Tác động từ chính sách chống bán phá giá và trợ cấp với đường nhập khẩu

Báo cáo “Cập nhật ngành đường, kỳ vọng tăng trưởng dài hạn” của SSI cho biết, việc thực hiện thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp (AD&AS) đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đã bắt đầu cho thấy một số kết quả đối với ngành đường trong nước. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và QNS, giá đường trắng trong nước đã tăng 41% so với đầu năm, cùng với việc đường nhập khẩu giảm 40% so với cùng kỳ trong quý II.

Dự báo giá đường tăng cho tới năm 2022, cơ hội với cổ phiếu ngành đường
Nguồn: SSI Research
Dự báo giá đường tăng cho tới năm 2022, cơ hội với cổ phiếu ngành đường
Nguồn: SSI Research

Ngành mía đường Việt Nam đã trải qua nhiều năm thua lỗ sâu do cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Trong niên vụ 2020-2021, sản lượng sản xuất trong nước giảm xuống mức thấp kỷ lục là 612 nghìn tấn (-15% so với cùng kỳ), chỉ đáp ứng 30% nhu cầu trong nước và đạt 50% công suất sản xuất chỉ với 29 nhà máy còn hoạt động. Với cùng mức thuế suất 47,6% đối với đường tinh luyện và đường thô, các nhà máy nhỏ nhập khẩu đường thô và tinh luyện sẽ không có lợi nhuận. Do đó, việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với tăng trưởng của ngành mía đường trong những năm tới.

Kể từ khi áp thuế, sản lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất là 15 nghìn tấn trong tháng 6 so với mức cao nhất là 183 nghìn tấn trong tháng 4/2020. Đường nhập lậu đã được kiểm soát chặt chẽ do Việt Nam đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, đường Thái Lan đã lách thuế bằng cách ‘quá cảnh’ ở các nước ASEAN khác trước khi đến Việt Nam. VSSA đã nộp hồ sơ đề nghị điều tra lẩn tránh thuế AD&AS đối với đường Thái Lan lên Cục phòng vệ thương mại; kết quả điều ra có thể là một yếu tố hỗ trợ ngành.

Việc mở rộng diện tích trồng mía là rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành mía đường trong nước trong những năm tới, do mức thuế nhập khẩu đường thô cao không khuyến khích các nhà máy sản xuất trong nước nhập khẩu đường thô để tinh luyện. VSSA dự kiến tăng trưởng tổng diện tích trồng mía khoảng 10% -20% so với cùng kỳ trong niên vụ 2021-2022, từ mức 127 nghìn ha trong niên vụ trước.

Giá đường có thể tăng đến năm 2022

Theo Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), thâm hụt đường toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên trong niên vụ 2021-2022, đạt 3,8 triệu tấn so với mức thiếu hụt 3 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021. Sự thiếu hụt này là do sản lượng sản xuất ở Brazil giảm -5% (Brazil là nước sản xuất đường hàng đầu trên toàn cầu, chiếm 23% tổng sản lượng sản xuất trong niên vụ 2020-2021) do thời tiết khô hạn. Sản lượng dự trữ trên toàn cầu đã giảm từ mức đỉnh trong niên vụ 2018-2019 (53,1 triệu tấn) xuống còn 45,8 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021 và có thể giảm tiếp về mức tương đương niên vụ 2016-2017, theo ước tính thiếu hụt trong niên vụ tới.

Giá đường có thể được hỗ trợ bởi giá ethanol tăng, điều này khuyến khích các nhà máy sản xuất đường quốc tế chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, dẫn đến lượng đường tồn kho toàn cầu giảm. Theo BusinessInsider, giá ethanol đã tăng 55% so với đầu năm.

Trong khu vực, Thái Lan dự kiến sẽ thu hoạch 80-90 triệu tấn mía trong niên vụ 2021-2022, theo Thai Sugar Millers Corporation (TSMC). Mức này tương đương với mức tăng trưởng khoảng 21% -36% so với cùng kỳ và là mức sản lượng khá thấp so với giai đoạn 2017-2019. Thâm hụt đường toàn cầu, nhu cầu dự kiến phục hồi sau đại dịch được cho là sẽ hỗ trợ cho giá đường thế giới. Giá đường thô thế giới gần đây đã tăng mạnh về mức của niên vụ 2016-2017 (khoảng 20 cents/lbs) khi dự báo tồn kho cuối vụ 2021-2022 sẽ quay về mức tương đương cuối vụ 2016-2017.

Tại Việt Nam, giá đường trong nước đã tiệm cận với giá đường khu vực, vượt giá đường Thái Lan 10%, nhưng vẫn thấp hơn các nước khác khoảng 7% -19%. Vào cuối năm 2020, giá đường của Việt Nam thấp hơn giá đường khu vực khoảng 27% -39%. Trong khi tác động của thuế suất đã được phản ánh một phần vào giá đường trong nước, các cuộc điều tra về việc lẩn tránh thuế và thâm hụt toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy giá đường tăng nhanh cho đến năm 2022.

