Nguyễn Thùy Dương

Khoa Kinh tế, Trường Đại học Hoa Lư

Trịnh Thu Thủy

Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

Tóm tắt

Áp dụng phương pháp nghiên cứu định tính tại bàn, phương pháp mô tả và so sánh, sử dụng nguồn số liệu thứ cấp, bài phân tích này cho thấy, nguyên nhân chính làm chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Ninh Bình thấp điểm trong giai đoạn 2018-2022 là do khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Tỉnh chưa được dễ dàng, chất lượng cung cấp thông tin kém, tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số DN rất thấp… Từ kết quả nghiên cứu, một số giải pháp được đề xuất giúp cải thiện chỉ số PCI của Ninh Bình [1].

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp

Summary

By desk research methodology, descriptive and comparative methods with secondary data, this paper shows that the main reasons for the Provincial Competitiveness Index (PCI) of Ninh Binh’s low point over the period 2018-2022 is due to the lack of easy access to planning documents and legal documents of enterprises in the province, poor quality of information provision,, the low ratio of service providers to the total number of businesses, etc. From this finding, a number of solutions are proposed to improve Ninh Binh’s PCI [1].

Keywords: competitiveness, business environment, transparency, business support

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ninh Bình nằm ở Đồng bằng sông Hồng, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam với 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý, đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thiên nhiên thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tuy có vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử, văn hóa như vậy, nhưng kinh tế của Tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Điều đó được thể hiện qua kết quả đánh giá PCI của tỉnh Ninh Bình có điểm số và thứ hạng thấp, tăng giảm không ổn định qua các năm. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân làm cho thứ hạng năng lực cạnh tranh của Ninh Bình bị sụt giảm mạnh sẽ giúp đưa ra được các giải pháp chiến lược và hành động cụ thể để cải thiện PCI và môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình một cách hiệu quả.

NGUYÊN NHÂN ẢNH HƯỞNG TỚI CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH NINH BÌNH

Các chỉ số thành phần bị giảm điểm và thấp điểm

Bảng 1 cho thấy, cả 10 chỉ số thành phần PCI của Ninh Bình trong giai đoạn 2018-2022 đều đạt điểm ở mức thấp hoặc tương đối thấp so với cả nước. Các chỉ số này tăng điểm không bền vững và giảm điểm nhanh chóng. Trong đó, sự thấp điểm của chỉ số Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ DN là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số PCI và xếp hạng của tỉnh Ninh Bình luôn ở mức thấp.

Bảng 1: Tổng hợp chỉ số thành phần PCI của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2022

Các chỉ số thành phần PCI

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

1. Gia nhập thị trường

Điểm số

7,46

6,74

7,15

6,2

6,53

Trung vị

7,43

7,24

7,81

6,88

6,95

Thứ hạng

28

54

50

56

55

2. Tiếp cận đất đai

Điểm số

6,19

6,98

6,91

6,33

7,12

Trung vị

6,6

6,94

6,66

7,06

6,98

Thứ hạng

47

29

23

57

24

3. Tính minh bạch

Điểm số

5,26

6,39

5,09

4,6

5,69

Trung vị

6,25

6,64

5,85

6,02

6,02

Thứ hạng

63

55

62

61

47

4. Chi phí thời gian

Điểm số

6,62

7,04

7,54

6,71

7,69

Trung vị

6,94

6,87

7,71

7,46

7,37

Thứ hạng

39

27

38

54

19

5. Chi phí không chính thức

Điểm số

6,35

5,81

6,74

7,56

6,96

Trung vị

6,04

6,2

6,62

7,06

6,98

Thứ hạng

20

45

23

12

35

6. Cạnh tranh bình đẳng

Điểm số

4,72

6,11

6,78

7,57

5,9

Trung vị

5,68

6,35

6,59

5,99

6,06

Thứ hạng

58

41

22

3

37

7. Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh

Điểm số

5,55

6,25

6,1

5,54

6,2

Trung vị

5,55

6,26

6,37

6,82

6,71

Thứ hạng

32

34

41

62

59

8. Chính sách hỗ trợ DN

Điểm số

6,31

5,63

4,76

4,98

5,17

Trung vị

6,43

6,17

5,91

6,85

5,82

Thứ hạng

40

51

63

62

57

9. Đào tạo lao động

Điểm số

7,91

7,29

7,37

6,93

6,4

Trung vị

6,34

6,7

6,52

5,81

5,52

Thứ hạng

2

9

8

6

11

10. Thiết chế pháp lý và ANTT

Điểm số

5,93

7,18

7,14

7,54

7,35

Trung vị

6,21

6,53

6,8

7,19

7,51

Thứ hạng

48

12

17

15

42

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp và tính toán từ báo cáo PCI của VCCI và USAID

