Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, sáng nay, ngày 19/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà (Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội), Khoản 3, Điều 146 dự thảo Luật quy định: Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của Ban quản trị, thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại…

Ông Hà phân tích, quy định trên chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, vì còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Mặt khác, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Ban quản trị nhà chung cư
Theo ông Đỗ Đức Hồng Hà, Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án Luật khó, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước

Đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo Luật quy định: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Hà, quy định trên chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, không thống nhất với đoạn 2 khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 152 thành: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này.

Cũng liên quan đến Ban quản trị nhà chung cư, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung làm rõ thêm quy định có liên quan đến Ban quản trị nhà chung cư, như mô hình Ban quản trị; yêu cầu đối với thành viên Ban quản trị hoặc công nhận Ban quản trị chung cư…

Tại khoản 4, Điều 144, ông Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa cụm từ “khuyến khích” thành cụm từ “tiêu chuẩn lựa chọn” và đề xuất sửa thành tiêu chuẩn lựa chọn người tham gia Ban quản trị nhà chung cư là những người có kinh nghiệm, kiến thức về xây dựng, kiến trúc, tài chính, pháp luật cháy chữa cháy…

Không thể truy cứu trách nhiệm hình sự Ban quản trị nhà chung cư
Ông Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh sự khác biệt một cách phù hợp đối với thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt, cấp một

Ông Mạc phân tích, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật quy định về việc bảo hành nhà chung cư kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng có thời hạn tối thiểu là 60 tháng. Trong khi đó, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 35 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, quy định thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp một. Trong khi đó, công trình cấp đặc biệt được phân loại theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD, ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm có Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, trụ sở Chính phủ, trụ sở Trung ương Đảng, các công trình đặc biệt quan trọng khác… Thời gian tối thiểu bảo hành trong hai loại trường hợp trên có sự khác biệt đáng kể, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về sự khác biệt này./.