Ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian gần đây và sức chống chịu của DN trước những ảnh hưởng của Covid-19?

Phát triển bền vững (PTBV) trước đây còn là một khái niệm mới và mơ hồ đối với cộng đồng doanh nghiệp. Sau 10 năm Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) chính thức đi vào hoạt động với những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới triển khai mục tiêu PTBV tại Việt Nam, bằng những nỗ lực bền bỉ để nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, đến nay, doanh nghiệp không những chỉ ý thức về khái niệm phát triển bền vững, mà họ còn thấm thía tầm quan trọng cũng như sự “sống còn” của việc thực hiện phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khi phải đối mặt với cú “sốc” đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ sớm phục hồi, thích ứng và phát triển mạnh mẽ
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBCSD

Đại dịch COVID-19 giống như một phép thử khắc nghiệt cho “sức khỏe”, cho “bản lĩnh” của doanh nghiệp. Khi nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh đột ngột, thị trường xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thị trường và chuỗi cung ứng lao động bị đứt gãy, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh và đưa ra các phương án, chiến lược kinh doanh, quản trị phù hợp, gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trong trung và dài hạn. Những doanh nghiệp không kịp thích ứng với những thách thức này thì ngay lập tức sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình trệ, doanh thu sụt giảm và đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể.

Trong 11 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ước tính là hơn 100 nghìn doanh nghiệp, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có sự cam kết mạnh mẽ, bền bỉ, kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững trong nhiều năm qua đã tự tạo ra được “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, thậm chí bứt tốc phát triển, đồng thời còn có đóng góp lớn về cả tài lực và vật lực cho Nhà nước, cho xã hội trong việc chung tay phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh.

Khảo sát của VBCSD thực hiện vào tháng 9/2021 về thực trạng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cho thấy có tới 81% doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng ngay cả khi xảy ra những cuộc “khủng hoảng” tương tự như COVID-19 trong tương lai. Ngoài ra, các doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, áp dụng triệt để chuyển đổi số, kinh tế số… nhằm thay đổi phương thức kinh doanh, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Có thể khẳng định rằng, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững như là liều vắc-xin hiệu quả của doanh nghiệp trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Nhìn từ khái niệm “kinh tế tuần hoàn” và kiên trì thúc đẩy, định hướng cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông có thể cho biết việc áp dụng các mô hình này trong thực tiễn có tầm quan trọng như thế nào?

Thực ra, khái niệm liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Việt Nam từ cách đây 20 năm với những định danh khác. Đó là mô hình VAT (Vườn – Ao – Chuồng), một mô hình mà đất nước nông nghiệp chúng ta thời kỳ đó đã áp dụng khá thành công. Ngoài ra, các khái niệm “khu công nghiệp sinh thái – ecological industrial zone”, “sản xuất sạch hơn – cleaner production”, “không phát thải – zero emission”, tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất – một phần của kinh tế tuần hoàn – cũng được đề cập nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, có thể coi đó là những khái niệm còn “rời rạc”, “xen kẽ” và thiếu tính hệ thống. Kinh tế tuần hoàn đem đến một góc nhìn với tư duy hệ thống mới về việc sử dụng các nguồn nguyên vật liệu theo chiều hướng hiệu quả, tiết kiệm hơn, vòng đời dài hơn, đạt giá trị cao hơn so với cách thức truyền thống hiện tại.

Theo nghiên cứu năm 2019 của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD), việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tạo ra ít nhất 7.7 nghìn tỷ đô la cơ hội thị trường vào năm 2030 cho doanh nghiệp và hơn 380 triệu cơ hội việc làm mới, đồng thời duy trì đà tăng trưởng bền vững của kinh tế toàn cầu.

Hiện nay đã và đang có những hoạt động gì được triển khai để thúc đẩy việc áp dụng các mô hình này ở Việt Nam, thưa ông?

Xây dựng kinh tế tuần hoàn cũng đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và được đưa vào bộ luật môi trường năm 2020. Đây là nỗ lực thực hiện xây dựng hành lang pháp lý, khung thể chế để thúc đẩy áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn đã được VBCSD/VCCI đưa vào các chương trình hoạt động từ năm 2016 trong nỗ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng một nền kinh tế phi phát thải. Năm 2020, VBCSD/VCCI đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng DN triển khai Mô hình kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với đó, VBCSD/VCCI cũng đang tích cực phối hợp với các hội viên, các đối tác trong nước, quốc tế thực hiện các dự án, sáng kiến như: Sáng kiến “không xả thải vào thiên nhiên” nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững theo định hướng kinh tế tuần hoàn; sáng kiến “xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp”; triển khai các nghiên cứu về sự sẵn sàng tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành giấy và nhựa; tập huấn cho doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông về mô hình kinh tế tuần hoàn;…

Vừa qua, tháng 10 năm 2021, VBCSD đã công bố báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng thực hiện kinh tế tuần hoàn của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm và đồ uống không cồn. Nghiên cứu được thực hiện trên 100 doanh nghiệp vừa và lớn thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến nguyên liệu và sản phẩm của 9 nhóm sản phẩm thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn dựa trên phương pháp Circulytics của Ellen MacArthur Foundation. Kết quả nghiên cứu cho thấy 90% doanh nghiệp được khảo sát đã có các hoạt động chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn ở các mức độ khác nhau, tập trung ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu, cơ sở hạ tầng, sử dụng bao bì.

Doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ sớm phục hồi, thích ứng và phát triển mạnh mẽ
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị có độ bền, sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và kinh doanh, ông đánh giá như thế nào về chất lượng các doanh nghiệp PTBV năm nay?

Đại dịch Covid giống như một “phép thử” cho sức khỏe cũng như mức độ bền vững của doanh nghiệp. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid, các doanh nghiệp nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam nhiều năm liền vẫn đưa ra những thống kê rất khả quan về hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời còn đóng góp tích cực cả về tài lực và vật lực cho Nhà nước, cho xã hội trong việc chung tay phòng chống dịch. Có thể thấy, việc trải qua nhiều làn sóng covid từ cuối năm 2019 đến nay đồng thời thực hiện theo những tiêu chí phát triển bền vững, doanh nghiệp đã có những kháng thể mạnh mẽ nhất định để tiếp tục duy trì và bứt tốc trong thời gian tới.

Qua 5 năm tổ chức, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, chưa bao giờ doanh nghiệp quan tâm tới phát triển bền vững như hiện nay, chưa bao giờ doanh nghiệp có chương trình nghị sự rõ ràng về phát triển bền vững như bây giờ và cũng chưa bao giờ những nội hàm phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, quản trị doanh nghiệp bền vững được quan tâm chú trọng như thời điểm này.

Ông có thể chia sẻ cụ thể việc áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp đã có tác dụng như thế nào đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tái phục hồi khi dịch được kiểm soát?

Bộ chỉ số CSI là một bộ công cụ hướng dẫn doanh nghiệp quản trị doanh nghiệp hiệu quả, phát triển bền vững cũng như quản trị tốt nhất các rủi ro trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh, điều này đã được chứng minh trong báo cáo nghiên cứu tác động của bộ chỉ số với các doanh nghiệp được VBCSD-VCCI thực hiện và công bố đầu năm 2020. Và một lần nữa hiệu quả của áp dụng bộ chỉ số CSI lại được thực tế chứng minh trong bối cảnh đại dịch hiện nay, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị có độ bền, sức chống chịu tốt hơn trong đại dịch do đã thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro trong thực tiễn kinh doanh.

Thứ hai, bộ chỉ số CSI hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phát triển kinh tế dựa trên việc quản trị các vấn đề xã hội cũng như môi trường. Chính điều này đã hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch như hiện nay quản trị tốt các vấn đề về nguồn nhân lực trong sản xuất.

Thứ ba, bộ chỉ số cũng cung cấp các giải pháp quản trị chuỗi cung ứng, giúp ích không nhỏ cho doanh nghiệp duy trì chuỗi cung ứng trong bối cảnh rất nhiều ngành nghề đang gặp khó trong vấn đề duy trì nguồn nguyên liệu, sản phẩm đầu vào cũng như đầu ra.

Bên cạnh đó, chứng nhận doanh nghiệp PTBV đã tạo ra một tấm giấy thông hành cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh hiện tại. Do đó, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sự phục hồi của các doanh nghiệp đã và đang áp dụng bộ chỉ số CSI trong quản trị sẽ tốt hơn khi đại dịch được kiểm soát. Đó cũng là cách để doanh nghiệp hồi phục và phát triển khi bảo toàn được chuỗi sản xuất, kinh doanh.

Năm nay, chương trình có những điểm mới gì, thưa ông?

Điểm đặc biệt của Chương trình năm nay là chúng tôi vinh danh những doanh nghiệp có những thành tích tốt trong việc tôn trọng và thúc đẩy quyền trẻ em trong kinh doanh và cam kết về bình đẳng giới tại nơi làm việc. Đây đều là những nội dung mà cộng đồng doanh nghiệp thế giới rất quan tâm, thể hiện cho tầm nhìn “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong văn hóa doanh nghiệp kinh doanh bền vững và sứ mệnh thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.

Dấu ấn quan trọng nhất của Bộ chỉ số CSI phiên bản thứ 6 chính là ở sự phân cấp các chỉ số ra thành 3 cấp độ dành cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau. Chỉ số ký hiệu M dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ số ký hiệu C (chỉ số cơ bản) dành cho doanh nghiệp vừa và lớn, và Chỉ số ký hiệu A (chỉ số nâng cao) thể hiện việc doanh nghiệp ngoài việc tuân thủ pháp luật thì còn xây dựng được một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh đảm bảo các lợi ích kinh doanh bền vững cho đối tác và các bên liên quan khác.

Thông qua việc phân cấp này, một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh và truyền tải đi thông điệp “phát triển bền vững không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật và hành xử văn minh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp dù ở bất kỳ quy mô, lĩnh vực hoạt động nào.

Giờ đây, thay vì mất nhiều công sức tự mày mò nghiên cứu “ma trận” thông tin, doanh nghiệp có thể hình dung ra lộ trình thực hiện phát triển bền vững theo quy mô từ nhỏ đến lớn, từ đó tự xây dựng được chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp với năng lực hiện tại và định hướng tương lai. Điều này giúp doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và nguồn lực trong quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững./.