Giai đoạn 2018-2021, hai chỉ số thành phần là chỉ số Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ DN đều được đánh giá với trọng số cao nhất là 20%, tức là riêng điểm số của hai chỉ này đã chiếm 40% tổng điểm đánh giá PCI. Đối với Ninh Bình, điểm số của hai chỉ số trên luôn ở mức thấp, đứng cuối hoặc gần cuối bảng xếp hạng toàn quốc. Cụ thể, chỉ số Tính minh bạch xếp hạng 63/63 năm 2018, xếp hạng 62/63 năm 2020, xếp hạng 61/63 năm 2021; chỉ số Chính sách hỗ trợ DN xếp hạng 21/63 năm 2019, xếp hạng 63/63 năm 2020 và xếp hạng 62/63 năm 2021. Như vậy, hai chỉ số trên đã góp phần đáng kể kéo chỉ số PCI và thứ hạng PCI của tỉnh Ninh Bình xuống mức thấp. Sang năm 2022, tuy trọng số của 10 chỉ số thành phần đều có sự thay đổi, nhưng vai trò của chỉ số Chính sách hỗ trợ DN vẫn được đánh giá cao với trọng số cao nhất là 15%. Điểm số của chỉ số này tăng nhẹ (từ 4,98 năm 2021 lên 5,17 năm 2022), nhưng vẫn ở mức điểm thấp gần nhất toàn quốc (xếp hạng 57/63). Trong khi đó, chỉ số Tính minh bạch mặc dù tăng điểm đáng kể hơn 23% (từ 4,6 năm 2021 lên 5,69 năm 2022), nhưng do chỉ số này có trọng số chỉ còn 5%, nên mức tăng điểm trên chưa đủ lớn để cải thiện đáng kể chỉ số PCI của Ninh Bình năm 2022.

Chỉ số Đào tạo lao động các năm 2018-2020 luôn có điểm số cao nhất trong 10 chỉ số thành phần, từ 7,29 đến 7,91, là điểm sáng để kéo điểm và bù đắp cho sự giảm điểm của các chỉ số thành phần khác. Nhưng đến năm 2021, chỉ số này giảm xuống mức 6,93 điểm, thậm chí năm 2022 tiếp tục đà giảm xuống còn 6,40 điểm (Bảng 3).

Năm 2022, hai chỉ số Chi phí không chính thức và Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh Ninh Bình được đánh giá mức độ quan trọng cao với trọng số 15%. Chỉ số Chi phí không chính thức của Ninh Bình giảm mạnh từ 7,56 điểm năm 2021 xuống còn 6,96 điểm năm 2022, cùng với đó thứ hạng của chỉ số này cũng giảm 23 bậc từ 12/63 xuống hạng 35/63. Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh Ninh Bình năm 2022 mặc dù có tăng điểm, nhưng vẫn ở mức thấp và xếp gần cuối bảng xếp hạng (59/63) so với các địa phương khác trên toàn quốc. Như vậy, sự giảm điểm mạnh và điểm số thấp của hai chỉ số trên đã làm cho chỉ số PCI của Ninh Bình năm 2022 mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn ở mức tương đối thấp.

Nguyên nhân làm chỉ số Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ DN thấp điểm và giảm điểm

Như đã phân tích ở trên, 2 chỉ số Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ DN có trọng số cao và ảnh hưởng lớn nhất đến sự thay đổi của PCI tỉnh Ninh Bình. Do đó, nhóm tác giả tập trung tìm hiểu nguyên nhân làm chỉ số Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ DN thấp điểm và giảm điểm.

Chỉ số Tính minh bạch

Bảng 2: Chỉ số Tính minh bạch của tỉnh Ninh Bình năm 2021-2022

TT

Chỉ tiêu thành phần của Chỉ số Tính minh bạch

Năm 2021

Năm 2022

Ninh Bình

Trung vị*

Ninh Bình

Trung vị*

Chỉ số Tính minh bạch

4,60

6,02

5,69

6,02

1

Tiếp cận tài liệu quy hoạch (1=Không thể; 5=Rất dễ)

2,70

2,68

3,02

3,04

2

Tiếp cận tài liệu pháp lý (1=Không thể; 5=Rất dễ)

3,13

3,06

3,12

3,15

3

Minh bạch trong đấu thầu (% Đồng ý)

