Ngày 4/5/2024, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4/2024, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Áp lực lạm phát cũng đang gia tăng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế – xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Ảnh: VGP

Chúng ta đã đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển

Cụ thể, theo Bộ trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 4,4% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 3,93%.

Cùng với đó, tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Các chỉ số khác cũng đã được Bộ trưởng nhấn mạnh. Đó là kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 5% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao.

“Các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất – kinh doanh, sinh hoạt của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cũng đã nhắc đến con số gần 9,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mà Việt Nam đã thu hút được trong 4 tháng qua. Trong số này, vốn đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. “Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Một chỉ số tích cực khác, đó là giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 115.600 tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, chúng ta đã đưa được một lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hoạt động sản xuất – kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong đó, sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Tư tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%).

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 9% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,5%; khách quốc tế 4 tháng đạt gần 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 – năm trước dịch Covid-19.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp cũng có dấu hiệu tích cực hơn. Cụ thể, trong tháng 4/2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15.300 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13.600 doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25.500 doanh nghiệp, giảm 5,3%.

Áp lực lạm phát từ phía cầu là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế trong những tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế – xã hội Việt Nam.

Trong đó, Bộ trưởng điều đáng quan tâm nhất là nền kinh tế đang đứng trước nhiều áp lực, thách thức lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, rất đáng khích lệ trong 4 tháng, nhưng dự báo sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động của tình hình của thế giới, khu vực”, Bộ trưởng nói.

Trong khi đó, áp lực lạm phát cũng đang gia tăng. Sau 4 tháng, CPI bình quân đã tăng 3,93% so với cùng kỳ, gần cận dưới của mục tiêu cả năm là 4-4,5% (tháng 1 tăng 3,77%; 2 tháng tăng 3,67%; 3 tháng tăng 3,77%).

Theo Bộ trưởng, áp lực lạm phát đang chịu tác động của các yếu tố bên ngoài do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không… thế giới, tác động đến giá xăng dầu, nguyên vật liệu, vận tải… trong nước. Lại cộng hưởng với các yếu tố bên trong do việc điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương…, nên áp lực lạm phát càng lớn.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

“Nhìn chung, áp lực lạm phát từ phía cầu (yếu tố tiền tệ) là không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh các áp lực này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng bày tỏ sự lo ngại khi sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp cũng còn phục hồi còn chậm. Cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019.

“Áp lực cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Các điểm đáng lưu ý khác của nền kinh tế cũng đã được Bộ trưởng nhấn mạnh, bao gồm thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, cần quan tâm xử lý; tăng trưởng tín dụng chưa cao, tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng rất chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro; tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng, đến cuối tháng Hai là 4,92% (tháng 1/2024 là 4,79%); thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn; quản lý thị trường vàng còn bất cập…

Trước các thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, định hướng phát triển đã đề ra; làm tốt công tác dự báo; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm tiến độ công việc được giao./.