Tuy nhiên, việc rút bài khoa học về bản chất không xấu, mà là một cơ chế quan trọng của quá trình tự sửa chữa trong nghiên cứu học thuật, thể hiện cam kết của giới khoa học về tính chính xác của hệ thống kiến thức mà mình cung cấp cho xã hội. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nghiên cứu, đạo đức học thuật, văn hóa khoa học, hệ thống xuất bản khoa học, và quá trình đào tạo nghiên cứu. Sâu xa hơn, nó còn tác động đến tính hiệu quả và xác đáng của việc đầu tư vào khoa học, niềm tin của người dân, và độ tin cậy của các kết quả khoa học đang được ứng dụng vào xã hội (như hoạch định chính sách, giảng dậy, khám chữa bệnh, vận hành kinh doanh, v.v.).

Việc rút bài học thuật đã được thực hiện rất lâu trước đây, từ những năm 1970, và vào tháng 8 năm 2010, Retraction Watch Database (Cơ sở Dữ liệu của Việc Rút bài, https://retractionwatch.com/) cũng được thành lập, nhưng nó chỉ thật sự được nhận thức là vấn đề quan trọng của cộng đồng khoa học toàn cầu sau khi có sự bùng nổ cả về số lượng và mức độ ảnh hưởng của các bài bị rút từ sau đại dịch COVID-19. Theo một phân tích mới đây của Nature, số lượng các bài nghiên cứu khoa học tăng lên nhanh chóng sau 2020. Tính từ đầu năm 2023 tới ngày 8 tháng 12 năm 2023, số lượng bài khoa học bị rút đã vượt 10,000 bài, tăng gần gấp đôi so với năm 2022 [3]. Không chỉ dừng ở số lượng, mà các bài bị rút còn gắn liền với những tạp chí lâu đời có uy tín cực cao, như Nature, Science, PNAS, Lancet, The New England Journal of Medicine, v.v.

Sự gia tăng nhanh chóng của các bài khoa học bị rút là kết quả của việc số lượng bài nghiên cứu đang gia tăng nhanh chóng qua từng năm. Tính tới năm 2022, đã có 2,8 triệu bài nghiên cứu được xuất bản, tăng gần 50% so với 7 năm trước [4]. Khi số lượng nghiên cứu gia tăng nhanh chóng, các rủi ro về chất lượng khoa học cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Nhầm lẫn trong phương pháp, thường xuất phát từ việc vội vàng hoặc thiết kế nghiên cứu không đầy đủ, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề tính toán và phân tích dữ liệu không chính xác [5]. Thao túng dữ liệu, có chủ ý hoặc vô tình, với các vấn đề đạo văn và đạo đức cũng đã trở thành những nguyên nhân quan trọng dẫn đến quyết định thu hồi các bài báo và nghiên cứu [5].

Đồng thời, việc rút bài cũng phản ánh nỗ lực ngày càng tăng của các nhà nghiên cứu và biên tập viên nhằm hạn chế sản phẩm khoa học kém chất lượng. Quá trình kiểm soát chất lượng ngày nay cũng được hỗ trợ tốt hơn bởi sự ra đời của các phần mềm phát hiện đạo văn và chỉnh sửa hình ảnh. Các phần mềm này không chỉ giúp các ban biên tập dễ dàng tìm ra các bài nghiên cứu kém chất lượng, đạo văn, có các hành vi sai trái trong quá trình nghiên cứu đã xuất bản, mà còn hứa hẹn sẽ giảm tỷ lệ rút bài trong tương lai vì các bài nghiên cứu kém chất lượng sẽ sớm được loại bỏ trong quá trình phản biện.