96%

82%

64%

32%

4

Tỷ lệ DN nhận được thông tin, văn bản cần khi yêu cầu cơ quan trong tỉnh cung cấp (% DN )

60%

75%

36%

71%

5

Số ngày chờ đợi để nhận được thông tin, văn bản yêu cầu (Trung vị)

2

3

4

5

6

Thông tin trên website của tỉnh về các ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư của tỉnh là hữu ích (% Đồng ý)**

40%

43%

34%

29%

7

Thông tin trên website của tỉnh về các quy định về thủ tục hành chính là hữu ích (% Đồng ý) **

56%

68%

45%

63%

8

Thông tin trên website của tỉnh về các văn bản điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là hữu ích (% Đồng ý)

44%

49%

32%

34%

9

Thông tin trên các website của tỉnh về các văn bản pháp luật của tỉnh là hữu ích (% Đồng ý) **

44%

59%

32%

43%

10

Cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của tỉnh

(% Quan trọng hoặc Rất quan trọng)

52%

61%

30%

36%

11

Thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh (% Đồng ý)

22%

48%

27%

54%

12

Thỏa thuận về các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế giúp DN giảm được số thuế phải nộp (% Đồng ý) **

17%

36%

22%

35%

13

Vai trò của các hiệp hội DN địa phương trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh là quan trọng (% DN)

30%

64%

33%

68%

14

Khả năng dự liệu được việc thực thi của tỉnh với quy định pháp luật của Trung ương (% Có thể) ***

33%

34%

51%

28%

15

Khả năng dự liệu được thay đổi quy định pháp luật của tỉnh (% Có thể)

27%

34%

50%

28%

16

Độ mở và chất lượng website của tỉnh ***

27,96

41,27

49,18

52,61

17

Tỷ lệ DN thường xuyên truy cập vào website của UBND tỉnh (% DN)

26%

59%

34%

42%

* Trung vị: Giá trị trung bình của 63 tỉnh, thành phố; ** Biến mới năm 2021; *** Điều chỉnh năm 2021

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp và tính toán từ báo cáo PCI

Từ năm 2018 đến năm 2022, chỉ số Tính minh bạch của tỉnh Ninh Bình luôn đứng cuối hoặc gần cuối cùng trong bảng xếp hạng toàn quốc: năm 2018 xếp thứ 63/63, năm 2020 xếp thứ 62/63 và năm 2021 xếp thứ 61/63 (Bảng 3). Năm 2022, mặc dù thứ hạng chỉ số này của tỉnh Ninh Bình đã được cải thiện, xếp thứ 47/63, tăng 14 bậc so với năm 2021, tuy nhiên các DN trong Tỉnh vẫn đánh giá chưa tốt về tính minh bạch trong cung cấp thông tin của chính quyền tỉnh Ninh Bình.

Dữ liệu về các chỉ tiêu thành phần của chỉ số Tính minh bạch của tỉnh Ninh Bình các năm 2021 và 2022 cho thấy, khả năng tiếp cận tài liệu quy hoạch và tài liệu pháp lý của các DN trên địa bàn ở mức 2-3 điểm, nghĩa là các DN chưa dễ dàng để tiếp cận tài liệu (mức 4 điểm trở lên là dễ dàng). Điều này cũng được phản ánh qua việc có đến 52% số DN (năm 2021) cần phải “mối quan hệ” để có được các tài liệu của Tỉnh, hay chỉ có 36% số DN (năm 2022) nhận được thông tin, văn bản cần khi yêu cầu cơ quan trong tỉnh cung cấp, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước là 71%.

Vai trò của các hiệp hội DN địa phương trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh cũng bị các DN đánh giá thấp. Chỉ có 30%-33% số DN được khảo sát cho rằng các hiệp hội DN tại Ninh Bình có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phản biện chính sách của chính quyền Tỉnh, trong khi chỉ số này có giá trị trung bình cả nước là 64%-68% (VCCI, 2023). Ninh Bình hiện nay có Hiệp hội DN tỉnh Ninh Bình, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình. Trong những năm qua, các hiệp hội này có vai trò quan trọng trong việc kết nối cộng đồng DN của Tỉnh và là cầu nối giữa DN và chính quyền Tỉnh. Tuy nhiên, đa phần các hoạt động mang tính chất “bề nổi”, như: giao lưu văn nghệ, thể thao, thiện nguyện, có ít các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng DN.

Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN

Trong giai đoạn 2018-2022, chỉ số Chính sách hỗ trợ DN của tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp nhất toàn quốc. Đặc biệt, hai năm 2020 và 2021, xếp hạng của chỉ số này lần lượt là 63/63 và 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (Bảng 3). Thứ hạng này cho thấy các chương trình hỗ trợ DN của chính quyền tỉnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bảng 3: Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN của tỉnh Ninh Bình năm 2021 và 2022

TT

Chỉ tiêu thành phần của chỉ số Chính sách hỗ trợ DN

Năm 2021

Năm 2022

Ninh Bình

Trung vị

Ninh Bình

Trung vị

Chỉ số Chính sách hỗ trợ DN

4,98

6,85

5,17

5,82

1

Thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dễ thực hiện (%)*

67%

83%

77%

71%

2

Thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực DN dễ thực hiện (%)*

50%

82%

71%

70%

3

Thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại khu/cụm cụm công nghiệp là dễ thực hiện (%)*

50%

86%

73%

75%

4

Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước dễ thực hiện (%) *

67%

79%

79%

77%

5

Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước dễ thực hiện (%)*

60%

82%

75%

76%

6

Thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN dễ thực hiện (%)*

63%

81%

71%

78%

7

Thủ tục để được miễn, giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động dễ thực hiện (%) *

57%

83%

79%

79%

8

Chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan nhà nước địa phương đáp ứng nhu cầu của DN (% đáp ứng) *

29%

28%

19%

33%

9

Vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cơ quan nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả (%) *

78%

63%

49%

57%

10

Tỷ lệ DN có biết đến các chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội của các FTAs *

12%

21%

13%

16%

Tỷ lệ DN đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTAs là thuận lợi (%) *

100%

75%

9%

15%

11

Tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số DN (%)

0,33%

0,76%

0,74%

1,38%

12

Tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ (%)

40%

83%

61%

85%

* Biến mới năm 2021

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp và tính toán từ báo cáo PCI của VCCI và USAID

Năm 2022, một số chương trình hỗ trợ DN của tỉnh Ninh Bình, như: thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực DN; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật, chi phí đào tạo nghề cho người lao động đã có sự cải thiện đáng kể. Số lượng các DN đánh giá các thủ tục này dễ thực hiện đã tăng lên và cao hơn mức trung vị cả nước. Cụ thể: thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV dễ thực hiện đã tăng từ 67% (năm 2021) lên 77% (năm 2022); thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước dễ thực hiện tăng từ 67% (năm 2021) lên 79% (năm 2022).

Sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của chính quyền tỉnh Ninh Bình với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho DN” đã giúp Tỉnh đạt được kết quả trên. Việc đổi mới trong phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang hướng chủ động và xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp và các sở, ban, ngành. Năm 2022, Ban Xúc tiến đầu tư đã được thành lập với sự tham gia chỉ đạo của các lãnh đạo Tỉnh[2]. Ban Xúc tiến đầu tư có chức năng, nhiệm vụ xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án xúc tiến; vận động, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh Ninh Bình; trực tiếp tiếp đón và làm việc với nhà đầu tư để nắm bắt ý tưởng, nhu cầu đầu tư vào địa bàn Tỉnh; xem xét đề xuất dự án của nhà đầu tư, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục theo quy định để báo cáo UBND Tỉnh và cấp có thẩm quyền chấp thuận, cho phép đầu tư đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, các chính sách và công việc trên chưa giải quyết được các vấn đề liên quan đến hỗ trợ hội nhập, mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài cho DN, thể hiện qua các tiêu chí FTA của Tỉnh còn thấp hơn nhiều so với mức trung vị của cả nước. Theo đó, Chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các FTA của các cơ quan nhà nước địa phương chỉ đáp ứng được 19% nhu cầu của DN (trung vị là 33%); chỉ có 9% số DN đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTA là thuận lợi (trung vị là 15%); tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ trên tổng số DN là 0,74% rất thấp so với mức trung vị là 1,38%.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để nâng cao chỉ số PCI, cần phải tăng điểm số của cả 10 chỉ số thành phần. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn của mỗi tỉnh, việc cùng lúc thực hiện các giải pháp để nâng cao cả 10 chỉ số thành phần là rất khó. Mỗi địa phương, tùy thuộc vào tình hình kinh tế – xã hội, các điều kiện về nhân lực, tài chính, công nghệ, kỹ thuật của địa phương mình, nên lựa chọn trình tự và mức độ ưu tiên cải thiện từng chỉ số thành phần.

