Các quy định về MELS và MEPS nhằm cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu chi phí sử dụng năng lượng và đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết trung hòa carbon của Singapore.

Khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sang Singapore về yêu cầu dán nhãn, sử dụng năng lượng hiệu quả
Quy định của Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc (MELS) và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) ở Singapore

Máy nước nóng, là thiết bị sử dụng nhiều năng lượng thứ ba trong các hộ gia đình tại Singapore, chỉ đứng sau máy điều hòa không khí và tủ lạnh, chiếm 10% mức tiêu thụ năng lượng của một hộ gia đình thông thường. Còn tủ lạnh bảo quản thương mại, là thiết bị thiết yếu trong các cơ sở thực phẩm, và là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong các bếp ăn.

Đối với 2 loại thiết bị này, NEA đưa ra các tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu và nhãn năng lượng với thang đánh giá 5 điểm cho tất cả các loại máy nước nóng thường được sử dụng trong các hộ gia đình và tủ lạnh bảo quản thương mại, nhằm giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp xác định hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm chi phí và khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn.

NEA cũng nhắc lại các quy định pháp lý bắt buộc cho các thiết bị điều hòa không khí di động, các loại đèn và máy thu hình cũng sẽ áp dụng từ ngày 01/4/2024 theo quy định NEA-LSD-CIRCULAR-ECA-00002-2023.

Tại Singapore, người tiêu dùng chỉ được mua các thiết bị đã đăng ký với NEA và có tên trong Cơ sở dữ liệu hàng hóa đã đăng ký của NEA. MELS được áp dụng cho các hàng hóa được NEA quản lý, nhằm giúp người tiêu dùng so sánh hiệu quả sử dụng năng lượng và đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn.

Mục tiêu của MEPS là nâng cao hiệu suất năng lượng trung bình của hàng hóa được quản lý trên thị trường. Các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất muốn cung cấp hàng hóa vào thị trường Singapore đều phải nộp đơn lên NEA để trở thành nhà cung cấp đã được đăng ký. Nhà cung cấp đã được đăng ký cũng phải tiếp tục đăng ký hàng hóa để quản lý trước khi cung cấp tại thị trường Singapore.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, trong tháng 1/2024, Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 8 của Singapore với kim ngạch 2,23 tỷ SGD, tăng 14,79% và là đối tác nhập khẩu đứng thứ 17/20 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore với kim ngạch 678,8 triệu SGD (tăng 30,34%).

Trong đó, hầu hết các nhóm ngành hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Singapore tăng trưởng dương. Đáng chú ý, nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại tăng trưởng rất mạnh (đạt 255,2 triệu SGD, tăng 50,62%).

Do đó, Thương vụ khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, phân phối các sản phẩm sản phẩm máy nước nóng gia dụng và tủ lạnh bảo quản thương mại cần lưu ý tuân thủ Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc (MELS) và Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) khi tiếp cận thị trường Singapore.

Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người rất cao.

Các quy định về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng chủ yếu để đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế mà Singapore đã cam kết. Các doanh nghiệp vi phạm quy định sẽ bị phạt rất nghiêm khắc và thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong tương lai. Theo đó, các doanh nghiệp không tuân thủ sẽ có thể bị phạt tới 10.000 SGD./.