Với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2060 hoặc trước mốc này, Chính phủ Indonesia không dừng ở lời nói và thảo luận. Tổng thống Jokowi đã thực sự thúc đẩy tiến trình này bằng việc khởi tạo thị trường và cơ chế giao dịch tín chỉ carbon. Đây là bước chuyển động mạnh mẽ của Indonesia, góp phần chuẩn bị cho khu vực kinh doanh của quốc gia tiếp cận hệ thống, có thông tin và vạch ra kế hoạch từng bước gia nhập thị trường quốc tế. Những giao dịch tín chỉ đầu tiên được ghi nhận có mức giá 69.600 rupiah/đơn vị tín chỉ carbon, tức khoảng ~4,5 USD. Mỗi tín chỉ carbon được tính là một tấn CO2 tương đương (CO2e), nghĩa là CO2 hoặc các khí nhà kính khác được quy đổi mức tác động tương đương với 1 tấn CO2.

Tổng thống Jokowi phát biểu rằng, hệ thống giao dịch cũng như các lợi ích kinh tế-môi trường được ước tính quy đổi thặng dư kinh tế khoảng 194 tỷ USD. Và như thế có thể thấy, các chủ thể kinh tế sẽ nhìn vào ước lượng tổng, cũng như giá trị giao dịch để chuẩn bị đầu tư và tham gia [2].

Indonesia chuyển động mạnh mẽ về hướng trung hòa carbon
Dây chuyền đúc hiện đại công nghệ Nhật Bản trong hoạt động sản xuất thép, cơ khí luyện kim có nhiều tiềm năng giảm phát thải [3]

Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang lớn nhanh qua các năm nhờ sự tham gia của ngày càng nhiều các quốc gia, với 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ, đã áp dụng định giá carbon. Đã là thị trường thì không thể thiếu doanh nghiệp [2], nhất là khi thị trường toàn cầu đã đạt tới quy mô 95 tỷ USD vào năm 2022 [3]. Đối với thị trường giao dịch tín chỉ carbon, các công nghệ được phát triển để hạn chế khí phát thải so với công nghệ cũ, tức là “tiết kiệm” lượng phát thải, sẽ có thể có quy chế quy đổi thành tín chỉ “thặng dư” mà doanh nghiệp sở hữu hợp pháp có thể giao dịch và thu về giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, sự tham gia giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon không đồng nghĩa với việc giảm phát thải khí nhà kính, do bài toán thương mại có thể vẫn khu trú trong một khu vực nhà đầu tư chuyên biệt, và văn hóa thặng dư sinh thái (eco-surplus culture) chưa hình thành [4]. Các doanh nghiệp tham gia giao dịch là để tránh sự trừng phạt pháp luật và tổn thất kinh tế liên quan. Việc mua tín chỉ carbon giảm thiểu rủi ro luật pháp và kinh tế, còn thực tế, khí nhà kính vẫn đang tăng.

Ở Việt Nam, theo các cam kết của Chính phủ, các hộ phát thải lớn nhất như: thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ cần thực hiện công việc kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Như vậy, doanh nghiệp vừa là chủ thể phát thải, nhưng cũng đồng thời là đơn vị hợp tác với nền kinh tế trong việc giảm phát thải. Vì thế, việc hình thành văn hóa kinh doanh thặng dư sinh thái chắc chắn cần tới sự thống nhất của khu vực doanh nghiệp rộng lớn, bởi vì ngay như chính trong giao dịch tín chỉ carbon, đã có thể thấy ngay từ bây giờ – lúc mới đang chuẩn bị ở Việt Nam – vai trò chủ thể sẽ nằm ở khu vực doanh nghiệp [2,5].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Harsono, N., & Dahrul, F. (2023, Sept. 26). Indonesia Launches Carbon Credit Trading Under Net Zero Push. https://www.bloomberg.com/news/articles/2023-09-26/indonesia-s-carbon-exchange-paves-way-for-coalplants-to-trade

[2] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290

[3] Hường, T. (2023, Jul. 8). Thị trường tín chỉ carbon: Lĩnh vực kinh doanh tỷ đô. https://congthuong.vn/thi-truong-tin-chi-carbon-linh-vuc-kinh-doanh-tydo-261402.html

[4] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[5] Hường, T. (2023, Jul. 18). Thị trường tín chỉ Carbon: Doanh nghiệp đóng vai trò chủ thể. https://congthuong.vn/thi-truong-tin-chi-carbon-doanh-nghiepdong-vai-tro-chu-the-183058.html