Bộc lộ nhiều tồn tại

“Thực tiễn chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế dự phòng vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị và nguồn lực triển khai nhiệm vụ. Chỉ xét riêng cho năng lực phòng, chống bệnh lây nhiễm trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, số trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 rất hạn chế. Đến nay, phần lớn các trung tâm y tế tuyến huyện vẫn chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử, nên việc xét nghiệm đều dồn về tỉnh và thành phố, dẫn đến chậm trễ xác định ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, đề nghị Quốc hội và Chính phủ dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng với phương châm phòng bệnh hơn, chữa bệnh…”, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề xuất, khi Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 “làm lộ” nhiều hạn chế của hệ thống y tế
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị Quốc hội và Chính phủ dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng. Ảnh: QH

Cùng góc nhìn trên, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), cho rằng, hệ thống y tế còn bộc lộ những yếu kém, nhất là y tế tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch bệnh xảy ra. Số lượng bác sĩ vẫn còn thấp, nhân lực y tế tại chỗ chưa đáp ứng được thực tiễn. Để khắc phục bất cập này, cần có chính sách quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở; tiến hành rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch…

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) đặt vấn đề, hạn chế của y tế cơ sở không phải chỉ có vấn đề về tài chính, mà đây còn là nguồn nhân lực. Làm sao để thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ năng lực, hiểu biết đủ để hoạt động hiệu quả, đảm bảo chất lượng…

Giải trình ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng, chống dịch như: công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân; hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.

“Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng được năng lực phòng chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch trong thời gian qua. Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở…”, ông Long cho hay.

Cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, cùng với kiến nghị đẩy nhnah tiến độ tiêm vaccine, nhiều ĐBQH đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước…

“Cần tiếp tục đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đến nay, cả nước đã tiêm được gần 90 triệu liều, nhưng số lượng tiêm đủ 2 liều vẫn còn xa so với mục tiêu đề ra. Cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine, nhất là ở các địa phương đang bùng dịch mạnh. Cần dự liệu phương án tiêm vaccine mũi thứ ba và xúc tiến thuốc chữa Covid cho nhân dân…”, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất.

Một giải pháp quan trọng nữa, mà ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đề nghị là Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung, qua đó tự chủ vaccine đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người dân.

Đại dịch Covid-19 “làm lộ” nhiều hạn chế của hệ thống y tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc nghiên cứu chuyển giao sản xuất vaccine trong nước đang được thúc đẩy với 2 vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3… Ảnh: QH

Giải trình ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều vaccine; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước vào cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí. Chiến dịch tiêm chủng vaccine đang được triển khai thành công. Tính đến ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều, với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi. Số lượng vaccine hiện đã đảm bảo đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

“Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất. Chúng ta đang thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao sản xuất vaccine trong nước với hai vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 3, một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn 2, cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới, để từng bước chủ động nguồn vaccine trong nước…”, ông Long giải trình.

Cũng theo ông Long, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành một số nghị quyết và quyết định để tổ chức thực hiện. Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ, các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng vẫn đảm bảo được phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới./.