Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ còn hạn chế

“Cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ (KH&CN) tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động KH&CN, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia…”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết như vậy tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2021, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2022, theo Văn phòng Quốc hội.

Đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất gặp khó
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, làn sóng dịch Covid-19 đã khiến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bị ảnh hưởng. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, trong năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 đã khiến hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST bị ảnh hưởng, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp…

Trình bày ý kiến thẩm tra nội dung báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, công tác lập và thực hiện kế hoạch KH&CN được đổi mới; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và ĐMST, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp; hành lang pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo đã và đang dần được hoàn thiện, lấy doanh nghiệp làm trung tâm…

Đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất gặp khó
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn, việc định giá, chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN còn hạn chế. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết và phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động ĐMST và chuyển giao công nghệ; cơ chế, chính sách hướng dẫn về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp mới chủ yếu tập trung hướng dẫn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, mà chưa ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể cho hoạt động đổi mới công nghệ và ĐMST của doanh nghiệp theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các giao dịch thương mại hóa sản phẩm KH&CN trên thị trường từ các đơn vị nghiên cứu trong nước còn rất ít; mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, hệ thống tổ chức trung gian còn yếu và chưa khẳng định được vai trò kết nối; hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến, do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành. Các quy định về tài chính thuê chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm…

Gắn KH&CN với phát triển kinh tế, xã hội

Để thực hiện hiệu quả các hoạt động KH&CN năm 2022, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách trong lĩnh vực khoa học công nghệ và ĐMST gửi Bộ KH&CN tổng hợp, trình Chính phủ để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế hình thành và gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, dự án trọng điểm của đất nước. Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KH&CN theo hướng gắn kết chặt về trách nhiệm và quyền lợi của nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Bộ KH&CN cần nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ…

Đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất gặp khó
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đầu tư cho KH&CN là phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ảnh: Quốc hội

Các ý kiến còn kiến nghị Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; xử lý tài sản hình thành từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN…

“Chúng ta phải xác định đầu tư cho KH&CN là phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Việc hoàn thiện thể chế phải trên cơ sở định hướng thảo gỡ những vấn đề gây cản trở, hạn chế; tạo ra sự chủ động cho KH&CN phát triển nhưng cũng phải làm sao để nhà nước có thể quản lý được…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải gợi mở./.