quốc hội yêu cầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, CPI bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4%-4,5%.

Với diễn biến lạm phát từ đầu năm 2023 đến nay và dự báo về các biến động kinh tế thế giới, nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ kiểm soát lạm phát năm 2024 ở nước ta không quá nặng nề, song không thể chủ quan./.