Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đâu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, về bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020, Ngân sách nhà nước đã bố trí cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội là 2.163 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, căn cứ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội 1.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay nhà ở xã hội.

Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải kèm quy hoạch khu nhà ở, công trình cho người lao động
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đâu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội nghị

Về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2002/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Đối với quy định tại Tiết c, Điểm 2, Mục II của Nghị quyết số 11/NQ-CP về việc “Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 49/2011/NĐ-CP, ngày 01/4/2021 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng”, số vốn này được giao từ nguồn phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ bảo lãnh.

Đối với số vốn 40.000 tỷ đồng quy định tại Tiết c, Điểm 2, Mục II về việc “Hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm (2022-2023) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin, cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Quốc hội phê duyệt.

Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thời gian qua, việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được yêu cầu, có một số nhóm bất cập, như:

Về quy hoạch, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn đã quy định cụ thể là phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay từ giai đoạn lập, phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Tuy nhiên, thực tế vừa qua, công tác quy hoạch cho quỹ đất, đặc biệt nhà ở xã hội, ở các địa phương chưa thực sự được quan tâm, từ việc bố trí quỹ đất, cũng như chưa gắn được trách nhiệm của nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp với phát triển nhà ở cho người lao động. Liên quan đến việc bố trí sử dụng đất, theo quy định tại Nghị định 100, việc thực hiện quy định dành 20% tổng quỹ đất của các dự án nhà ở thương mại, đô thị đã đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Trên thực tế, có bất cập là nhiều nhà đầu tư triển khai các dự án có quy mô dưới 10 ha, nhiều địa phương thực hiện theo hình thức xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung thay vì thực hiện theo quy định…

“Chính sách phát triển nhà ở xã hội theo quy định phải hướng đến tạo lập nhà ở cho các đối tượng có khả năng tài chính phù hợp. Tuy nhiên, việc dành quỹ đất phát triển nhà ở trong các dự án đô thị, thương mại còn gặp nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.

Về khung pháp lý, cho đến nay, chính sách nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp chưa có chính sách riêng, hiện nay đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội nên có những bất cập nhất định.

Về chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, còn những bất cập, như: lợi nhuận trong các dự án thấp, ưu đãi cho các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, thì thực chất nhà đầu tư không được hưởng do các ưu đãi không được tính vào giá thành vì thế, chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp. Hiện nay, không có nhiều quỹ đất sạch, đặc biệt các dự án xa trung tâm, không hấp dẫn các nhà đầu tư…

Để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở cho người lao động, nhà ở xã hội, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, thời gian tới cần giải quyết được các nhóm vấn đề sau:

Một là, về vấn đề quy hoạch, cần rà soát, bổ sung các quy định trong Luật Quy hoạch, Luật Đô thị, Luật Xây dựng để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị. Đối với nhà ở cho công nhân, hiện nay đã có quy định rồi nhưng vẫn thấy một số địa phương kiến nghị điều này.

“Để bảo đảm đồng bộ pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, đề nghị sửa Điều 149 Luật Đất đai theo hướng khi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp thì, phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở, công trình cho người lao động trong khu công nghiệp”, Thứ trưởng kiến nghị.

Hai là, về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, cần rà soát, đánh giá, tổng kết việc thực hiện quy định dành 20% quỹ đất nhà ở trong khu thương mại, đô thị cho các địa phương để có điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để điều chỉnh lại tỉ lệ nhà ở xã hội trong các khu đô thị, khu thương mại.

“Trước mắt, cần rà soát ngay những dự án nào buộc phải thực hiện quy định dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm, cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi, tạo quỹ đất, chuyển cho các nhà đầu tư khác thực hiện”, Thứ trưởng đề xuất.

Ba là, về trình tự thủ tục. Hiện nay, đang có sự vênh về pháp luật nhà ở và pháp luật về đất đai. Pháp luật về nhà ở quy định nhà ở xã hội được bán đấu giá, đấu thầu đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất. Tuy nhiên, theo Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về thi hành một số điều của Luật Đất đai, đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư đặc biệt được miễn tiền thuê đất thì không thực hiện đấu giá, đấu thầu. Do đó, thời gian tới, cần sửa đổi các quy dịnh này lại để bảo đảm đồng bộ./.