Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Quốc tế, các tổ chức hòa giải thương mại trên cả nước, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, luật sư, trọng tài viên, hòa giải viên, giảng viên.

Phát biểu khai mạc tại chương trình, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC, Đại biểu quốc hội, nhận định rằng, hòa giải thương mại hiện nay đã rất phổ biến, đặc biệt tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển và được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ưa chuộng bởi những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, nó bảo đảm được quyền tự quyết của các bên, mang tính chất tự nguyện và thân thiện, không có người thắng kẻ thua mà hai bên cùng thắng. Hoà giải vừa giải quyết được công việc một cách êm đẹp, lại vừa duy trì được quan hệ đối tác bền vững và chung thuỷ.

Hòa giải thương mại, phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả trong bối cảnh hội nhập
Hội thảo “Hòa giải thương mại – phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả: hướng tới hội nhập quốc tế”

“Hòa giải giúp các bên giải quyết được tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí. Trong chặng đường kinh doanh gập ghềnh, việc nảy sinh tranh chấp là điều không thể tránh khỏi, điều quý giá nhất là mối quan hệ giữa những đối tác, khách hàng. Việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải vừa giúp lưu giữ mối quan hệ êm đẹp, vừa nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí”, ông Lộc chia sẻ.

Theo Chủ tịch VIAC, khung khổ pháp lý cho hòa giải hiện đã khá phát triển trên thế giới. Theo đó, Luật mẫu về Hoà giải thương mại và kết quả hòa giải do Ủy Ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (2018) ban hành, Công ước Singapore năm 2019 về công nhận kết quả hoà giải. Luật pháp của các quốc gia cũng có nhiều chế định về vấn đề này. Ở nước ta, vào năm 2015, Quốc hội đã ban hành bộ Luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS), trong đó, dành một chương để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án. Theo đó, tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải.

Vào năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/NĐ-CP về hòa giải thương mại. Đây là hành lang pháp lý quan trọng bước đầu góp phần thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở nước ta, được cộng đồng doanh nghiệp vui mừng đón nhận và cũng mở đường cho việc hình thành các tổ chức hòa giải ở Việt Nam. Nghị định này cũng mở ra cơ hội nghề nghiệp cho các chuyên gia theo đuổi nghề hòa giải để đóng góp vào sự phát triển của kinh tế-xã hội.

Nghị định số 22/NĐ-CP về hòa giải thương mại ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hòa giải thương mại ngoài tòa án phát triển, mở đường cho các trung trâm hòa giải ra đời. Theo thống kê của VIAC, hiện ở nước ta đã có 17 trung tâm hòa giải thương mại được Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập, 8 trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại và hơn 100 hòa giải viên thương mại vụ việc đã đăng ký tại Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố. Trong đó, Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC là trung tâm hòa giải đầu tiên được thành lập.

Hòa giải thương mại, phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả trong bối cảnh hội nhập
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC phát biểu tại Hội thảo

Kể từ năm 2018, VMC đã tiên phong trong việc quảng bá, thúc đẩy phương thức hòa giải thương mại ở nước ta. VMC đã tiếp nhận và giải quyết được một số vụ tranh chấp theo thủ tục hòa giải thông thường và thủ tục hòa giải kết hợp trọng tài. Thực tiễn ở VMC cho thấy, việc kết hợp hòa giải với trọng tài là một quy trình ưu việt được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hiện nay, VMC có đội ngũ 58 hòa giải viên, trong đó có 13 hòa giải viên là người nước ngoài. Họ là những chuyên gia có uy tín trong nhiều lĩnh vực ở trong nước và quốc tế.

Ông Lộc cũng chia sẻ thêm, việc gia nhập Công ước Singapore về hòa giải sẽ mạng lại những tác động tích cực và vị thế lớn cho hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam, đồng thời sẽ có những khó khăn, thách thức nhất định nếu Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này.