Minh bạch thông tin trong quá trình rút bài khoa học: Sự trung thực và tinh thần tự sửa chữa của nhà khoa học
Rút bài khoa học. Nguồn: https://www.si.umich.edu/about-umsi/news/flawed-research-not-retracted-fast-enough-prevent-spread-misinformation-study-finds

Quá trình rút bài nghiên cứu là quá trình tự sửa chữa của cộng đồng khoa học trong việc hoàn thiện hệ thống kiến thức cho nhân loại: một quá trình tiến bộ không hoàn hảo. Tuy nhiên, việc số lượng các bài báo bị thu hồi ngày càng nhiều dẫn đến mất niềm tin của công chúng và làm dấy lên sự nghi ngờ về độ tin cậy của các nghiên cứu và tạp chí khoa học là không thể tránh khỏi. Trong tình huống đấy, sự minh bạch sẽ là yếu tố cốt lõi để giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực của quá trình rút bài học thuật.

Vì thế, các thông báo rút bài cần phải có nhiều thông tin hơn để các bên liên quan có thể tiếp cận với các thông tin hữu ích, từ đó có những đánh giá toàn diện hơn về bài nghiên cứu bị rút, thay vì đưa ra các nhận xét mang tính phỏng đoán từ đó dẫn đến sự kỳ thị và lo sợ vô căn cứ [6]. Để tăng tính minh bạch, TS. Vương Quân Hoàng đã đề xuất rằng các thông báo rút bài cần nêu rõ các điểm sau [1,7]:

– Người khởi động yêu cầu rút bài đầu tiên, bao gồm tác giả, biên tập viên, nhà xuất bản, trường đại học hoặc thậm chí cả độc giả;

– Lý do/lỗi nghiêm trọng khiến bài bị rút;

– Liệu các đánh giá hậu xuất bản có báo cáo hay đặt nghi vấn về chất lượng bài báo không;

– Liệu có sự đồng thuận giữa ban biên tập/nhà xuất bản và tác giả trong quyết định rút bài không;

– Liệu bài nghiên cứu có liên quan đến hành vi gian lận nào không

Truyền thông minh bạch có vai trò then chốt trong việc giảm thiểu sự hoài nghi của độc giả, cũng như củng cố cam kết về tính liêm chính trong nghiên cứu khoa học [8]. Trong đó, sự trung thực của nhà khoa học và ban biên tập luôn là nền tảng của niềm tin xã hội vào các kết quả nghiên cứu. Khi một bài báo hoặc một ấn phẩm bị thu hồi, các nhà khoa học và những người chịu trách nhiệm xuất bản cần làm việc cùng nhau để chia sẻ một cách rõ ràng và trung thực càng nhiều thông tin càng tốt [1].

Tài liệu tham khảo

[1] Vuong, Q. H. (2019). The limitations of retraction notices and the heroic acts of authors who correct the scholarly record: An analysis of retractions of papers published from 1975 to 2019. Learned Publishing, 33(2), 119-130. Doi:10.1002/leap.1282.

[2] Smart, P. (2018). A sting in the tail? Learned Publishing, 31(4), 331–333. Doi:10.1002/leap.1202

[3] Noorden, R. V. (2023). More than 10,000 research papers were retracted in 2023 — a new record. Nature. Doi:10.1038/d41586-023-03974-8.

[4] Kristiansen, N. (2023). The amount of research in the last seven years has grown by 50 per cent. Are important findings being overlooked? https://www.sciencenorway.no/research-research-communication/the-amount-of-research-in-the-last-seven-years-has-grown-by-50-per-cent-are-important-findings-being-overlooked/2288899

[5] Taros, T., et al. (2023). Retracted Covid-19 articles: significantly more cited than other articles within their journal of origin. Scientometrics,128 (5), 2935-2943. Doi:10.1007/s11192-023-04707-4

[6] Noorden, R. V. (2011). Science publishing: The trouble with retractions. Nature News, 478, 26–28. Doi:10.1038/478026a

[7] Vuong, Q. H. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature, 582, 149. Doi:10.1038/d41586-020-01694-x

[8] Ho MT, et al. (2021) Total SciComm: a strategy for communicating open science. Publications, 9(3), 31. Doi:10.3390/publications9030031