Theo The Economist, việc hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam duy trì được hoạt động trong đại dịch COVID-19. Năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng trưởng 2,91% trong khi hầu hết các nước bị suy thoái sâu.

Cũng theo The Economist, bất chấp đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay, năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo có thể cao hơn. Bài báo dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 4,8% năm 2021.

Hội nhập tạo điều kiện cho Việt Nam tăng trưởng tích cực, lâu dài
Dự báo của WB về viễn cảnh kinh tế Việt Nam

The Economist khẳng định, thành tích trên chính là lý do thực sự để ấn tượng về Việt Nam. Việc mở cửa với thương mại và đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng tích cực và lâu dài.

Trong 30 năm qua, Việt Nam là một trong năm nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kỳ tích của Việt Nam không phải nhờ sự lên xuống của nhiều thị trường cận biên khác, mà nhờ sự tăng trưởng ổn định. Chính phủ Việt Nam mong muốn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cũng theo bài báo, sự kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có vẻ giống Singapore. Kể từ năm 1990, Việt Nam đã tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình 6% GDP mỗi năm, gấp hơn hai lần mức toàn cầu. “Việt Nam đã thu hút các nhà sản xuất toàn cầu với chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định. Điều đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh”, The Economist nhận định.

Trước đó, ngày ngày 24/8, WB công bố báo cáo về con đường đến tương lai của Việt Nam. Dựa trên việc phân tích các số liệu thực tế, WB nhận định, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ đầu cuộc khủng hoảng COVID-19 và gần như giữ nguyên trong nửa đầu năm 2021 so với năm 2020. Đại dịch đã thúc đẩy chuyển dịch hàng xuất khẩu từ các mặt hàng sơ cấp và thâm dụng tài nguyên sang các mặt hàng công nghệ cao. Cùng với đó, các biện pháp giãn cách xã hội và làm việc tại nhà cũng góp phần chuyển dịch nhu cầu hàng xuất khẩu từ các sản phẩm truyền thống có hàm lượng công nghệ thấp sang các sản phẩm có công nghệ tiên tiến hơn.

Nhu cầu về máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị tăng mạnh, với xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ tăng 57% trong năm 2020 và 62% (so cùng kỳ năm trước) trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu của Việt Nam.

Hội nhập tạo điều kiện cho Việt Nam tăng trưởng tích cực, lâu dài
WB khuyến nghị, nếu gói hỗ trợ năm 2021 thực hiện thành công thì Việt Nam nên cân nhắc tăng quy mô hỗ trợ

WB cũng đánh giá cao các chính sách, giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể, về chính sách thu, nhà quản lý đã công bố gói ưu đãi thuế tập trung hơn vào tháng 4/2021 để hỗ trợ doanh nghiệp. Gói hỗ trợ này tiếp tục thực hiện một chính sách đã rất thành trông trong năm 2020, đó là cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đến cuối năm dương lịch, để doanh nghiệp có thêm vốn lưu động trong thời gian khủng hoảng. Gói này ước tính trị giá 1,9% GDP, bằng một nửa quy mô gói hỗ trợ năm 2020. Chính sách hỗ trợ này từng được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh, với tổng số thuế được gia hạn đạt 87.232 tỷ đồng (3,8 tỷ USD) trong năm 2020 và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến ngân sách nhà nước vì hoãn nộp thuế chỉ là biện pháp tạm thời và cuối cùng các doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế vào cuối năm.

Cùng với đó, trong tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt gói hỗ trợ xã hội lần thứ hai cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Gói đảm bảo xã hội có tổng giá trị 26.000 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), khiêm tốn hơn so với 62.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD) dự toán cho gói hỗ trợ lần đầu ban hành vào tháng 4/2020, nhưng được điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm rút ra từ đợt hỗ trợ thứ nhất. Theo WB, gói hỗ trợ mới được hoan nghênh khi tổn thất tài chính và xã hội của đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện nay đang tăng cao.

WB khuyến nghị, nếu gói hỗ trợ năm 2021 được triển khai thực hiện thành công và hỗ trợ thêm vẫn được cho là cần thiết, thì các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng quy mô hỗ trợ. “Có một điểm cân bằng cần hướng tới, tại đó mức hỗ trợ được cung cấp đủ để đảm bảo những người dân bị ảnh hưởng không bị thiệt hại quá mức do khủng hoảng, nhưng vẫn đảm bảo người thụ hưởng có động lực quay lại làm việc khi có cơ hội phù hợp”, WB gợi mở./.