Tại phiên thảo luận với chủ đề về “Bức tranh hòa giải thương mại tại Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn”, Luật sư Nguyễn Trung Nam, Luật sư sáng lập Công ty Luật EPLegal, Trọng tài viên VIAC, Phó Giám đốc VMC đã chia sẻ về thực tiễn từ các vụ hòa giải tại VMC. Theo đó, trong 5 năm hoạt động kể từ khi thành lập năm 2018, VMC đã tiếp nhận 36 vụ tranh chấp với trị giá tranh chấp lên đến 1.500 tỷ đồng trên rất nhiều lĩnh vực đa dạng như: xây dựng, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, sở hữu trí tuệ, bất động sản…. Các tranh chấp xây dựng chiếm trị giá lớn nhất. Đáng chú ý, tỷ lệ các bên hòa giải thành với sự trợ giúp của hòa giải và tự nguyện thi hành là 91%, một tỷ lệ rất lạc quan đối với các doanh nghiệp.

Chia sẻ về hoạt động đào tạo nhân lực hòa giải viên cho hoạt động hòa giải thương mại hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Tổng thư ký, Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) cho biết, hoạt động đào tạo hòa giải thương mại đã có nhiều thuận lợi nhờ sự chủ động của một số trung tâm hòa giải trong tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo về hòa giải thương mại. Các giảng viên của chương trình đào tạo, bồi dưỡng về hòa giải thương mại là các chuyên gia uy tín và được đào tạo chuyên nghiệp về hòa giải (CEDR chứng nhận). Các khóa bồi dưỡng tập trung phát triển thời lượng thực hành các tình huống thực tiễn để các học viên rèn luyện kỹ năng hòa giải. Sự quan tâm của các bạn sinh viên đến giải thương mại là khá lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: sự quan tâm, đăng ký học của học viên chưa được như kỳ vọng (về số lượng, chất lượng học viên); giảng viên đa phần là kiêm nhiệm, là hòa giải viên, là luật sư…, nên thời gian dành cho việc đào tạo, sự đồng đều về kỹ năng sư phạm… cần được cải tiến. Bên cạnh đó, các vụ việc thực tế để làm tình huống có nhiều bất cập, do không dễ để xây dựng nhiều vụ việc do tính bảo mật của hòa giải. Một khó khăn nữa là chưa có giáo trình chính thức về hòa giải thương mại tại Việt Nam.

Bà Hằng đề xuất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tư pháp về xây dựng giáo trình, mời chuyên gia nước ngoài để nâng cao năng lực cho các hòa giải viên của trung tâm hoà giải, cũng như chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học.

“Các trung tâm hòa giải như VICMC, VMC cần tiếp tục phát huy triển khai các khoá đào tạo, bồi dưỡng về hòa giải thương mại cho hòa giải viên và các đối tượng quan tâm. Các trung tâm hòa giải cần nghiên cứu quy định về thời gian đào tạo tối thiểu bắt buộc (ví dụ 24h), các tiêu chí về kỹ năng để trở thành hòa giải viên, cũng như thời gian đào tạo kỹ năng thường niên. Các cơ sở giáo dục đại học nên chủ động đưa nội dung về hòa giải thương mại vào chương trình đào tạo cử nhân/thạc sỹ, để phổ biến kiến thức và nâng cao sự hiểu biết về hòa giải thương mại”, bà Hằng khuyến nghị.

Cũng tại các phiên thảo luận tiếp theo, ông Tat Lim, Luật sư điều hành Công ty Luật Aequitas, Hòa giải viên VMC đã thông tin về các tác động của việc gia nhập Công ước Singapore đối với quốc tế và dự kiến tác động đối với Việt Nam. Cùng với đó, các diễn giả tập trung thảo luận về triển vọng của hòa giải thương mại Việt Nam – Một lựa chọn, đa lợi ích. Các diễn giả tham gia phiên thảo luận đã chia sẻ ý kiến, quan điểm về phương thức hòa giải thương mại từ đa góc nhìn như đại diện cơ quan nhà nước, đại diện các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, luật sư trong nước và quốc tế…/.