Đối với tỉnh Ninh Bình, hai chỉ số thành phần Tính minh bạch và Chính sách hỗ trợ DN cần được ưu tiên tập trung cải thiện nhất trong thời gian tới. Nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin của DN

Một là, nâng cao chất lượng hoạt động của các kênh “truyền tin”, đặc biệt là website của Tỉnh, nhằm đưa thông tin chính thống của các cấp chính quyền địa phương tiếp cận đến DN một cách hấp dẫn và dễ dàng. Các thông tin đăng tải lên website của Tỉnh trong thời gian tới cần có sự chọn lọc, xét duyệt kỹ càng hơn, cũng như cần đăng tải rộng rãi các tài liệu quy hoạch – những thông tin hữu ích được các DN quan tâm

Ngoài website của UBND Tỉnh, chính quyền tỉnh Ninh Bình có thể cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động mua sắm công và thông tin ngân sách hàng năm qua một số hệ thống công khai thông tin quan trọng khác, như: Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (https://muasamcong.mpi.gov.vn) hay Cổng công khai ngân sách nhà nước (https://ckns.mof.gov.vn).

Hai là, tăng cường vai trò của hiệp hội DN địa phương trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của Tỉnh. Các hiệp hội DN cần chủ động kết nối với các thành viên để phổ biến và triển khai kịp thời đến DN các văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn; cung cấp hệ thống thông tin cho DN về thị trường, xu hướng công nghệ, môi trường, chính sách và những tác động của chính sách mới tới DN. Những hoạt động này giúp các hiệp hội DN nắm bắt tình hình, nâng cao khả năng dự liệu được thay đổi quy định pháp luật của Tỉnh, của Trung ương, kịp thời phản ánh và đề xuất các kiến nghị của các DN trong Tỉnh đến lãnh đạo Tỉnh và các sở, ngành chức năng nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích DN sáng tạo, yên tâm đầu tư kinh doanh, đồng thời nâng cao vai trò của các DN trong việc xây dựng và phản biện chính sách của chính quyền tỉnh.

Thứ hai, tăng cường chính sách hỗ trợ DN

Một là, chủ động triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ DN thông tin về thị trường. Nâng cao vai trò của cơ quan phụ trách, trực tiếp là Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, kết hợp cùng các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành bằng nhiều hình thức khác nhau. Cần xây dựng trang website riêng để hỗ trợ các DN thông tin thị trường, phổ biến giới thiệu, làm rõ các lợi ích từ các FTA, nhất là 17 hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, các thông tin chính sách mới về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về truy xuất vùng trồng, những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chuyển tải bất hợp pháp, biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường nhập khẩu lớn. Từ đó, giúp DN tỉnh Ninh Bình có thể khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA.

Hai là, đổi mới phương thức hỗ trợ DN trong tiến trình thực thi các FTA để đáp ứng sát hơn với nhu cầu DN. Chính quyền Tỉnh cần thông tin đầy đủ và xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho DN về các hiệp định trên, tạo điều kiện cho DN thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng mà tỉnh Ninh Bình có thế mạnh, như: may mặc, thủ công mỹ nghệ, da giày, nông sản chế biến, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… Tăng cường hiệu quả cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu, đặc biệt là quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử, giúp các DN xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh tiết kiệm đối đa thời gian, công sức thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chính quyền Tỉnh cần xây dựng và triển khai các đề án hỗ trợ DN tăng cường chuyển đổi số, xây dựng gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến toàn cầu, đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương để hỗ trợ các DN trên địa bàn Tỉnh tham gia các đoàn xúc tiến thương mại, các hội trợ thương mại tại các thị trường trọng điểm, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, EU, nhằm tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các DN lớn trên thế giới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. UBND tỉnh Ninh Bình (2018-2022), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Bình năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022,

  2. VCCI và USAID (2019-2023), Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Việt Nam năm 2018, 2019, 2020, 2021, 2022.


[1] Bài nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) theo dự án T2022-PC-079.

[2] Ban xúc tiến đầu tư gồm có Chủ tịch UBND Tỉnh là Trưởng Ban, các Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng Ban, giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành trong Tỉnh là Ủy viên. Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đều bố trí thời gian tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với DN (vào thứ 5 của tuần cuối tháng) theo chuyên đề, lĩnh vực cụ thể nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc một cách nhanh chóng, kịp thời; đồng thời xây dựng các chính sách ưu đãi, điều kiện thuận lợi nhất để các DN đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm tạo lập một môi trường đầu tư thân thiện, an toàn, công khai và minh bạch

Ngày nhận bài: 29/02/2024; Ngày phản biện: 15/4/2024; Ngày duyệt đăng: 10/5/2024