Quốc vụ khanh Phụ trách An ninh Năng lượng và Trung hòa carbon của Vương quốc Anh, Graham Stuart đã giới thiệu về đợt hai của chương trình trong sự kiện khởi động được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/8. Tham dự sự kiện còn có đại diện các dự án đã tham gia vào Chương trình CFA đợt một và các nhà đầu tư trên toàn quốc.

Khởi động đợt hai của Chương trình thúc đẩy tài chính khí hậu Việt Nam
Ông Graham Stuart chia sẻ về giai đoạn 2 của dự án CFA Việt Nam và tầm quan trọng của các dự án carbon thấp với nền kinh tế Việt Nam

Sau thành công của chương trình CFA đợt đầu tiên, Đại sứ quán Anh đang tìm kiếm các dự án ở giai đoạn tiền khả thi có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên. Cổng thông tin nhận đề xuất hiện đã được mở để các đại diện có thể nộp đề án trực tuyến.

Chính thức được công bố tại Việt Nam vào năm 2022, CFA là chương trình hỗ trợ kỹ thuật, do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ nhằm ứng phó trực tiếp với tình trạng khẩn cấp và ảnh hưởng lan rộng của biến đổi khí hậu. Chương trình tập hợp các tổ chức tài chính có khả năng phát triển và cấp vốn cho các dự án khí hậu quy mô lớn, cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ về mô hình tài chính và chuẩn bị nội dung thuyết phục nhà đầu tư, tư vấn để tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội (GESI).

Đại sứ Anh tại Việt Nam, Iain Frew nhấn mạnh: “Việc ra mắt đợt tiếp theo của Chương trình CFA Việt Nam là minh chứng cho sự thành công và tác động tích cực của đợt một. Nhiều dự án tham gia trong đợt đầu đều đã có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng thông qua chương trình. Tôi rất vui khi thấy các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra tích cực. Chúng tôi hy vọng những tương tác này sẽ đem lại những khoản đầu tư đóng góp tích cực vào việc ứng phó với khủng hoảng khí hậu ở Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao các tổ chức tài chính đã hỗ trợ Chương trình CFA cho đến nay và rất vui khi các tổ chức này sẽ tiếp tục hợp tác với chúng tôi trong đợt 2.”.

Ông cũng cho hay, Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang một tương lai phát thải ròng bằng ‘0’, chống chịu với biến đổi khí hậu và thuận thiên. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp của Vương quốc Anh có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư tài chính xanh. Các dự án carbon thấp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát thải ròng bằng ‘0’. Vương quốc Anh tự hào được hỗ trợ Việt Nam cùng các cam kết khí hậu thông qua Chương trình CFA.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch, PwC Việt Nam cho biết: “Trong quá trình chuẩn bị cho đợt hai của CFA Việt Nam, PwC tự hào khi tiếp tục đóng vai trò là đối tác thực hiện Chương trình CFA Việt Nam, tập hợp các tổ chức tài chính và các dự án sáng tạo, thân thiện với khí hậu để hỗ trợ các tham vọng về khí hậu của Việt Nam. Sáng kiến này đã cho phép cộng đồng đầu tư trong nước và quốc tế thấy rõ các cơ hội đầu tư về dự án carbon thấp tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sáng kiến này sẽ tiếp tục thúc đẩy những thay đổi tích cực, hướng tới việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của đất nước sang nền kinh tế phát thải thấp, góp phần tạo ra một tương lai bền vững cho tất cả chúng ta”.

Chương trình Thúc đẩy Tài chính Khí hậu Việt Nam là chương trình hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh phí thực hiện là 11,8 triệu Bảng Anh, do Quỹ Tài chính Khí hậu Quốc tế (International Climate Finance – ICF) của Vương quốc Anh tài trợ thông qua Bộ An ninh Năng lượng và Trung hòa carbon (DESNZ).

Chương trình CFA được triển khai ở 9 quốc gia (Colombia, Ai Cập, Mexico, Nigeria, Pakistan, Peru, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam) với mục tiêu xây dựng danh mục các dự án carbon thấp, bền vững, có khả năng huy động vốn ở mỗi quốc gia. Chương trình CFA là một phần trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm hỗ trợ hành động vì khí hậu trên quy mô toàn cầu, tạo điều kiện tiếp cận tài chính và giúp các chính phủ đạt được các mục tiêu về khí hậu theo Thỏa thuận Paris.

Đợt một của Chương trình CFA Việt Nam đã lựa chọn ra 9 dự án carbon thấp sáng tạo, có nhu cầu huy động vốn đầu tư lên đến hơn 500 triệu Bảng Anh thuộc các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, hiệu quả sử dụng năng lượng/tài nguyên; phương tiện giao thông điện, kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải. Một hội thảo kéo dài 2 ngày vào tháng 5/2023 đã quy tụ đại diện các dự án cùng đơn vị tài chính quan tâm đến dự án (bao gồm các ngân hàng quốc tế và địa phương, tổ chức tài chính phát triển, quỹ khí hậu và quỹ đầu tư tư nhân) để thảo luận về các cơ hội tài trợ tiềm năng./.