Cơ hội với cổ phiếu ngành đường

Dự báo giá đường tăng cho tới năm 2022, cơ hội với cổ phiếu ngành đường
Nguồn: SSI Research

SSI cho biết, định giá doanh nghiệp ngành mía đường trong 5 năm qua ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan, điều này không khuyến khích nông dân trồng mía, khiến công suất hoạt động của các nhà máy đường xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, định giá đã có dấu hiệu phục hồi do thuế AD&AS mang lại hy vọng tăng trưởng trong dài hạn. “Chúng tôi tin rằng việc định giá lại đã và đang diễn ra và các nhà sản xuất đường có thể tận hưởng tăng trưởng trong dài hạn, khi nông dân được khích lệ trồng mía trở lại”, báo cáo của SSI nhận định.

Cụ thể hơn, với Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT: HOSE), thuế AD&AS có thể tác động trái chiều, nhưng với việc áp dụng thuế AD&AS, SSI kỳ vọng SBT có thể chuyển dần sang nguồn nguyên liệu trong nước để phục vụ nhu cầu sản xuất. SSI ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của SBT lần lượt là 19,8 nghìn tỷ đồng (+33% so với cùng kỳ) và 825 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ). Theo đó, về giá cổ phiếu, SSI đưa ra giá mục tiêu cho SBT là 24.300 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 14,1%; khuyến nghị khả quan với mã này.

Với Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, SSI cho rằng, doanh nghiệp có vị thế tốt để đạt được tăng trưởng dài hạn. QNS vừa công bố kết quả kinh doanh lũy kế 8 tháng năm 2021 khả quan, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 5.100 tỷ đồng (+14% so với cùng kỳ) và 860 tỷ đồng (+20% so với cùng kỳ), lần lượt đạt 64% và 78% chỉ tiêu kế hoạch năm. Cho niên vụ 2022-2023, QNS kỳ vọng diện tích trồng mía tiếp tục tăng 40%.

Cổ phiếu QNS đang giao dịch với hệ số P/E 2021-2022 lần lượt là 11,4x và 9,1x. Áp dụng P/E mục tiêu là 9x cho mảng đường và 12x cho các mảng khác và chuyển sang sử dụng EPS dự kiến năm 2022 để định giá, SSI đưa ra giá mục tiêu cho QNS là 60.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 22,3%, tổng mức sinh lời là 27,4%) và lặp lại khuyến nghị mua đối với QNS.

Với Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (HOSE: mã SLS), đây là công ty sản xuất đường có tỷ suất lợi nhuận cao nhất, với tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 25% trong năm tài chính 2021 (kết thúc năm vào ngày 30/6/2021) – kết quả mà các công ty sản xuất đường khác không thể đạt được. SLS có quy mô sản xuất nhỏ nhưng hiệu quả hoạt động cao. SLS không có nhà máy điện sinh khối. Đường và các sản phẩm liên quan đến đường chiếm 99% doanh thu của SLS trong năm 2021. SLS được hưởng lợi từ sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng. Mặc dù thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố, SLS kỳ vọng sản lượng mía sẽ tăng trưởng trong niên vụ tới, mức tăng trưởng trong khoảng ước tính của VSSA cho cả nước là 10-20%. Giá đường đã tăng lên 41% so với đầu năm và hiện cao hơn 43% so với giá bán trung bình so với năm tài chính 2021.

Sổ phiếu SLS đang giao dịch với hệ số P/E năm 2022 là 6x, theo quan điểm của SSI là hấp dẫn. SSI đưa ra giá mục tiêu cho SLS là 213 nghìn đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá là 34,4% (tổng mức sinh lời 36,3%).

Với Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS: HNX), LSS đã và đang đầu tư mạnh vào nhiều hoạt động kinh doanh mới bên cạnh hoạt động kinh doanh mía đường cốt lõi, như du lịch sinh thái, sữa gạo lứt, nước mía dinh dưỡng, nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi việc giải ngân vốn đầu tư gần như đã hoàn tất, dịch Covid-19 đã kìm hãm các hoạt động kinh doanh mới này tại LSS. Với mảng đường, LSS có hoạt động thương mại đường trong năm tài chính 2021, nhưng dự kiến sẽ bị hạn chế trong năm tài chính 2022 do thuế AD&AS mới được áp dụng. Trong năm tài chính 2021, LSS đã bán 110 nghìn tấn đường, nhưng SSI ước tính chỉ có 40 nghìn tấn được sản xuất từ nguồn nguyên liệu mía trong nước. SSI lo ngại rằng, LSS có thể ghi nhận doanh thu thuần giảm trong năm tài chính 2022 do không có đường nhập khẩu, mặc dù LSS cũng dự kiến sản lượng mía thu hoạch tăng 10-20%. SSI không đưa ra khuyến nghị với mã LSS./.